Chào Trấn Thành. Thành công của Bố già trước đó có khiến anh bị áp lực khi thực hiện Nhà bà Nữ?

Việc so sánh như một thói quen thôi nên tôi chẳng có gì phải áp lực cả. Hãy làm tốt nhất những gì mình có thể. Người ta chỉ có thể so sánh hai vật na ná nhau hoặc hai sự kiện gần giống nhau, người ta không thể so sánh hai vật không có gì liên quan cả. Cho nên hãy làm tác phẩm có góc nhìn mới, câu chuyện mới, hướng làm phim mới thì chắc chắn khán giả sẽ không so sánh với tác phẩm cũ, bởi nó có những tiêu chuẩn khác. Tôi rất thoải mái với chuyện nghĩ ra tác phẩm mới, không lặp lại bản thân của ngày hôm qua.

Tôi luôn kỳ vọng Nhà bà Nữ sẽ phá kỷ lục của bản thân và làm tốt hơn hôm qua. Còn để đạt được điều đó hay không là do tình yêu của khán giả, do thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Nếu doanh thu của Nhà bà Nữ không cao bằng Bố già thì cũng không đồng nghĩa Nhà bà Nữ kém hơn. Mỗi bộ phim có một cách đánh giá về thành công khác nhau, doanh số chỉ là một trong những yếu tố.

Doanh thu 400 tỉ của Bố già có phải là sự may mắn đối với Trấn Thành không?

Luôn luôn là sự may mắn. Có thể Bố già sẽ thành công, nhưng để thành công tới mức đó thì là do may mắn. Hầu như bất cứ ai có những thành công đặc biệt trong đời thì đều do may mắn. Cuộc sống mà, nếu bạn kinh doanh giỏi thì người ta sẽ nói bạn giỏi. Nhưng bạn trúng đất thì là do may mắn.

Nhà bà Nữ có sự góp mặt của nhiều đồng nghiệp thân thiết với Trấn Thành như Lê Giang, Khả Như… Làm phim với người quen sẽ là thuận lợi hay bất lợi đối với anh?

Mọi người cứ nghĩ đó là thuận lợi, nhưng thật ra khó khăn nhiều hơn. Khi làm với người quen, tôi biết được cách diễn của họ nên dễ trao đổi. Mọi người làm việc với tôi nhiều nên sẽ hiểu đòi hỏi của tôi lên đến mức độ nào nên đỡ phổ biến lại từ đầu. Nhưng cái khó của tôi là làm sao biến họ trở thành người hoàn toàn mới và không liên quan đến vai diễn gần đây nhất của họ. Đó là áp lực của tôi.

Thẳng thắn góp ý với các đồng nghiệp khi hợp tác chung, Trấn Thành có sợ sẽ khiến họ buồn lòng?

Mình chỉ làm cho nhau buồn lòng nếu như chúng ta có thái độ không đúng thôi. Nếu chuyện sai, mình có thái độ đúng thì dễ thông cảm hơn. Còn chuyện mình đang đúng, nhưng có thái độ sai thì mình cũng là sai. Cho nên với những người yêu thương lại càng hiểu cho nhau hơn. Nhưng tôi không dựa vào đó mà ỷ lại, muốn làm gì thì làm. Tôi cũng phải lựa lời, lựa thái độ để trao cho nhau. Các mối quan hệ đều được xây dựng trên cơ sở biết điều. Chỉ cần một bên không biết điều thì tự động mối quan hệ đó sẽ chấm dứt.

Vậy Trấn Thành đã từng chấm dứt mối quan hệ nào mà theo anh thì “không biết điều" chưa?

Nhiều chứ. Trong cuộc sống chúng ta sẽ có những trạm xe buýt của đời mình. Chúng ta sẽ đến đó, nhưng nếu lộ trình không phù hợp thì mình phải bắt chuyến xe đi với lộ trình khác. Chúng ta phải trải qua trạm dừng của đời mình để chọn chuyến xe tiếp theo. Sẽ có lúc tôi không thể tiếp tục với một người nào đó đôi khi do họ không tốt với mình hay không hợp với quan điểm của mình trong một thời điểm. Hay đôi khi chỉ vì năng lượng phát ra không giống nhau khiến đối phương không thoải mái khi ở cạnh. Có nhiều lý do để chúng ta không tiếp tục một mối quan hệ. Không phải bất cứ mối quan hệ nào không tiếp tục được nữa đều mang tính tiêu cực. Chỉ đơn giản là ở một giai đoạn nào đó trong đời, mình không chọn ở gần bên năng lượng đó, đơn giản là vậy.

