Năm nay, nước Nga vừa tổ chức trọng thể 50 năm kỷ niệm ngày Yuri Gagarine – nhà du hành đầu tiên trên thế giới – bay vào không gian vũ trụ. Thế nhưng một loạt sự cố liên quan đến các tàu vũ trụ từ tháng 12-2010 đến nay khiến người ta ngờ rằng có chuyện bất ổn trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ danh giá của Nga.
Mất 400 triệu USD
Các mảnh vỡ của tàu chở hàng Progress M-12M bốc cháy trong khi rơi tự do xuống vùng Altai, Siberia, hôm thứ tư vừa qua đến nay vẫn chưa tìm thấy. Hậu quả của vụ phóng tàu bằng tên lửa Soyuz thất bại này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Nga mà còn đặt ra mối quan ngại về môi trường khi nhiều người dân sống trong vùng đổ bệnh do nghi ngờ rò rỉ nhiên liệu chứa các thành phần độc hại từ các mảnh vỡ tàu Progress.
Theo tờ Moscow Times, trong 33 năm hoạt động, đây là lần đầu tiên tàu chở hàng Progress được phóng lên quỹ đạo trái đất bằng tên lửa Soyuz-U gặp nạn do hỏng bộ phận cung cấp khí ở tầng thứ ba của tên lửa.
Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn mà xảy ra liên tiếp sự cố kỹ thuật tên lửa gây thiệt hại 400 triệu USD cho Roskosmos thì không khỏi gây thắc mắc. Dưới đầu đề “Tên lửa Nga làm thế giới lo ngại”, tuần báo Pháp Le Point phân tích: Proton và Soyuz là hai loại tên lửa chủ chốt của Nga. Việc Roskosmos đình chỉ hoạt động của chúng sau một loạt sự cố bất thường khiến một số nước nghĩ rằng vấn đề của Cơ quan Không gian Nga là nghiêm trọng dù rằng tên lửa Soyuz phát triển từ năm 1960 dưới thời Liên Xô nổi tiếng hiệu quả nhất thế giới, tỉ lệ thành công đạt 98% trong gần 2.000 lần phóng.
Pháp là nước lo ngại nhiều nhất bởi Arianespace, công ty vận tải hàng không vũ trụ đầu tiên thế giới của Pháp, đã ký hợp đồng sử dụng tên lửa Soyuz-2 để vận chuyển hàng hóa lên quỹ đạo trái đất. Chuyến bay đầu tiên sẽ được phóng vào cuối năm nay. Việc triển khai Soyuz-2 ở Trung tâm Vũ trụ Kourou của Pháp đã khởi động.
Arianespace hiện đang sử dụng tên lửa hạng nặng Ariane 5 và tên lửa hạng nhẹ Vega để vận chuyển hàng hóa lên không trung. Soyuz-2 là tên lửa hạng trung được Arianespace bổ sung để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Nhưng sau khi Roskosmos quyết định “đóng băng” Soyuz, ban lãnh đạo Arianespace không khỏi lo lắng vì kế hoạch phóng tàu hàng thương mại của công ty sẽ bị chậm trễ, ảnh hưởng đến doanh số. Mỹ cũng đã tính đến chuyện bỏ trống Trạm Không gian Quốc tế (ISS) vì Roskosmos hiện nay nắm độc quyền dịch vụ vận chuyển hàng hóa và phi hành gia giữa ISS và mặt đất.
Yếu tố con người
Thất bại của tàu chở hàng Progress dấy lên một câu hỏi bức bách: “Tại sao chương trình không gian của Nga lừng lẫy như vậy hồi thời Liên Xô giờ đây có chiều hướng xuống dốc mạnh?”.
Lisov, chuyên gia về tên lửa của tạp chí Novosti Kosmonavtiki, nhận định: “Hãy còn quá sớm để nói đến chuyện suy sụp của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Nga. Mỗi thất bại đều có nguyên nhân của nó không nên khái quát lên”. Công nghiệp hàng không vũ trụ là một ngành rất phức tạp, sự cố kỹ thuật là không tránh khỏi với tỉ lệ 1%. Tuy nhiên, theo Moscow Times, ở Nga cần cộng thêm yếu tố con người vào các con số thống kê mới phản ánh hết hiện thực.
|
Sau khi Liên Xô tan rã, Chính phủ Nga vốn eo hẹp về tài chính không còn đầu tư mạnh chương trình thám hiểm không gian vốn rất tốn kém. Bởi chính phủ - khách hàng duy nhất - không đặt hàng nữa, Roskosmos đành “nhịn đói” suốt thập kỷ 1990. Bước sang thập niên 2000, Roskosmos nhận được nhiều đơn đặt hàng nhờ chính phủ bán được dầu thô. Tuy nhiên, tiền đầu tư vào ngành này lại không đủ đâu vào đâu.
Hơn nữa, theo Andrei Ionin, Viện sĩ Viện Hàn lâm Phi hành gia Tsiolkovsky, tiền không đi đôi với cải cách quản lý thì chẳng ăn thua. Có tiền nhưng không có nhân lực thì cũng như không. Các công ty trong ngành đang đói nhân lực vì đội ngũ kỹ sư thời Liên Xô không còn nữa. Phải mất ít nhất 20 năm mới có thể đào tạo một thế hệ kỹ sư hàng không vũ trụ mới. Đào tạo rồi thu hút họ vào ngành lại là chuyện khác, theo ông Ionin.
Thu nhập chỉ bằng người bán kem dạo
Điểm yếu lớn nhất là chính sách lương bổng. Chuyên gia Lisov bức xúc: “Có một chuyện mà ai cũng biết là thu nhập hiện nay của một chuyên viên ngành hàng không vũ trụ Nga trên thực tế chỉ bằng thu nhập của người bán kem dạo”. Ông cho biết lương trung bình của kỹ sư ngành này chưa đến 30.000 rúp (21 triệu đồng).
Yuri Krash, Viện sĩ Viện Hàn lâm Phi hành gia Tsiolkovsky, phát biểu trên đài phát thanh Vesti hôm 25-8: “Là một ngành mũi nhọn về khoa học - kỹ thuật nhưng tầm quan trọng của nó trong mắt chính phủ không được như thời cách đây 30-40 năm”.
Vào tháng 4-2011, Thủ tướng Putin đã cách chức giám đốc Roskosmos, đồng thời kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn nữa công nghệ hàng không vũ trụ. Người thay thế là Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Vladimir Popovkin. Động thái của ông Putin được coi là tích cực.
Song, như ông Konstantin Kreidenko, Tổng Biên tập tạp chí Vesnik Glonassa, nhận xét chỉ cải tổ ngành công nghiệp hàng không vũ trụ thôi chưa đủ vì ban lãnh đạo Roskosmos không phải là tội đồ duy nhất: “Muốn đạt hiệu quả, phải cải tổ luôn các ngành liên quan như điện tử, chế tạo kim loại và giáo dục”.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)