Trải nghiệm - tại sao không?

24/06/2006 21:51 GMT+7

Học qua trải nghiệm" đang là một lý thuyết nền tảng cho ngành sư phạm hiện đại. Trong quá trình tự trưởng thành của mỗi con người cũng vậy, dường như mỗi người đều phải tự "từng trải" cuộc đời theo cách của riêng mình. Có lẽ khi ta bước chân vào thực tế với ý thức tích cực nhằm khám phá, nâng cao cuộc sống của chúng ta về nhiều mặt thì những kinh nghiệm sống đã được học (qua lời ru của mẹ, qua sự dạy dỗ của thầy cô, qua sách vở...) mới thực sự thấm thía và có ích cho quá trình trưởng thành của mỗi cá nhân.

"Bơi" ngoài đời để kiếm kinh nghiệm và biết sẻ chia

Là dân thành phố chính hiệu, lại là con gái một vị cựu Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam Văn phòng Quốc hội nhưng bạn Võ Ái Thùy Dương - cựu sinh viên khoa Quản trị, Trường CĐ bán công Hoa Sen TP.HCM lại thích xăn quần, lội ruộng ở các vùng sâu, vùng xa trong các chiến dịch Mùa hè xanh (MHX). Thùy Dương kể: "Lúc đầu, tôi đi vì... ham vui, vì tò mò không biết các chiến sĩ làm những gì ở các vùng sâu vùng xa ấy. Nhưng vào thực tế, MHX giúp tôi nhiều lắm: tập tính kiên nhẫn, rèn khả năng sống tự lập khi không có người thân bên cạnh và còn... biết khóc nữa!". Sao lại là "biết khóc"? "Vì ở thành phố ít có chuyện gì gây cảm xúc mạnh mẽ cho tôi. Vậy mà khi chia tay với những người dân, tôi đã khóc rất nhiều. Lên Sài Gòn rồi, tôi rất muốn về thăm lại bà con".

Liên tiếp trong các năm học 2003-2004, 2004-2005, Thùy Dương có mặt trong MHX với vai trò là đội phó rồi "lên chức" đội trưởng tại các "mặt trận" Trà Vinh, Kiên Giang. Lăn lộn theo các mùa chiến dịch, Thùy Dương đã nhận được bằng khen của Trung ương Đoàn và của Tỉnh đoàn Kiên Giang...

Võ Thị Thùy Dương

Dù gia đình không quá khó khăn, Thùy Dương vẫn đăng ký đi làm thêm qua nhiều công việc: làm thâu ngân cho một cửa hàng bán áo quần; làm thời vụ trong dịp tuyển sinh cho Trường Hoa Sen... Theo Thùy Dương, khả năng tự "bơi" ngoài đời đem lại cho cô nhiều điều thú vị. Trong đó, công việc thời vụ mùa tuyển sinh tập cho cô tính cẩn thận, tỉ mỉ. Còn khi làm ở cửa hàng thì cô được tiếp xúc nhiều khách hàng với nhiều tính cách khác nhau, đặc biệt là những người vào cửa hàng "chỉ muốn nhòm ngó chứ không mua" đôi khi khiến cô thấy bực mình nhưng cũng phải... kiềm chế! Thùy Dương đúc kết: "Dù trong điều kiện, hoàn cảnh thế nào, sinh viên cũng cần đi làm thêm để có kinh nghiệm quý giá trong cuộc sống và nghề nghiệp sau này".

Còn Nguyễn Thế Thiện, trước khi trở thành sinh viên năm II ngành Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM như hiện nay, Thiện đã từng là lơ xe dọc ngang Bắc - Nam. Thiện cho biết mình làm như thế để vừa dành dụm tiền bạc cho cuộc sống trước mắt vừa có cơ hội chinh phục những cung đường của Tổ quốc cho "thỏa chí nam nhi".