Nghệ sĩ hay nói rằng: “Làm nghệ thuật thuần thì không ai giàu bằng Trấn Thành". Khi nghe câu này, anh xem đó là lời khen hay sự ghen tị? Và nếu thành công quá mình có bị xa cách với người khác không?

Tôi cũng từng nghĩ như vậy. Là người làm nghệ thuật thuần khó giàu lắm, chỉ khá giả nếu người đó thành công. Và sẽ cực kỳ không khá giả nếu như không thành công. Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, đóng nhiều phim nhưng cuộc sống ngoài đời của họ không giàu. Cho nên nhiều khi quý vị thấy họ bán hàng online thì đừng trách họ, vì cái họ theo đuổi không mang đến một cuộc sống tốt hơn nên họ phải bán hàng kiếm thêm thu nhập. Không phải ai cũng được may mắn làm cái mình thích mà vẫn thành công, vẫn may mắn nuôi sống bản thân. Có những người phải “lấy dài nuôi ngắn”. Tôi cho rằng mình may mắn khi được làm cái mình thích mà vẫn kiếm ra lợi nhuận và sự sung túc cho bản thân.

Lúc đầu tôi không tin vào điều này. Càng về sau, khi thành công và nhìn lại những gì trải qua, tôi thấy rằng nếu bạn làm không vì lợi nhuận thì tự nhiên lợi nhuận sẽ đến. Khi bạn không vạch ra cái gì, chỉ làm bằng sự chân thành, nhiệt tình thì nó lại dẫn bạn đến cái đích mà bạn không nghĩ rằng mình sẽ đến. Tôi không làm nghề để giàu và nổi tiếng. Tôi làm nghề để thỏa mãn cái hạnh phúc của bản thân. Tôi làm nghề vì ý thức hệ của tôi nói rằng khi nổi tiếng, tôi nên có trách nhiệm gì đó với xã hội, với nơi mình sinh sống. Tôi biết ơn vì mình có tiền, có tiếng, được mọi người yêu thương. Đó là may mắn của đời vì tôi có điều kiện thuận lợi hơn, thực hiện giấc mơ của mình tốt hơn người khác. Khi tôi có điều đó, tôi sống theo chủ nghĩa biết ơn, muốn cho lại người khác. Tôi làm nghề vì muốn cho đi. Tôi muốn lấy cái ảnh hưởng của mình để nói lên tiếng nói, giúp mọi người thay đổi quan điểm sống. Nhiều người không đồng tình với tôi, nhưng cũng có nhiều người chắc chắn sẽ đồng tình với tôi. Được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Mình sẽ góp tiếng nói cho xã hội, để mọi người thay đổi.

Tôi xuất phát từ quan điểm đó để làm nghề, nhưng may mắn được nhiều người đồng tình thì tôi mới có ngày hôm nay. Nếu tôi nghĩ làm phim để kiếm tiền thì tôi sẽ không thành công đến mức độ này đâu. Tại vì nếu  mục tiêu của mình vì tiền thì sẽ tính toán, mà như vậy thì không thật thà, không chạm được nhiều người. Cái gì tính quá cũng không hay. Mình cứ theo cảm xúc và làm hết những gì mà bản thân có thể trong công việc mình theo đuổi. Tin tôi đi, không chỉ điện ảnh đâu, mà bất cứ ngành nghề nào, các bạn làm tốt nhất những gì trái tim mình muốn thì các bạn sẽ nhận lại được những điều xứng đáng.

Trong hành trình làm thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng, Trấn Thành cũng đã gặp biến cố. Hỏi thật là trước khi mọi chuyện được sáng tỏ, anh có cảm giác bị tổn thương không?

Nhiều chứ. Tôi là con người mà, nên cũng sẽ có cảm xúc bình thường như bao người khác. Mọi người có thể thấy tôi mạnh mẽ hơn, vì tôi gặp nhiều quá thì sẽ chai lì. Nhưng tôi có tổn thương, có buồn vì mình nhận những lời tiêu cực và đôi khi không đúng nữa. Đúng thì tôi cũng đỡ tức nhưng lại có những điều không đúng. Người ta đồn bậy, chửi bậy rồi tôi phải nghe chỉ vì tôi là người nổi tiếng, tôi cũng buồn chứ. Nhưng nghĩ lại cái gì cũng có hai chiều. Tôi rất thích câu nói của Sơn Tùng M-TP: “Nếu muốn ở vị trí không ai ở được thì hãy chịu đựng điều không ai chịu được", thì thôi luyện tập đi. Bạn lên đỉnh núi càng cao thì sẽ biết diện tích đứng càng ít và không khí càng loãng, nhiệt độ càng lạnh và khả năng bạn rơi xuống vực càng cao. Bạn có chọn leo lên hay không là quyền của bạn.

