Không ồn ào như phát triển máy bay hay tàu chiến, nhưng nỗ lực hiện đại hóa thiết bị và vũ khí cá nhân cho binh sĩ cũng đạt nhiều thành công.
|
Cuối buổi chiều 22.4.1915, lực lượng đặc biệt của quân đội Đức âm thầm mở van 6.000 ống dẫn khí độc ở vùng Ypres, Bỉ. Theo các tài liệu do Cơ quan Thông tin công nghệ sinh học quốc gia Mỹ lưu trữ, chỉ trong 10 phút, khoảng 160 tấn khí độc được phát tán nhanh chóng hạ gục hàng phòng ngự dài hơn 6 km của quân đội Pháp. Kết quả, hơn 1.000 binh sĩ Pháp và Algeria thiệt mạng, khoảng 4.000 binh sĩ khác bị thương. Vụ tấn công nhanh chóng gây chấn động khắp các chiến trường trong Thế chiến 1 và đặt ra một thách thức mới về quân trang, quân dụng cho binh sĩ. Cũng từ đây, Thế chiến 1 trở thành cuộc chiến đầu tiên mặt nạ chống khí độc được sử dụng rộng rãi.
Kỷ nguyên súng tự động
Tuy nhiên, đó cũng là thiết bị tối tân nổi bật nhất mà binh sĩ thời bấy giờ có được. Với mặt bằng công nghệ quốc phòng lẫn khoa học kỹ thuật giai đoạn Thế chiến 1, khả năng tác chiến của một binh sĩ chủ yếu vẫn chỉ dựa vào các loại súng thô sơ. Theo tài liệu quân sự Mỹ, vào thời điểm trên, binh sĩ nước này và Anh sử dụng khá phổ biến loại súng trường Lee-Enfield được lên đạn từng viên. Kèm theo đó, mỗi binh sĩ thường mang theo một thanh kiếm ngắn cùng một số thiết bị phụ trợ khác. Tất nhiên, đồng phục, giày, mũ bảo hộ… là những thứ không thể thiếu.
Đây cũng là “thực đơn” cho binh sĩ trong suốt nhiều năm liền cho đến Thế chiến 2 thì sự cải tiến đáng kể nhất chỉ là loại súng trường Lee-field được nâng cấp thành những mẫu súng trường tự động, liên thanh. Trong đó, quân đội Anh thường sử dụng khẩu Sten còn binh sĩ Mỹ thì khá ưa chuộng M1. Bên kia chiến tuyến, quân đội Đức nổi bật với dòng súng trường STG44, Ý thì có mẫu Beretta Model 38.
Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, các nước ra sức chạy đua phát triển các mẫu vũ khí cá nhân, đặc biệt là súng trường tấn công và súng carbin làm nòng cốt cho quân đội. Từ đó đến nay, toàn bộ những mẫu súng trường mà quân đội các nước sở hữu đều là súng tự động. Trong đó, các dòng súng nổi bật nhất thế giới là: Kalashnikov (AK) của Liên Xô; M16 và M4 của Mỹ; MP5 và MP7 của Đức; SA80 của Anh… Thuộc số này, 2 mẫu AK và M16 đóng vai trò chủ lực cho quân đội Nga và Mỹ, trải qua quá trình phát triển hơn nửa thế kỷ nên có rất nhiều phiên bản khác nhau và ngày càng được hỗ trợ với nhiều tính năng, phụ kiện hiện đại hơn. Hai phiên bản mới nhất của AK và M16 lần lượt là AK-12 và M16A4. Cả hai đều có thể trang bị thêm ống phóng lựu đạn để tăng cường khả năng tấn công. Bên cạnh M16, quân đội Mỹ cũng ngày càng sử dụng nhiều hơn mẫu súng M4 có tính cơ động cao. Loại súng M4 còn dễ dàng kết nối với nhiều phụ kiện hỗ trợ khác.