Suốt 2 năm lấy ca-bin xe làm nhà, nhờ đi nhiều và chịu khó quan sát, Thiện đã tiếp cận rất nhiều những mảnh đời cơ cực, chứng kiến không ít chuyện dở khóc dở cười trên đường thiên lý và chạm trán với cả những cảnh đòi mãi lộ trắng trợn của những "ông kẹ" giao thông. Cũng chính những bài học về cuộc sống quý giá ấy đã khiến anh chàng sinh viên người Bắc Ninh trở nên "ông cụ non" hơn và rất biết chia sẻ với mọi người. Nhờ từ nhỏ theo ông nội "học lóm" nghề chữa bệnh đông y nên anh chàng thỉnh thoảng lại trổ tài chẩn bệnh, hốt thuốc cho chị bán rau ngoài chợ, hoặc cô bạn cùng lớp... Không chỉ thế, Thiện còn đang là chủ nhiệm câu lạc bộ thư pháp của trường mình, thỉnh thoảng lại kéo nhóm "đệ tử ruột" đi viết chữ lấy tiền ủng hộ nạn nhân thiên tai. "Chính những ngày tháng dạy kèm, đi làm lơ xe đã giúp mình cứng rắn hơn rất nhiều với khó khăn. Và mình rất tự hào về điều đó" - Thiện tâm sự.

"Hướng ngoại" để học hỏi và sáng tạo

Chuyên mục phối hợp thông tin giữa báo Thanh Niên và chương trình truyền hình Tại sao không? trên VTV1 do HauMy Cross-Media và VTV sản xuất

Đối với một số sinh viên, đi nhiều, tự mình khám phá thực tế còn là điều kiện rất tốt để học hỏi và sáng tạo. Phạm Hữu Ngôn, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, một trong ba thành viên của đội BK Eagle sau vòng chung kết cuộc thi lập trình thế giới ACM ICPC đã tự tìm đến thung lũng Silicon (Mỹ) để được mãn nhãn trước nền công nghệ thông tin hiện đại vào loại bậc nhất thế giới, và bài học tâm đắc nhất mà Ngôn đã rút ra được đó là ý tưởng hình thành "vũ khí công nghệ" bằng cách nghiên cứu chuyên sâu vào kỹ thuật cụ thể. "Chuyên gia" IT mang đôi kính cận dày cộm này còn khẳng định đó chính là con đường tất yếu để phát triển nhanh, mạnh công nghệ thông tin. Anh chàng còn chia sẻ thêm: "Lần sang Iran để dự vòng loại cuộc thi ACM ICPC, mình rất khâm phục người dân nước này về tính tự lập, họ rất ít dùng hàng của nước ngoài vì họ có thể tự làm lấy rất nhiều sản phẩm cần thiết cho riêng mình".

Còn Nguyễn Quốc Dự Tiên, sinh viên Trường ĐH Huflit TP.HCM thì không bao giờ quên những câu chuyện ấn tượng mà mình bắt gặp được sau chuyến du lịch và làm thêm dịp hè do một tổ chức giáo dục phi chính phủ của Mỹ tài trợ. "Mình đã từng bắt gặp những sinh viên Mỹ trong trang phục bikini đi rửa xe thuê để lấy tiền làm từ thiện, cảnh tượng này có thể làm mình "choáng" nhưng họ không quan tâm ánh nhìn của người khác, họ làm tất cả với tinh thần tình nguyện rất cao". Và cũng chính nhờ từng trải qua công việc kế toán cho một ngân hàng trong nước nên khi sang Mỹ làm thêm, Dự Tiên đã rất được lòng sếp với lòng trung thực cũng như khả năng tính nhẩm cực nhạy của mình và được giao quản lý cả két sắt của nhà hàng...

Diễn viên Trung Dân: "Sự trải nghiệm giúp tôi hoàn thiện nghề nghiệp"

Vai diễn đầu tiên: ông Mười hớt tóc trên Đài truyền hình TP.HCM của Trung Dân đã tạo ấn tượng cho khán giả. Mười mấy năm trước, dù tuổi đời còn trẻ, Trung Dân đã thể hiện nhiều vai lão nông rất thành công. Tính cách rặt Nam Bộ trong mỗi nhân vật được anh mô tả đậm đặc, khiến người xem vừa cười vỡ bụng vừa thấm thía. Đến nay, Trung Dân là một trong số ít diễn viên kịch nói có phong cách diễn xuất gắn liền với tính cách của người nông dân nhất. Đơn giản vì anh xuất thân từ một gia đình nông dân chính hiệu ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM.

