Tình hình kinh tế thế giới khó khăn dường như không ảnh hưởng gì tới việc làm ăn của Apple, khi hãng này vừa công bố mức lợi nhuận ròng kỷ lục 13,1 tỉ USD trong ba tháng tính tới ngày 31-12-2011, tăng 118% so với cùng kỳ năm 2010. Trong những ngày cuối năm, Apple đã bán được 37 triệu chiếc iPhone và 15,4 triệu chiếc iPad, gấp hai lần so với năm 2010.
|
Cùng lúc, một thông tin gây lo ngại như đã phủ một bóng đen trên niềm vui này của Apple. Tờ New York Times vừa đăng tải một bài viết, trong đó tố cáo cái giá máu của công nhân Trung Quốc, những người đã làm nên những chiếc iPhone, iPad xinh xắn ấy trong nhà máy gia công, nơi mà các điều kiện an toàn tối thiểu nhất đã không được tôn trọng.
Logic của chủ nghĩa tư bản và thị trường
Tờ báo cho biết rất nhiều công nhân đã phải làm tăng ca liên tục và hơn gấp nhiều lần so với quy định của Nhà nước Trung Quốc và trái với những quy tắc hành xử do Apple soạn thảo (chỉ được lao động 40 giờ/tuần trừ trường hợp đặc biệt), công nhân phải sống trong những nhà trọ tập thể chật chội và đông đúc, nhận đồng lương dưới mức cơ bản. Các công nhân phải đứng lâu tới mức chân họ sưng phù không đi lại được, các nhà máy gia công cho Apple đã xử lý hóa chất trong quá trình sản xuất một cách không phù hợp, sử dụng lao động trẻ em, cũng như không quan tâm tới sức khỏe công nhân.
Trong email gửi tới khoảng 60.000 nhân viên, giám đốc điều hành Tim Cook khẳng định bất kỳ cáo buộc nào cho rằng Apple không quan tâm tới đời sống của công nhân làm việc tại các xưởng gia công là sai và rất xúc phạm. Apple khẳng định hằng năm đều đi kiểm tra các nhà máy, đưa ra các tiêu chuẩn lao động và nhận thấy có sự tiến bộ trong điều kiện lao động, sinh hoạt cho hàng ngàn công nhân.
Một cựu giám đốc điều hành của Apple cho tờ New York Times biết hầu hết mọi người đều sẽ “suy nghĩ rất lung” nếu họ tận mắt chứng kiến những địa điểm sản xuất ra những chiếc iPhone mà họ đang sử dụng. Apple đã bắt đầu theo dõi các nhà máy gia công cho mình ở Trung Quốc từ năm 2007. Cùng với doanh số tăng, các nhà máy này chịu áp lực phải sản xuất hàng nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường, cùng với đó là các vụ tự sát, nổ và ngộ độc xuất hiện nhiều hơn.
Lý do tảng lờ?
Chỉ có ba công ty gia công ở Trung Quốc là Foxconn, Pegatron và Quanta là có khả năng sản xuất hàng loạt sản phẩm của Apple một cách hoàn chỉnh đúng hẹn. Họ cũng muốn giảm chi phí để tăng lợi nhuận và biết rõ thành công của Apple phụ thuộc vào họ.
Một số cựu giám đốc điều hành của Apple thừa nhận điểm gút mắc ở chỗ: muốn cải thiện điều kiện làm việc ở các nhà máy, nhưng điều này sẽ không thể thực hiện được do xung đột trong quan hệ với đối tác quan trọng hay do phải giao hàng nhanh hơn. Khi công bố lợi nhuận kỷ lục, các giám đốc của Apple cho biết nếu các nhà máy ở nước ngoài sản xuất hàng nhanh hơn thì họ còn lãi hơn, mà như vậy có nghĩa là tiếp tục duy trì hệ thống hiện nay và không nên thay đổi gì quá mạnh.
|
Apple yêu cầu các vi phạm lao động đều phải bị xử lý và những nhà cung cấp không tuân thủ sẽ bị dừng hợp đồng. Nhưng tìm kiếm nhà cung cấp mới không dễ, vừa mất thời gian vừa tốn tiền. Foxconn là một trong số ít nhà sản xuất trên thế giới có quy mô hoạt động đủ để cung cấp lượng sản phẩm như Apple mong muốn.
Mỗi năm, các công ty khắp thế giới đều mời các giám đốc Apple tới thăm nhà máy để mong ước trở thành nhà máy gia công cho Apple. Thường Apple sẽ yêu cầu các nhà gia công cụ thể chi phí, lương cho công nhân, số lượng công nhân. Sau đó, Apple sẽ tính toán chi bao nhiêu về phần mình. Hầu hết các công ty này chỉ nhận được một lợi nhuận nhỏ nhất. Nếu họ muốn tăng hơn, họ phải thay hóa chất rẻ tiền hơn hay buộc công nhân làm việc nhiều hơn, lâu hơn. “Cách duy nhất kiếm tiền khi làm ăn với Apple là nghĩ ra cách sản xuất hiệu quả hơn và rẻ hơn - một giám đốc từng giúp đưa iPad ra thị trường cho biết - Rồi vào năm sau, Apple trở lại và yêu cầu cắt giảm giá thành sản xuất thêm 10% nữa”.
Cần tẩy chay Apple?
Greg Sterling, nhà phân tích chính tại Công ty Sterling Market Intelligence, cho rằng: “Toàn bộ logic của chủ nghĩa tư bản và thị trường là các tập đoàn Mỹ đưa ra sáng kiến và cách vận hành sao cho các sản phẩm càng rẻ càng tốt để tăng trưởng và thu lợi nhuận tối đa. Điều các nhà đầu tư Mỹ muốn là các công ty có lợi nhuận và ngày càng tăng. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các công ty chuyển công đoạn sản xuất về những nơi mà giá lao động rẻ nhất có thể, và người lao động thường bị bóc lột nhất”.
Thomas Friedman, tác giả của Thế giới phẳng, trong bài xã luận trên báo New York Times cho rằng các cổ đông của Apple đang rơi vào “một tình huống đạo đức” khó khăn: vui sướng trước thành quả kinh doanh của Apple và im lặng trước những điều kiện lao động khủng khiếp của những nhà máy gia công cho Apple, hay phải tìm cách dung hòa đạo đức và kinh doanh (đáp ứng đòi hỏi của cổ đông và người tiêu dùng, đồng thời quan tâm đến điều kiện lao động của công nhân)? Tất nhiên, về mặt luật pháp Apple không phải chịu trách nhiệm về những gì diễn ra tại các nhà máy gia công ở Trung Quốc. Có một ranh giới rất rõ ràng giữa đúng về mặt luật pháp và đúng về mặt đạo đức. Thomas Friedman cho rằng “vấn đề bao trùm hơn là chúng ta đã không áp dụng các nguyên tắc đạo đức của chúng ta ở tất cả những gì chúng ta làm, không chỉ riêng ở Apple”.
Các nhà quan sát cho rằng nếu người tiêu dùng không tăng cường áp lực buộc Apple cải thiện điều kiện lao động ở các nhà máy gia công nước ngoài như họ từng làm với Nike hay Gap, hay các nhà hành pháp không thực hiện nhiệm vụ của họ thì sẽ khó có thay đổi mạnh.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)