Đặc biệt, quân đội nhiều nước giờ đây còn trang bị cả các loại súng phóng lựu liên tục chuyên dụng cho cá nhân, có tính linh hoạt cao, dễ dàng mang theo. Điển hình là mẫu XM25 bán tự động với hộp đạn 4 - 6 viên có tốc độ bắn cực nhanh, tầm bắn lên đến 500 m, đủ sức hạ gục một số loại xe bọc thép.
Các thiết bị phụ trợ
Không chỉ sở hữu loại súng tự động có hỏa lực mạnh, binh sĩ ngày nay còn sở hữu nhiều thiết bị phụ trợ khác để đảm bảo khả năng tác chiến trong nhiều điều kiện khác nhau. Đầu tiên là trang phục phải hướng đến khả năng “đông ấm hè mát” được làm từ những nguyên liệu đặc biệt để tạo sự thoải mái cho người mặc. Áo chống đạn và mũ bảo hiểm có khả năng giảm thiểu tính sát thương của đạn, thậm chí có thể thay đổi hướng đi của đường đạn. Hiện nay, việc trang bị các loại áo giáp đủ sức cản phá các loại đạn cỡ nhỏ cũng là một thách thức đối với quân đội các nước vì chi phí quá lớn.
Giữa kỷ nguyên công nghệ điện tử, việc sử dụng la bàn đang dần được thay thế bằng nhiều thiết bị điện tử khác, thậm chí là điện thoại di động thông minh. Ống nhòm ngày nay không chỉ giúp nhìn gần mà còn có khả năng quan sát vào ban đêm, tính toán khoảng cách. Hầu hết các binh sĩ Mỹ hiện tại còn được trang bị cả thiết bị đeo mắt dùng để nhìn trong đêm tối. Để đáp ứng hiệu quả tác chiến, binh sĩ còn mang theo thiết bị quan sát ảnh nhiệt để dễ dàng nhận diện vũ khí đối phương lẫn thân nhiệt con người dựa trên tương quan lượng nhiệt phát ra với môi trường xung quanh. Với thiết bị này, binh sĩ có thể truy tìm các tay bắn tỉa hay những đối tượng ngụy trang.
Chiến binh tương lai
Tuy nhiên, với số lượng trang thiết bị ngày càng nhiều khiến tổng khối lượng vật dụng mang theo cũng ngày càng tăng. Theo tính toán của giới chuyên gia, mỗi binh sĩ Mỹ hiện nay phải mang theo đến 34 kg vật dụng.
|
Điều này đặt ra một thách thức lớn cho quân đội nhiều nước, vì khi mang vác quá nặng thì khả năng hoạt động của binh sĩ cũng bị giảm đi. Đây là lý do khiến quân đội Mỹ và các nhà thầu đang ra sức phát triển các bộ áo trợ lực để giúp binh sĩ di chuyển nhanh hơn ngay cả khi mang theo nhiều trang thiết bị vật dụng.
Trong số các dự án quân đội Mỹ đang nghiên cứu, bộ giáp XOS2 do Raytheon hợp tác phát triển được xem là đánh giá có thể tạo nên một cuộc cách mạng mới về khả năng di chuyển với khối lượng vật dụng lớn cho binh sĩ. Hứa hẹn không kém là chương trình TALOS cũng giúp các binh sĩ đảm bảo khả năng di chuyển, tác chiến trong điều kiện mang vác nhiều vật dụng. Chương trình TALOS đến nay đang được thử nghiệm thực tế trong một số sứ mệnh đặc biệt. Về lâu dài, quân đội Mỹ muốn tích hợp cả vũ khí và thiết bị hỗ trợ vào trong những bộ áo trợ lực như thế để hướng các binh sĩ tương lai có khả năng tác chiến tương tự nhân vật siêu anh hùng Iron Man (Người sắt) trong điện ảnh. Đó được xem như một hình mẫu cho binh sĩ trong tương lai.
Hoàng Đình
>> Trăm năm cách mạng vũ khí: Vị thế mới trên biển
>> Từ xe tăng đực, xe tăng cái đến kỷ nguyên điện tử
>> Xe tăng trong tương lai của Mỹ sẽ như thế nào?
>> Xe tang kiểu mới
Bình luận (0)