Nhưng trong giai đoạn đó, có bao giờ Trấn Thành nghĩ giá như mình bớt thương người một chút thì sẽ đỡ phiền phức hơn không?

Mỗi năm tôi lại nghĩ mỗi khác. Tôi biết bao đồng vừa là tính tốt, vừa là tính xấu khiến tôi gặp nhiều rắc rối. Tôi luôn muốn giúp đỡ người khác. Thấy họ kẹt một cái gì đó, tôi muốn góp ý, cho người ta cái chìa khóa, nói cho họ cách làm tốt hơn. Nếu ai yêu thương thì gọi là tốt tính, ai không yêu thương thì nói tôi tài lanh. Lúc đầu, tôi tổn thương khi người ta không nghe mình hoặc nghĩ rằng “biết gì mà nói". Tôi chỉ muốn người ta tốt hơn nhưng họ tiếp nhận không đúng lắm. Vài năm sau tôi lại nghĩ khác. Chuyện mình buồn mình có thể giải quyết được, nhưng chuyện của người ta, nếu không giúp tôi sẽ hối hận lắm. Tại vì khi tôi giúp, có 5 người không đón nhận thì cũng sẽ có 5 người đón nhận, biết ơn. Vậy tại sao mình không cho người ta cơ hội. Chỉ vì 5 người này mà bỏ luôn 5 người còn lại, thôi cứ giúp trước đi rồi tính sau.

Vài năm sau, tôi lại nghĩ khác. Tôi thấy cứ để người ta thất bại, đó là bước phải trải qua trong đời của họ. Họ thất bại thì họ sẽ tìm ra cách để thành công ở lần sau, việc gì phải chỉ trước cho người ta con đường. Nhưng sau đó tôi lại nghĩ rằng mình đâu cho người ta con đường, chỉ cho người ta bản đồ để đừng bị lạc lối, loay hoay quá lâu như tôi đã từng. Mỗi năm tôi nghĩ mỗi khác. Tôi không biết mình phải đối diện với điều đó thế nào vì tôi không thay đổi được. Tôi luôn muốn giúp ai đó và sẽ rất hạnh phúc nếu thấy họ tốt hơn. Nó cũng giống như việc khi “Thành Cry" đồng cảm với ai đó thì sẽ khóc. Khán giả có thể chửi tôi rất nhiều nhưng tôi không thay đổi được. Cho nên tôi chọn thật thà với nó.

Làm nghệ thuật, Trấn Thành có thấy nghề bạc bẽo không vì khi một nghệ sĩ đi xuống là cơ hội thành công cho những người khác?

Thật ra nghề nghệ thuật là nghề của ánh sáng nên cái gì cũng tỏ hơn, mình thấy rõ hơn. Nghề khác cũng có sự cạnh tranh, đấu đá y như vậy nhưng chỉ vì nó không sáng bằng công việc này nên quý vị không để ý. Một nghệ sĩ đi xuống, người ta có thể cho rằng đó là niềm vui vì rất nhiều người khác có cơ hội đi lên, nhưng có chắc vậy không? Chưa chắc. Nhiều khi không lên được thì sao? Nghệ sĩ đó vẫn ở đó, nhưng không chắc là những nghệ sĩ khác không vượt qua. Họ không đi xuống nhưng có người giỏi hơn thì vẫn vượt qua được. Không có một quy luật nào cho bất cứ một công việc nào. Có những thương hiệu họ vẫn sống dù cho rất nhiều cái mới đang xuất hiện. Khi muốn là cái gì không thể thay thế được thì hãy là cái có chữ ký thật rõ ràng. Chúng ta hãy là cái có giá trị và chất lượng thật. Chúng ta phải là định dạng rõ ràng chứ không nên là hiện tượng của một giai đoạn nào đó. Có thể sẽ có nhiều người khác trẻ hơn sẽ thế chỗ Trấn Thành, được quý vị yêu mến nhiều hơn vì họ mới, họ trẻ. Nhưng sẽ có lượng khán giả trung thành với Trấn Thành. Tôi tin là như vậy. Bởi vì tôi đang cung cấp một dịch mà mọi người yêu thích. Khi họ xem sản phẩm của tôi, họ nhận được sự giải trí tốt nên tôi tin đâu đó sẽ có người yêu thương tôi. Dù cho có ai nổi trội hơn đi nữa thì tôi cũng sẽ có vị trí nhất định trong lòng khán giả. Nếu như bạn bị lựa chọn hoặc đào thải, hãy nghĩ về những đối tượng mình thật sự hướng đến, để phục vụ đúng đối tượng đó. Mình trung thành với cảm xúc của họ để họ trung thành với sự yêu thương dành cho mình. Nghệ sĩ hãy giữ chất lượng của mình, bạn sẽ không sợ sự bạc bẽo của việc thay thế. Còn nếu bạn không làm được, thì sự bạc bẽo đó là quy luật của cuộc sống mà bạn phải chấp nhận.

