Trăm năm cách mạng vũ khí: Vị thế mới trên biển

10/08/2014 09:00 GMT+7

Thế chiến thứ nhất (1914 - 1918) không chỉ tác động sâu sắc đến chính trị thế giới mà còn mở ra cuộc cách mạng vũ khí trên toàn cầu.

Thế chiến thứ nhất (1914 - 1918) không chỉ tác động sâu sắc đến chính trị thế giới mà còn mở ra cuộc cách mạng vũ khí trên toàn cầu.

Một tàu ngầm Đức từng giành nhiều ưu thế trong Thế chiến 1 - Ảnh: Daily Mail
Một tàu ngầm Đức từng giành nhiều ưu thế trong Thế chiến 1 - Ảnh: Daily Mail

Vào những ngày này cách đây 100 năm, Thế chiến 1 dần bao trùm khắp châu u sau khi Đức chính thức tuyên chiến với Nga vào ngày 1.8.1914 rồi lần lượt tuyên chiến với Pháp và Anh trong vài ngày tiếp theo.

Tại châu Á, lửa đạn cũng mon men bùng nổ, khi Nhật Bản thể hiện rõ chính sách sẵn sàng khai chiến để đánh chiếm các khu vực do Đức kiểm soát tại Trung Quốc. Cuộc chiến ngày càng leo thang rồi lan rộng đến tận khu vực Nam Thái Bình Dương và châu Phi, các nước châu Mỹ cũng tham chiến. Bởi vậy, tuy trước đó từng có nhiều cuộc chiến với sự tham gia của những liên minh gồm nhiều nước, nhưng Thế chiến thứ nhất là cuộc chiến đầu tiên xảy ra trên toàn cầu.

Chính sự khốc liệt khiến các bên ra sức tung những phương tiện, khí tài mới nhất vào cuộc chiến. Nhiều khí tài trong số đó đã thể hiện uy lực mạnh mẽ, đóng vai trò nòng cốt trên chiến trường không chỉ thời bấy giờ mà cho đến ngày nay.

Tàu chiến nổi mất thế độc tôn

Trước khi cuộc chiến nổ ra, Đức thừa hiểu lực lượng tàu chiến hùng hậu của Anh  sẽ là một cản lực lớn. Bởi thế, từ sớm, Berlin tập trung phát triển hạm đội tàu ngầm để chiếm ưu thế trên biển. Ngược dòng lịch sử, tàu ngầm đã được các nước nghiên cứu từ nhiều năm trước khi nổ ra Thế chiến 1. Thế nhưng, đến Thế chiến 1, tàu ngầm mới chính thức được triển khai diện rộng để tham chiến với nhiệm vụ triệt hạ các tàu tiếp vận cho Anh, thậm chí các nước chưa tham chiến, nhằm làm kiệt quệ nền kinh tế đối phương.

Theo BBC, đến đầu tháng 9.1914, tàu ngầm Đức đánh chìm 3 tàu Anh. Tháng 5.1915, tàu ngầm Đức tiếp tục khẳng định rõ uy thế trong tác chiến khi phóng ngư lôi đánh bại một số tàu chiến của Anh và Pháp trên Đại Tây Dương. Trước các kết quả đạt được, Berlin càng đặt trọng tâm vào chương trình phát triển lực lượng tàu ngầm. Theo tờ Daily Mail, trong suốt Thế chiến 1, Đức đã đóng tổng cộng 360 chiếc tàu ngầm. Thế nhưng, trải qua nhiều lần gánh chịu thiệt hại, khối Hiệp ước Anh - Pháp - Nga, về sau có thêm sự giúp sức của Mỹ, đã từng bước đối phó hiệu quả hơn trước tàu ngầm Đức.