"Cuộc đời tôi gắn liền với đồng ruộng. Ký ức tuổi thơ là những lần chạy nhảy trên những cánh đồng lúa xanh mướt với đàn chim, cánh diều, con cá, bờ ao. Tôi nghĩ người nông dân chịu nhiều thiệt thòi. Món ngon, vật lạ đều không dám ăn, dám xài, phải mang lên thành phố bán. Cuộc sống thì lam lũ, phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Khổ cực là thế mà đôi khi còn thiếu hụt quanh năm. Tôi ăn chén cơm do những người nông dân chân lấm tay bùn làm ra. Tôi biết ơn họ. Nhờ công việc mà tôi trở thành người phát ngôn cho nông dân. Tôi thích tính cách của người nông dân Nam Bộ: phóng khoáng, chân tình và ngay thẳng".

Trung Dân cho biết để hoàn thiện những vai diễn về nông dân, anh đã từng rong ruổi trên những chuyến xe đò về miền Tây để nghe, để thấy, để thấm cuộc sống miền sông nước. "Trải nghiệm cuộc sống với những người nông dân, tôi mới thấu hiểu văn hóa của miền sông nước Nam Bộ". Và vì vậy, những vai diễn và vở diễn anh viết kịch bản luôn làm khán giả thích thú, say mê dù đó là những anh chàng lực điền hay lão nông hiền lành, chất phác, đôi lúc ngu ngơ.

15 năm trong nghề, chưa đạt đến đỉnh của sự nghiệp nhưng Trung Dân vẫn được công nhận tài năng bằng các giải thưởng: Cù Nèo Vàng 2005, Gala Cười 2004, 10 nhóm hài được yêu thích nhất... Anh cho biết sẽ tốt nghiệp khóa đạo diễn trong năm nay sau bốn năm miệt mài với sách vở.

"Dù là diễn viên hay trong vai trò đạo diễn, tôi vẫn muốn thể hiện cuộc sống của người nông dân. Từ nhỏ đến lớn gắn bó với ruộng đồng, không thể hiện đầy đủ tính cách người nông dân, tôi như chưa làm tròn, chưa trọn vẹn với họ. Tôi nợ người nông dân nhiều lắm" - anh cười cho biết.

Tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn

Bề dày kinh nghiệm là hành trang cực kỳ quý báu. Trải nghiệm sẽ đem lại những bài học kinh nghiệm đa giá trị (cả về thành công lẫn thất bại). Hơn thế nữa, bài học thất bại lại có giá trị gấp nhiều lần so với bài học thành công.

Lý thuyết về sư phạm hiện đại luôn luôn đòi hỏi người học phải có sự trải nghiệm. Học qua thực tế là một phương thức học rất hữu ích. Thế nhưng không phải ai cũng có thể học qua thực tế một cách thoải mái hay dễ dàng tồn tại khi học qua thực tế. Có người phải trả giá quá lớn, có người nản chí và hoàn toàn bất lực sau một "trận" học thực tế quá đáng, có người mất niềm tin đến mức không thể đứng dậy vì thực tế quá ê chề khi tiếp cận và đối diện. Thực tế là hành trang cực kỳ quý báu nhưng cần phải được chính người học khái quát, rút kinh nghiệm. Để làm được điều này đòi hỏi phải có ý chí, bản lĩnh...

Tuy nhiên, cần hiểu đúng về sự trải nghiệm vì trải nghiệm không có nghĩa là làm thử. Khuyến khích các bạn trẻ trải nghiệm nhưng không có nghĩa là khuyến khích làm liều, làm "đại" hay làm bằng mọi giá. Nếu thử heroin, nếu thử quan hệ lung tung để kiểm tra cảm giác của mình thì nguy mất! Trải nghiệm có khá nhiều mức độ. Có hình thức làm thử, có hình thức đặt mình vào vị trí đó, điều kiện đó để tạo ra sự đồng hóa nhằm xem xét và giải quyết, có hình thức đóng vai để thử nghiệm với điều kiện thực tế được lược giản... Nếu thử nghiệm mà cái được nhiều hơn cái mất thì tại sao không?

Như Lịch - Trí Quang - Lan Anh - Đỗ Tuấn - B.Hạnh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.