Trấn Thành từng chia sẻ hạnh phúc vì sinh ra trong nghèo khó. Tết của thời thiếu thốn có để lại nhiều kỷ niệm trong anh?

Cuộc đời của tôi là những chuyến đi. Đó là lý do mọi người thấy phim của tôi rất sinh động vì có những tình tiết là những điều tôi chứng kiến trong cuộc sống, hoặc là những gì tôi trải qua. Tôi nhớ cái gì là sẽ đưa vào phim cái đó. Ai sống sao là làm phim như vậy. Sống hình thức thì làm phim hình thức, sống hời hợt thì làm phim hời hợt, sống sâu sắc thì làm phim sâu sắc. Ai sống thế nào thì làm nghệ thuật như thế. Mình sống thú vị thì sẽ làm phim thú vị, tại vì mình nhìn đời thú vị. Mình nhìn thấy cái gì cũng đáng được yêu thương cả nên mình đưa kỷ niệm, ký ức vào phim của mình. Đó là góc nhìn, là những gì tôi đã trải qua. Trong phim của tôi, nhân vật đều có góc tốt, góc xấu chứ không ai tốt hoàn toàn hay xấu hoàn toàn. Họ đều có lý do để làm như vậy. Tôi luôn đứng ở góc độ của họ và nghĩ cho họ. Bất cứ người nào làm điều xấu, chắc chắn họ có lý do, chỉ là hợp hay không hợp với mình và có tác hại hay không. Tôi có ký ức gì, suy nghĩ gì sẽ mang vào phim.

Tôi sinh ra không may mắn vì không giàu có như người khác. Nhưng bây giờ tôi thấy nó may mắn, đặc biệt là khi tôi thành công. Bởi vì ngày tháng đó cho tôi nhiều trải nghiệm hơn. Chứ nếu sinh ra trong giàu có, chưa chắc tôi đã trải nghiệm được như vậy và chứng kiến nhiều điều như vậy để đưa vào phim. Đó là cái rất hay mà tôi nghĩ mình trải qua. Ngày xưa có những cái tết mà chỉ cần ăn một con cua đã là hạnh phúc. Lúc đó cua không dễ mua như bây giờ. Khi đứa trẻ được ăn hẳn hoi một con cua là niềm vinh dự. Cho nên tôi thèm cảm giác chỉ mua được một con cua mà mình vui đến như vậy, hơn bây giờ là lúc nào mình có thể ăn. Lâu lắm rồi tôi mới kiếm lại được cảm giác đó, rất khoái cái khi nhận điều gì đó bình thường. Tôi muốn có lại cảm giác đó. Ví dụ như lâu lắm tôi không hồi hộp, thì khi ra mắt phim Nhà bà Nữ tôi lại được cảm giác đó. Tôi hi vọng mọi người trân trọng cảm xúc của mình khi trải qua điều gì đó. Tin tôi đi, một thời gian nữa bạn sẽ nhớ vì nó không còn nữa đâu.

Kế hoạch đón tết của Trấn Thành năm nay thế nào?

Hầu như tết nào của tôi cũng là công việc. Tôi chưa có cái tết nào bình thường hết. 365 ngày của tôi đều là tết cho nên tôi không quan trọng tết lắm. Lúc nào tôi cũng vui, hạnh phúc và yêu thương người thân tôi cả. Tôi chưa bao giờ mượn dịp tết hay lễ để yêu thương gia đình nên tôi không thấy ngày tết có gì đó khác biệt.

Người ta hay hỏi nhau ngày tết rằng “bao giờ lấy chồng", “bao giờ sinh con"... Một người thành đạt như Trấn Thành có áp lực chuyện đó không?