Tuy nhiên, sự thất bại của Đức không hề là dấu chấm hết cho tàu ngầm. Ngược lại, khí tài này tiếp tục được phát triển mạnh mẽ đến ngày nay, thể hiện ưu thế vượt trội trong nhiều sứ mệnh nên bất cứ quốc gia nào cũng đều muốn sở hữu. Hiện tại, tàu ngầm được chia thành hai nhóm chính là tàu ngầm phòng thủ và tàu ngầm tấn công. 

Đối với tàu ngầm phòng thủ, kích thước thường không quá lớn, hầu hết có độ choán nước từ 2.000 - 4.000 tấn, hỏa lực được trang bị hạn chế khi hầu hết chỉ sở hữu ngư lôi và tên lửa đối hạm. Tuy nhiên, nhóm này lại chiếm ưu thế về khả năng hoạt động cực êm để dễ dàng phòng thủ, đánh chặn, tập kích bất ngờ. Những lớp như Kilo (Nga), kiểu 209 (Đức) cùng biến thể Chang Bogo (do Hàn Quốc phát triển) hay lớp Soryu (Nhật)... sử dụng động cơ điện - diesel khá nổi bật trong nhóm này.

Trong khi đó, tàu ngầm tấn công lại được thiết kế kích thước lớn, độ choán nước có thể vượt mức 20.000 tấn. Hiện nay, nổi bật trong số này phải kể đến tàu ngầm lớp Ohio và Virginia của Mỹ, lớp Borei của Nga và lớp Tấn (kiểu 094) của Trung Quốc. Những lớp tàu này đều sử dụng năng lượng hạt nhân và được trang bị vũ khí tấn công hạng nặng từ tên lửa hành trình đến tên lửa đạn đạo, thậm chí có cả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Đến nay, chỉ 6 quốc gia là Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ sở hữu tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Hàng không mẫu hạm trỗi dậy

Đối với lịch sử hải quân thế giới, Thế chiến 1 còn đóng vai trò bước ngoặt đối với hàng không mẫu hạm để mở rộng tầm tác chiến cho máy bay chiến đấu bằng cách xuất kích từ tàu chiến. Ý tưởng phát triển tàu sân bay đã có từ đầu thế kỷ 20. Đến đầu thập niên 1910, Mỹ và Anh liên tục thử nghiệm tàu sân bay nhưng chưa thể triển khai khi Thế chiến 1 bùng nổ. Tuy nhiên, theo các tài liệu lịch sử, tại chiến trường châu Á, Nhật Bản đã triển khai tàu sân bay Wakamiya để tham chiến.

Vốn là một chiếc tàu vận tải mà hải quân Nhật mua lại vào năm 1913, Wakamiya được nghiên cứu cải tiến thành một chiến hạm có thể mang theo thủy phi cơ chiến đấu. Sau khoảng 1 năm cải tiến, Wakamiya trở thành một tàu sân bay sơ khai có thể chở 4 chiếc thủy phi cơ Farman MF.11. Khi cần tác chiến, chiến đấu cơ Farman MF.11 sở hữu súng máy và bom, được đưa ra khỏi tàu mẹ bằng một hệ thống cần trục rồi xuất kích từ mặt nước. Ngày 5.9.1914, tàu Wakamiya bước vào trận đánh đầu tiên khi đối mặt với lực lượng Áo - Hung tại Thanh Đảo (Trung Quốc) khi Nhật Bản tiến đánh để thâu tóm khu vực này. Wakamiya đã thể hiện được hiệu quả lớn để tạo ra ưu thế cho Nhật Bản trên chiến trường.

Một tàu ngầm Đức từng giành nhiều ưu thế trong Thế chiến 1 - Ảnh: Daily Mail
Tàu chiến DDH-183 thuộc lớp Izumo của Nhật - Ảnh: The Diplomat

Chính vì thế, kể từ Thế chiến 1, hầu hết các cường quốc đều tập trung phát triển tàu sân bay. Đến Thế chiến 2 (1939 - 1945), tàu sân bay trở thành lực lượng chiến lược trên biển của cả hai phe. Lần lượt trong tháng 5 và tháng 6.1942, hải chiến Biển San Hô và hải chiến Midway là cuộc đối đầu của các hạm đội tàu sân bay đã có ý nghĩa quan trọng đối với mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến 2.

