Dù chưa đến 3 tuổi nhưng khi thấy ông ngoại chuẩn bị trải chiếu, đong gạo... để gói bánh chưng, bé Bùi Khánh Linh cứ ríu rít: "ông ngoại làm gì đấy". Sau đó, Khánh Linh ngồi im lặng để quan sát ông của mình gói từng cái bánh.
Riêng bé Dương Nguyễn Khôi Nhi, học sinh lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM) ngồi thật im lặng để nghe bác của mình kể về truyền thuyết bánh chưng và hướng dẫn tường công đoạn gói bánh.
Không chỉ có vậy, lần đầu tiên Khôi Nhi được tự tay gói bánh chưng và không giấu được niềm vui: "Con chưa từng nghĩ có ngày con được gói bánh chưng. Bánh của con chưa đẹp, còn cần sự hỗ trợ của bác nhưng qua đây con mới thực sự thấy ý nghĩa của ngày tết. Nếu không về quê thì con không thể có cảm giác này".
Ông Nguyễn Văn Duy (Ninh Giang, Hải Dương) chia sẻ: "Thật ra, ngày tết ăn uống không bao nhiêu nhưng tôi vẫn gói vài chiếc bánh để cho con, cháu có dịp biết, hiểu về những tập tục truyền thống trong ngày tết cổ truyền. Chính ra trẻ em ở thành phố lại thua thiệt hơn trẻ ở quê vì không có điều kiện trải nghiệm. Đây là dịp các cháu được chơi, học hỏi, hiểu biết về quê hương, thêm yêu dân tộc".
Còn bà Nguyễn Thị Nhũn (ở Hải Dương), sáng 30 tết không quên dẫn cháu trai Nguyễn Duy Tùng đi chợ. Bà nói: "Ở nhà sắm sửa hết rồi, tôi dẫn cháu đi chợ chơi để cảm nhận không khí chợ quê ngày tết".
Bà Nhũn cũng không quên mua bó mùi già để về nấu nồi nước thơm cho gia đình rửa tay, chân đêm 30.
Bà Nhũn cho hay: "Theo quan niệm ở quê tôi, trước khi giao thừa, các thành viên trong gia đình cùng rửa tay bằng nước lá thơm để rửa hết những điều không tốt của năm cũ và luôn gặp điều hay trong năm mới đến".
Bình luận (0)