ISS là trạm không gian lớn nhất từ trước đến nay được lắp ráp từng bộ phận trên quỹ đạo trái đất từ năm 1998 và hoàn tất vào năm 2012. ISS hoạt động ít nhất đến năm 2020 và có thể kéo dài đến năm 2028.
Thay đổi sách lược
ISS thực chất là một phòng thí nghiệm khoa học trong môi trường không có trọng lực. Môi trường độc đáo của ISS cho phép thử nghiệm những hệ thống tàu vũ trụ chở người lên sao hỏa và mặt trăng.
Trên trạm luôn có một đội nhà khoa học và du hành vũ trụ từ 3 đến 6 người thuộc nhiều quốc tịch ở. Họ có mặt liên tục từ ngày 2-11-2000 đến nay. Tính đến tháng 6-2011, đã có 28 đội sống và làm việc trên trạm, cứ 6 tháng thay đổi người một lần.
Theo lịch, một đội du hành 3 người - gồm 2 người Nga tên Anton Shkaplerov, Anatoly Ivanishin và 1 người Mỹ tên Daniel Burbank - đã sẵn sàng bay lên ISS thay 3 nhà du hành đã ở trên đó 6 tháng vào ngày 22-9 này. Tuy nhiên, sự cố tàu chở hàng Progress rơi xuống đất sau khi rời khỏi bệ phóng 5 phút 42 giây hôm 24-8 đã làm đảo lộn tất cả.
|
Mọi chuyến bay có người đã bị đình lại cho đến khi có lệnh mới. Sự cố này khiến Roskosmos (Cơ quan Không gian Nga) tính đến chuyện thay đổi sách lược, chấm dứt sự hiện diện thường trực của con người trên quỹ đạo trái đất thấp.
Phát biểu trong buổi họp báo ở Moscow - Nga hồi cuối tuần rồi, Phó Giám đốc Vitaly Davydov cho biết: “Có thể trong tương lai, chúng tôi không cần đến sự hiện diện của con người trên quỹ đạo trái đất nữa. Không loại trừ khả năng chúng tôi sẽ quay trở lại với kế hoạch trạm không gian DOS trước đây”.
Theo thiết kế, trạm không gian DOS thời Liên Xô - trong đó có trạm Salyut trong thời kỳ đầu - không có người hiện diện thường trực và được sử dụng như một hậu cứ để thực hiện các chuyến bay xa trong tương lai. Như vậy, đây là lần đầu tiên, một quan chức ngành không gian vũ trụ Nga cảnh báo rằng có thể phải sơ tán hết các nhà du hành có mặt trên ISS và để trạm trống không.
Tuyên bố của ông Davydov làm các quan chức NASA (Cơ quan Không gian Mỹ) nhảy nhổm. Mike Suffredini, Giám đốc chương trình ISS của NASA, nhận xét: “Nếu như vậy sẽ có nguy cơ mất ISS”, dù ông Davydov trấn an rằng không có người thì ISS cũng chẳng sao.
Chi phí cao, lợi ích thấp
Ông Davydov không phải là quan chức duy nhất hé lộ sách lược mới của Nga. Trong một cuộc phỏng vấn trước đây không lâu, tân giám đốc Roskosmos, tướng Vladimir Popovkin, từng tuyên bố ông lấy làm tiếc rằng Nga đã quá chú trọng đến các chuyến bay có người hao tài tốn của thay vì đầu tư vào các lĩnh vực sinh lợi như viễn thông.
Ý tưởng trên của tướng Popovkin từng được nêu lên trong giới khoa học Mỹ. Tạp chí Mỹ Popular Mechanics cho biết có hai nhóm khoa học Mỹ thuộc NASA và NAS (Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ) công khai chỉ trích ISS là một công trình vừa làm hao phí thời gian vừa tốn của bởi các nghiên cứu khoa học trên trạm rất hạn chế, lợi ích không cao.
Theo họ, cũng với số tiền đầu tư cho ISS nếu thực hiện những công trình khác như tàu vũ trụ robot hay chinh phục sao hỏa sẽ tốt hơn nhiều.
Thật vậy, dự án ISS đã tiêu tốn quá nhiều tiền và công sức của 15 nước thành viên là Mỹ, Nga, Nhật, Canada, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Anh. Mỗi nước góp một công trình kỹ thuật quy mô tương xứng với từng nước.
ISS là tổng hợp các dự án trạm không gian Freedom của Mỹ, Mir-2 của Liên Xô/Nga, Columbus của châu u và Kibo của Nhật. Dự án nào cũng đòi hỏi chi phí lớn. Do đó, 15 nước kể trên đồng ý “góp gạo thổi cơm chung”, thực hiện dự án ISS với tổng chi phí dự kiến lên tới 160 tỉ USD trải dài 30 năm.
Mô đun đầu tiên của ISS mang tên Zarya của Nga đã được phóng lên quỹ đạo trái đất năm 1998. Kể từ đó, các mô đun khác được đội tàu con thoi Mỹ, tên lửa Proton và Soyuz Nga phóng lên quỹ đạo trái đất. Tính đến tháng 6 vừa qua, đã có tổng cộng 15 mô đun lắp ghép thành ISS ngày nay.
Mỹ cũng muốn bỏ trạm
Không chỉ có Nga tính chuyện thay đổi sách lược liên quan đến số phận của ISS. Năm 2009, NASA cũng đã lên kế hoạch chấm dứt chương trình ISS vào đầu năm 2016, theo chỉ đạo của tổng thống Mỹ thời đó là ông Bush với lý do khủng hoảng tài chính.
Sự cố tàu Progress đâm đầu xuống đất ngày 24-8 chính là giọt nước làm tràn ly khiến ISS có thể bị khai tử trước thời hạn. Như đã trình bày, nếu đầu tháng 11 tới mà vẫn không thể đưa kíp mới lên thay thì 6 nhà du hành đang ở trên ISS phải sơ tán ngay nhờ 2 tàu vũ trụ Soyuz làm nhiệm vụ đưa người về mặt đất đang neo đậu thường trực ở trạm này.
Vấn đề là 2 tàu này không được neo quá 200 ngày vì ở lâu dễ sinh “bệnh tật”. Cuộc trở về của các nhà du hành sẽ trở nên nguy hiểm nếu quá hạn - ngày 21-10 cho đội 3 người đầu tiên và ngày 24-12 cho đội thứ hai.
Sau đó, ISS sẽ không còn người ở và chỉ cần một sự cố nào đó của hệ thống tự động cũng có thể trở thành thảm họa cho trạm. Trước đây, vẫn có nhiều hỏng hóc trên trạm nhưng có người tại chỗ xử lý kịp thời. Mặc dù các trạm kiểm soát mặt đất vẫn điều khiển được ISS nhưng rất khó đoán điều gì sẽ xảy ra nếu nó vắng bóng người.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)