Từ đó đến nay, tàu sân bay không ngừng được phát triển và trở thành một thứ sức mạnh mà lực lượng hải quân của các cường quốc đều muốn sở hữu. Hiện tại, có 9 nước đang sở hữu tàu sân bay là: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Brazil, Tây Ban Nha, Ý, Ấn Độ và Thái Lan. Trong đó, Mỹ là nước có lực lượng tàu sân bay hùng hậu nhất với 10 chiếc đang hoạt động đều thuộc lớp Nimitz và sắp hạ thủy chiếc đầu tiên thuộc lớp Ford. Ngoài ra, tàu sân bay của Mỹ cũng vượt trội về số lượng máy bay có thể chở theo, kích thước (độ choán nước khoảng 100.000 tấn). Đặc biệt, các lớp Nimitz thể hiện ưu thế với bộ đẩy máy bay cất cánh (CATOBAR) mà ngoại trừ lớp Nimitz thì chỉ tàu sân bay của Pháp và Brazil mới có. Sắp tới, lớp Ford đạt thêm một bước tiến mới khi sử dụng CATOBAR điện từ.

Tàu sân bay núp bóng “tàu đổ bộ”

Hiện nay, Nhật Bản, Hàn Quốc đang đẩy mạnh phát triển các lớp tàu đổ bộ có thể chở theo máy bay trực thăng. Tuy nhiên, các lớp tàu này thực tế không chỉ đủ sức mang máy bay trực thăng mà còn có thể chuyển đổi thành tàu sân bay đích thực nếu được trang bị CATOBAR và hệ thống dây chằng. Khi chuyển đổi như thế, chúng thừa sức làm căn cứ nổi để loại chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 xuất kích.

Điển hình như tàu sân bay trực thăng lớp 22DDH (còn gọi là lớp Izumo) mà Nhật hạ thủy hồi năm 2012. Mặc dù có độ choán nước chỉ 19.000 tấn và mang danh tàu sân bay trực thăng, chiếc 22DDH lại dài đến 248 m và có thể được dùng để triển khai các loại chiến đấu cơ chỉ cần khoảng cách ngắn để cất cánh và hạ cánh thẳng đứng. Dự kiến, đến năm 2017, Tokyo sẽ sở hữu 2 chiếc loại này. Không những thế, Nhật còn sở hữu tàu đổ bộ Hyuga dài gần 200 m với cấu trúc tương tự và đang lên kế hoạch mua tàu đổ bộ lớp Wasp của Mỹ. Mang hình thức tàu đổ bộ nhưng tàu lớp Wasp còn lớn hơn tàu sân bay của nhiều nước khác và có độ dài hơn 250 m, đủ sức chuyển đổi thành tàu sân bay thứ thiệt. Nếu tính cả những tàu lớp Wasp thì thực tế Mỹ có đến gần 20 hàng không mẫu hạm.

Tương tự, Hàn Quốc cũng đang sở hữu tàu đổ bộ lớp Dokdo với chiều dài xấp xỉ 250 m, mang đặc điểm như các lớp tàu trên.

Ngô Minh Trí

>> Trung Quốc muốn tiếp cận tàu sân bay Mỹ để học cách vận hành Liêu Ninh
>> Hạm đội biển Đen Nga sẽ nhận tàu sân bay trực thăng Mistral
>> Tàu sân bay Nga áp sát lãnh hải Anh
>> Chiến đấu cơ F-35: Cơn ác mộng tồi tệ nhất của tàu sân bay Trung Quốc
>> Ngắm tàu đổ bộ của lực lượng tự vệ Nhật Bản đang đậu tại cảng Tiên Sa
>> Nga điều tàu đổ bộ trở lại Địa Trung Hải 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.