Trần Công Thiện: 'Nếu bị cáo công nhận cáo trạng hoàn toàn đúng thì oan cho bị cáo'

11/10/2022 17:47 GMT+7

Tại phần xét hỏi của đại diện Viện KSND TP.HCM, bị cáo Trần Công Thiện cho rằng tài sản của công ty không phải tài sản của nhà nước, nếu cáo trạng hoàn toàn đúng thì oan cho bị cáo.

Ngày 11.10, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020), bị cáo Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận - gọi tắt là Công ty Tân Thuận) và 8 đồng phạm vụ bán rẻ 2 dự án Phước Kiển (H.Nhà Bè) và Ven Sông (Q.7), gây thiệt hại cho nhà nước hơn 735 tỉ đồng.

Sau khi HĐXX xét hỏi nhóm 6 bị cáo thuộc Công ty Tân Thuận, đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS) và các luật sư bào chữa tiếp tục xét hỏi.

'Nếu bị cáo công nhận cáo trạng là đúng hoàn toàn thì oan cho bị cáo'

Theo cáo trạng, bị cáo Trần Công Thiện có vai trò xuyên suốt trong sai phạm chuyển nhượng 2 dự án Phước Kiển và cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, gây tổng thiệt hại hơn 735 tỉ đồng.

Bị cáo Trần Công Thiện trình bày, tại thời điểm bị cáo về làm ở Công ty Tân Thuận và đến khi bị cách chức, không có văn bản nào thể hiện tài sản tại công ty là tài sản nhà nước.

Nguồn vốn của Công ty Tân Thuận là tài sản thuộc sở hữu của Đảng bộ TP.HCM và thuộc quyền định đoạt của Đảng bộ TP.HCM theo luật dân sự. Vì vậy bị cáo không phạm tội "vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

"Đảng bộ TP.HCM thì tổ chức Đảng độc lập và cũng có pháp nhân độc lập với tổ chức nhà nước. Bị cáo nghĩ tài sản này không phải tài sản nhà nước. Mặt khác, căn cứ vào văn bản xác nhận của chủ sở hữu về toàn bộ chi phí dự án Phước Kiển, văn bản 1305 xác nhận chi phí bỏ ra đầu tư khu dân cư Ven Sông không có nguồn gốc nhà nước”, bị cáo Thiện khai.

Bị cáo Trần Công Thiện

NHẬT THỊNH

Bị cáo Thiện trình bày rất nuối tiếc vì không ai khuyến cáo cho bị cáo phải thực hiện quản lý tài sản tại công ty theo quy định nhà nước. "Ngay chủ sở hữu phải chi dặn dò bị cáo thì bị cáo sẽ không vi phạm quy định”, bị cáo Thiện khai.

Bị cáo Thiện trình bày thêm, nếu bị cáo công nhận cáo trạng là đúng hoàn toàn thì oan cho bị cáo. Nếu HĐXX chỉ xem rằng nguồn gốc này tài sản này là của nhà nước, bị cáo mong HĐXX xem xét lại tính pháp lý của nguồn vốn và giảm nhẹ tội cho bị cáo.

'Chỉ muốn mang lại cho công ty lợi nhuận'

Tại dự án Ven Sông, Công ty Tân Thuận đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai tỉ lệ 55% - 45%. Sau đó, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai chuyển phần vốn góp 45% cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.

Ngày 15.12.2015, Trần Công Thiện đã thống nhất chuyển 45% trong 55% vốn góp cho Công ty Quốc Cường Gia Lai bằng Hợp đồng số 22. Đến năm 2017, Trần Công Thiện ký tiếp hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn góp còn lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai và nhận lại 47,3 tỉ đồng.

Tại tòa, bị cáo Thiện khai, số tiền 47,3 tỉ đồng Công ty CP Quốc Cường Gia Lai chưa chuyển tiền lại cho Công ty Tân Thuận, bởi 2 công ty chỉ mới ký biên bản làm việc, chưa đưa vào phụ lục hợp đồng nên chưa đầy đủ pháp lý để chuyển tiền.

Đại diện Viện KSND TP.HCM tại tòa

NHẬT THỊNH

Theo VKS, bản chất là Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng toàn bộ dự án khu dân cư Ven Sông chứ không phải ký hợp đồng góp vốn.

Bị cáo Thiện khai, bị cáo chỉ ký hợp đồng góp vốn chứ không chuyển nhượng dự án. "Bị cáo chỉ muốn mang lại cho Công ty Tân Thuận lợi nhuận hoặc sản phẩm. Vốn thực Công ty Tân Thuận tại thời điểm bị cáo bị cách chức hơn 1.500 tỉ. Nên bị thấy mình có bảo toàn, phát triển công ty để tăng vốn”, bị cáo Thiện trình bày.

Theo VKS, bị cáo dùng vốn là quyền sử dụng đất chứ không phải hai bên nộp tiền vào thực hiện dự án, phân chia lợi nhuận. “Không phải tài sản 10 đồng mà chỉ bán 3 đồng với lý do ngày xưa mua giá 1 đồng giờ lời 2 đồng là đã bảo toàn, phát triển vốn. Phải đúng giá trị thực mà tài sản công ty đang sở hữu chứ không phải có thấy tăng lên là nói phát triển. Bản chất là bán đất có lời chứ không phải phân chia lợi nhuận”, VKS phân tích.

Phiên xét xử bị cáo Tất Thành Cang, Trần Công Thiện và các đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.