Trăm dâu đổ đầu... dân

10/01/2012 00:58 GMT+7

Chưa hết sốc với quyết định tăng phí trước bạ và phí cấp biển ô tô, người dân lại ngỡ ngàng trước đề nghị của Bộ GTVT thu phí lưu hành phương tiện cá nhân. Và tâm trạng mấy ngày hôm nay của người Hà Nội là bức bối với lệnh cấm taxi và xe tải loại nhỏ lưu thông trên 10 tuyến phố.

Các giải pháp chống ùn tắc giao thông tại các TP lớn của cơ quan chức năng đưa ra, dường như đang nhắm cả vào việc tăng phí, thuế, đánh vào túi tiền người dân mà bỏ qua các nguyên nhân chính dẫn đến ách tắc giao thông.

Đa số các chuyên gia vẫn bảo lưu quan điểm rằng tăng lệ phí trước bạ để hạn chế sự gia tăng của ô tô, giảm ùn tắc giao thông là giải pháp không thực tế. Bởi lẽ, nếu các TP lớn là Hà Nội và TP.HCM áp dụng mức lệ phí cao hơn các tỉnh thành lân cận, người mua xe sẽ nhờ người thân đứng tên, mua xe ở tỉnh khác và đưa về Hà Nội, TP.HCM để sử dụng. Việc tăng lệ phí trước bạ cũng sẽ không hạn chế được sự gia tăng ô tô vì với người nhiều tiền đủ sức chi hàng tỉ đồng để mua ô tô thì việc nộp lệ phí trước bạ với vài trăm triệu đồng không phải là khó khăn. Song, đó lại là biện pháp làm tăng giá cả thị trường.

Một khảo sát nhỏ của PV Thanh Niên cho thấy, lệnh cấm taxi tại 10 tuyến phố Hà Nội trong giờ cao điểm từ hôm 3.1, không đạt kết quả như mong muốn. Tình trạng ùn tắc không giảm, trong khi đó sự bất tiện cho việc kinh doanh, buôn bán và sinh hoạt của người dân thì tăng gấp bội. Đã xuất hiện rất nhiều “chiêu” của cánh lái xe taxi (tất nhiên có sự đồng thuận của hành khách) để qua mặt lực lượng chức năng.

Căn cứ để Bộ GTVT đề nghị thu phí lưu hành phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy) là “các nước trên thế giới đã thực hiện từ rất lâu rồi”, có vẻ rất khó thuyết phục khi mà điều kiện về đường sá, quy hoạch, hạ tầng, thu nhập... của “các nước trên thế giới” đều khác rất xa với Việt Nam. Nếu theo đề xuất này, một ngày, mở mắt ra, hàng triệu người sở hữu xe cá nhân vốn đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ thuế, phí (đến 8 loại) nay lại phải gánh thêm những khoản phí nặng nề. Đặc biệt với người nghèo, dành dụm mua được chiếc xe máy vài ba triệu đồng để mưu sinh thì khoản phí 500.000 đồng/năm là không nhỏ.

Câu chuyện này có vẻ lại đi vào “lối mòn” quản không được thì tìm cách thu phí hoặc cấm đoán. Quy định mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy hồi năm 2003 (được bãi bỏ năm 2005) là một ví dụ thực tế, cho thấy các giải pháp dạng này sẽ khó thành công khi mà cơ quan chức năng thì chọn việc nhẹ nhàng, đẩy cái khó về phía người dân.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.