Trái Đất nóng lên, Olympic Vancouver... tan chảy

31/01/2010 10:19 GMT+7

(TNTT>) Với 7 năm dài lên kế hoạch và ngân sách khoảng 2 tỉ USD, các nhà tổ chức gần như đã chuẩn bị xong mọi thứ cho Olympic mùa đông tại Vancouver (Canada), ngoại trừ ... tuyết.

Nỗ lực thân thiện với môi trường

Trước tình trạng ấm lên toàn cầu ngày một trầm trọng hơn, Ủy ban Tổ chức Thế vận hội Vancouver (VANOC) quyết định sẽ biến Olympic mùa đông trở thành một sự kiện có mục tiêu không gây hại đến môi trường. Để cân đối bù trừ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính có thể phát sinh từ những hoạt động của Thế vận hội, nước chủ nhà Canada tìm mọi cách vận động cho được đủ số tiền đổ vào đầu tư công nghệ và dự án nhằm sản xuất năng lượng sạch, như cối xay gió chẳng hạn.

Theo hãng tin Reuters, VANOC tuyên bố đã có thể bù trừ toàn bộ 118.000 tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính phát sinh trực tiếp trong quá trình diễn ra Olympic mùa đông. Số khí thải này thoát ra từ các hoạt động như xây địa điểm tổ chức thi đấu, hoạt động rước đuốc và việc di chuyển của các nhân viên của VANOC.

Bên cạnh đó, nhà tổ chức cũng hứa hẹn sẽ cân bằng luôn lượng khí thải phát sinh gián tiếp, biến Olympic Vancouver trở thành sự kiện thể thao đầu tiên trên thế giới hướng đến mục tiêu này. Ước tính khoảng 150.000 tấn khí thải sẽ phát sinh trong quá trình di chuyển của khán giả và cánh báo chí.

Nạn nhân bất đắc dĩ

Dù VANOC đã cẩn thận tính toán để có thể bù đắp thiệt hại gây ra cho môi trường, trớ trêu thay Thế vận hội tại Vancouver nhiều khả năng là sự kiện thể thao lớn đầu tiên trở thành nạn nhân của tình trạng ấm lên toàn cầu.

Thế vận hội Mùa đông là một trong những sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Năm nay, giải Oscar sẽ được dời lại gần 1 tháng vì Mỹ muốn tránh tổ chức trùng với thời gian diễn ra Thế vận hội tại Canada, từ 12 đến 28.2.2010.

Lần cuối cùng một chính phủ phải can thiệp để giải quyết tình trạng địa điểm tổ chức bị khan hiếm tuyết là vào năm 1964 tại Innsbruck (Áo), theo báo The New York Times dẫn sách của tác giả David Wallechinsky. Quân đội nước này buộc phải vào cuộc, di chuyển các tảng băng và hàng chục ngàn mét khối tuyết để giúp các trận thi tài không bị hoãn.

Khi thế giới hướng sự chú ý đến Vancouver vào tháng sau, người ta có thể sẽ cảm thấy thiếu vắng một cái gì đó. Kết quả dự báo khí tượng cho thấy thế vận hội năm nay sẽ khan hiếm tuyết, mà địa điểm cụ thể chính là núi Cypress, nơi diễn ra 6 sự kiện đua tài trượt tuyết và lướt ván. Rõ ràng hành động vay trước trả sau không thể cứu Vancouver khỏi thảm họa thiếu tuyết do tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu. Chuyện thiếu tuyết cho thế vận hội mùa đông chẳng khác nào tổ chức thế vận hội mùa hè mà không xây đường đua cho các vận động viên điền kinh vậy. Tất nhiên cuộc đua tài vẫn sẽ được tiếp tục như dự kiến và nhà tổ chức đã vạch ra các chiến lược đối phó.

Do nhiệt độ vẫn không đủ lạnh để làm tuyết nhân tạo, tuyết sẽ được vận chuyển bằng đường bộ lẫn đường hàng không từ những nơi cao hơn đến núi Cypress. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Người ta phải dùng đến những khối rơm và gỗ độn dưới lớp tuyết để thay cho lượng tuyết thiếu và cầu trời sẽ không có vận động viên hoặc khán giả nào phát hiện ra điều đó.

Hiệp hội David Suzuki vào năm 2007 cảnh báo tương lai của các môn thể thao mùa đông, trong đó có sự kiện Olympic mùa đông, có thể đứng trước nguy cơ biến mất do tình trạng ấm lên toàn cầu, vì nhiệt độ mùa đông tăng đồng nghĩa với việc ít tuyết và băng, mùa đông ngắn lại. Dữ liệu về môi trường Canada cho thấy mùa đông tại đông và tây Canada đã giảm lần lượt từ 2 đến 5 tuần trong 50 năm trở lại đây.

Trở lại với Olympic Vancouver, nhà sử học về Olympic, Wallechinsky đã nêu lên một câu hỏi đầy trăn trở: “Về lâu dài, liệu chúng ta có buộc phải suy nghĩ lại khi lựa chọn địa điểm tổ chức Olympic mùa đông vì tình trạng ấm lên toàn cầu?”.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.