Tôi chưa bao giờ được hỏi nên cũng không biết áp lực từ đâu. Chắc nhiều người thấy tôi nổi tiếng rồi, chuyện gì cũng có trên báo nên không hỏi nữa. Nhưng tôi thấy điều này người Việt nên thay đổi, là tết gặp nhau bớt hỏi lại, bớt tặng quà lại. Người được tặng cũng khổ mà người đi tặng cũng khổ. Mỗi lần tết đến, người ta điên đầu nhớ lại trong năm ai là người nên tặng quà để người ta chú ý mình một xíu, phải tốn nhiều tiền mua quà và lo nó có làm hài lòng người được tặng hay không. Mỗi lần tết đến, nó như một sự ám ảnh vì mình phải tặng quà cho sếp, cho những người cao hơn mình để nhận được sự quan tâm. Trong khi đó, tôi không biết người được nhận quà có vui không chứ tôi rất mệt. Vì mỗi lần tết đến nhà tôi đầy đồ ăn mà không thể nào ăn hết được, tôi phải tìm cách cho người này, người kia. Nói ra thì nghe rất kỳ. Ai có gì cần thì tự đi mà mua, thì tết sẽ dễ thở hơn cho tất cả mọi người. Người không có thu nhập cao cũng đỡ nhức đầu chuyện tặng quà cho sếp của mình. Người khác cũng đỡ nhức đầu vì phải nhận những thứ không thuộc về cuộc sống của mình. Cho nên thoải mái với nhau chút xíu đi, tặng gì nhẹ nhẹ vui vui thôi, đừng hình thức quá. Tại vì hình thức quá đến lúc mình không tặng lại trở thành điều gì đó bất thường. Cũng bớt hỏi những câu như “có chồng chưa", “kiếm được bao nhiêu tiền"... Hỏi rồi người ta không về quê nữa vì sợ. Bộ không có vợ là có vấn đề hả? Hay năm đó người ta không kiếm được tiền thì người ta phải trả lời ra sao?

Mọi người thường có quan điểm năm tuổi thì sẽ lo lắng, áp lực. Đối với Trấn Thành thế nào?

Có một điều buồn cười là cứ thành công, chúng ta sẽ nói năm nay may mắn. Còn nếu thất bại thì lại nói năm nay tam tai, năm tuổi… Năm nào cũng vậy thôi, may mắn thì thành công nhiều hơn một chút, không thì ít lại một chút. Nếu mọi người làm tốt, tôi không tin năm đó mọi người “te tua". Cho nên hãy biến mình thành thứ gì đó có hệ thống, việc gì phải năm tuổi. Chúng ta sẽ thành công nếu mình làm đàng hoàng. Mình chỉ mượn năm tuổi là cái cớ để nói về sự thành công hoặc không thành công của mình.

Nhiều người làm nghệ thuật sẽ quan trọng chuyện danh hiệu. Còn với Trấn Thành thì sao?

Dĩ nhiên có danh hiệu là niềm tự hào đối với một nghệ sĩ. Nhưng riêng tôi, tôi không quan trọng chuyện đó lắm. Tôi quan trọng khi ra đường có được người ta yêu thương không. Tôi thích giá trị thật đó hơn. Người ta gọi tôi là gì cũng được, có thể là Trấn Thành, cũng có thể là thằng này, thằng nọ… Tôi thấy bình thường. Dĩ nhiên khi được danh hiệu tôi sẽ trân trọng. Nhưng tôi quan trọng khi ra đường có được người ta yêu thương hay không. Cái kính trọng trong lòng người ta mới quan trọng, chứ việc người ta gọi mình là gì thì không quan trọng đâu. Người ta gọi vì phải gọi thì danh xưng cũng không ý nghĩa bằng việc người ta muốn gọi. Khi người ta muốn gọi mình là gì thì mới quan trọng, vì nó là danh xưng lớn nhất, thể hiện họ có thương và trân trọng mình không. Đó là danh hiệu lớn nhất mà tôi muốn nhận được. Nghĩa là khi ra đường, tôi đến một tiệm ăn, tự động người ta muốn cho mình chỗ ngồi tốt, hoặc một tô có nhiều gân, thêm cục thịt chẳng hạn. Điều đó thiết thực hơn họ gọi mình là gì.

Mong muốn trong năm mới của Trấn Thành là gì?

Tôi chỉ hi vọng trong năm nay, Nhà bà Nữ sẽ được đón nhận giống cách mà quý vị đón nhận Bố già. Với một năm kinh tế thế nào, chỉ cần doanh thu bằng thôi thì tôi cảm thấy hạnh phúc rồi. Và dù cho doanh thu không bằng thì cũng không có gì buồn cả, vì một tác phẩm có một chủ đề hướng đến đối tượng khác nhau. Mỗi tác phẩm sẽ có chủ đề, hướng đến một đối tượng khán giả nào đó nhưng doanh thu không nói lên được bộ phim đó có thành công hay không. Doanh thu tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chỉ cần khán giả thấy rằng phim này tôi làm chắc tay hơn, nghề giỏi hơn là tôi thành công rồi.

Báo Thanh Niên
21.01.2023

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.