Thanh Niên trân trọng giới thiệu một số bài viết liên quan tới chủ đề ăn-mặc trong tập sách.
Ký giả Yên Sơn từ miền Bắc vào ghi nhận về cách ăn mặc ngày xưa ở thành phố Sài Gòn trên Báo Hà Thành Ngọ báo các số 1715, 1718 và 1719 năm 1933 (bài Phong tục và tiếng nói Nam kỳ). Cái nhìn của người từ xứ khác luôn gây bất ngờ.
Ông ghi nhận: Đàn ông ở Sài Gòn đi làm cho Tây đều bận âu phục. Quốc phục chỉ dành cho mấy cụ phán già và hương chức. Quốc phục trong Nam khác miền Bắc: khăn ít nếp hơn, nhỏ vành, bên trên có miếng nhiễu che tóc phòng bụi cát ngoài đường. Ai đi làm thì bận áo xuyến Sài Gòn hoặc satin trơn. Bên trong không bận áo trắng dài mà áo trắng ngắn, cồn là cứng để dựng cổ áo đen ở ngoài. Áo gấm là xa xỉ phẩm, chỉ những ông có máu mặt như chủ quận, đốc phủ sứ mới bận trong dịp lễ tết.
Ông thấy kỳ cục khi ngày nghỉ có nhiều công tử, mấy bác tài xế, các thầy đi chơi phố, ngồi tiệm cà phê lại bận bộ pyjama. Ông e người nước ngoài chê cười vì dám bận quần áo ngủ đi chơi ngoài đường.
Về mũ nón, các ông trong Nam rất dám xài. “Ngoài mình có ai là dân thợ thuyền lao động bỏ tiền hàng hai, hàng ba mươi đồng mua cái mũ dạ hiệu Fléchet hoặc Mossani bao giờ chưa? Vậy mà ở trong đội mũ cao giá như vậy lại là sự thường”. Nhưng ông chê: “Đầu đội mũ Tây mà chân lại đi giày Khách (Hoa)”.
Ông nhận thấy anh em thợ thuyền ăn mặc khác dân thầy ở cái quần lĩnh hoặc lụa đen. Dân nghèo bận quần áo cánh vải đen. Ông không thích đàn ông về nhà thì bận xà-rông mà ông gọi là chăn, thứ chỉ nên bận trong khi tắm, ngủ hoặc thay quần áo (đây là thói quen không phổ biến, cho tới thập niên 1960 tôi vẫn còn thấy dù người bận không hề có gốc Khơ-me. Sau mất hẳn - P.C.L)
Trang phục của người bán hàng rong gọn gàng, hầu hết bận áo ngắn, vải đen và cổ tay áo dài hay ngắn đều cài bằng khuy bấm. Đầu họ đội nón giống mấy người Hoa bán đậu phộng rang, tay đeo vòng bằng đồng tây và chiếc huyền hoặc cẩm thạch. Hoa tai thường bằng đồng tây. Ông so sánh với miền Bắc: “Khác hẳn ngoài ta, nghèo thì nghèo chứ họ cũng không dùng đồ nữ trang bằng bạc”.
Vợ các ông khá giả thì ra ngoài bận quần lụa hoặc lĩnh, áo dài đủ màu, đồ hàng Bombay trơn hoặc bông, cổ cài khuy, bên trong có đính cồn cứng để lộ vành trắng ra ngoài. Hoa tai thì dùng vàng tây cuốn tròn bầu, vặn ra vặn vô được.
|
Người nào bận quần áo tân thời thì đi giày “mang cá” bằng da trăn hoặc nhung giắt cườm ngũ sắc, cổ quàng khăn san trùm kín tóc, chỉ lộ mặt. Khăn bằng lụa mỏng màu hồng hoặc vàng, quàng hoặc vắt ở cổ, hai dải đầu bay phất phới trước ngực. Cổ áo các bà nhà giàu gài kim bằng vàng hoặc cánh hoa đào, tay đeo vòng vàng chạm trổ nhiều kiểu và cẩm thạch xanh mắc tiền. Cổ đeo dây chuyền sợi nhỏ có trái tim hoặc khuôn ảnh bằng vàng móc vào giữa để trước ngực.
Về tóc, dù giàu hay nghèo, người nào sau búi tóc cũng gài cái lấy ráy tai, giàu thì bằng vàng, nghèo thì bằng bạc hoặc đồng.
Khi ra đường, họ che dù nhiều kiểu nhiều màu. Riêng người bán hàng rong hoặc làm thuê, gánh mướn bao giờ trên vai cũng vắt cái khăn lau mặt, rộng và dài, có kẻ sọc để trùm đầu khi ra nắng, hoặc lau tay, lau mặt sau khi rửa mặt. Khi rửa mặt không nhúng ướt khăn, rửa bằng tay rồi lấy khăn lau qua, bao giờ khăn đen bẩn lại đi giặt. Như vậy khăn lâu rách mục nhưng không sạch bằng rửa khăn ướt.
Ông cho rằng phụ nữ ngoài Bắc thời ấy, “nhất là ở các tỉnh lớn phần đông chịu ảnh hưởng lối phục sức của chị em ở trong Nam”. Ông dẫn chứng ở chỗ: “quần trắng, áo màu, dây chuyền vàng, móc quả tim, giày da trăn, gót cao, ô màu, vân vân”.
(Trích Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm - Công ty Phan Book và NXB Đà Nẵng liên kết xuất bản 2021)
Bình luận (0)