Các lực lượng tìm kiếm của Hà Tĩnh và Quân khu 4 tiếp tục tăng cường phương tiện, trang thiết bị dò tìm, nhưng vẫn không thể xác định được vị trí của chiếc xe khách cùng các nạn nhân mất tích trong dòng nước lũ mênh mông.
Đêm 18 và sáng 19.10, nhiều người thân của các nạn nhân trên chuyến xe định mệnh này đã vào đến Nghi Xuân, Hà Tĩnh để chờ tin tức người thân bị nạn.
Các thân nhân đã được cơ quan chức năng Hà Tĩnh bố trí ăn nghỉ tại khách sạn Lam Kiều, thị trấn Xuân Lam, huyện Nghi Xuân.
Nhưng suốt đêm và sáng nay, tất cả đều đổ ra hiện trường theo dõi tình hình tìm kiếm trong tâm trạng hết sức lo lắng, bất an…
|
|
Anh Trần Văn Lực (người thoát chết và hiện có một người con và một người cháu cùng đi trên chuyến xe đang bị mất tích) mệt mỏi ngồi bệt dưới gốc cây vật vã khóc.
Vợ anh sau một đêm từ Nam Định vào đến nơi chỉ biết ôm lấy chồng khóc lóc thảm thương.
Có gia đình có cả ba mẹ con, bà cháu; có gia đình hai mẹ con, có gia đình có hai chị em ruột bị mất tích theo dòng nước lũ.
Nhìn những ánh mắt thất thần của các thân nhân, không một ai có thể cầm nổi nước mắt. Một không khí đau thương, buồn bã đang bao trùm dọc bên bờ sông La…
Hiện Quân khu 4 đang tiếp tục điều động các phương tiện hiện đại xuống hiện trường tích cực tìm kiếm…
* Lúc 15 giờ chiều nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi gặp gỡ thân nhân của các người bị nạn trong vụ xe khách bị cuốn trôi.
Tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Nhật - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Mặc dù đã huy động tổng lực các lực lượng có thể (khoảng 500 người bao gồm công an - bộ đội), Bộ Quốc phòng và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cũng đã tăng cường lực lượng, phương tiện giúp đỡ việc tìm kiếm, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả".
Ông Nhật cho biết thêm, từ đầu giờ chiều nay, tỉnh Hà Tĩnh đã phải nhờ đến nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng (Hà Nội) và ông Liên (TP.HCM) dùng khả năng ngoại cảm của mình giúp tìm kiếm thi thể các nạn nhân.
Theo dự cảm của ông Liên thì hiện tại xác các nạn nhân và chiếc xe ô tô đã trôi xuống phía dưới cầu Bến Thủy (Sông Lam) cách địa điểm xảy ra tai nạn hơn 4km. Hiện tại, công tác cứu nạn, tìm kiếm đang được tập trung tại khu vực này.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, việc tìm kiếm có thể kéo dài 1-2 ngày tới và tỉnh sẽ cố gắng tìm bằng được các nạn nhân mới thôi.
Hiện tại, 12 huyện, thị Hà Tĩnh đã ngập trong nước lũ.
|
Danh sách 18 nạn nhân đã được xác định: 1. Phạm Văn Tưởng (29 tuổi, Trực Ninh, Nam Định) 2. Nguyễn Thị Duyên (21 tuổi, Đắk Lắk) 3. Đinh Văn Lương (37 tuổi, Hải Hậu, Nam Định) 4. Nguyễn Thị Thắm (19 tuổi, Diễn Châu, Nghệ An) 5. Trần đăng Khoa (19 tuổi, Cư Jút, Đắk Nông) 6. Nguyễn Thị Thùy (17 tuổi, Nghĩa Hưng, Nam Định) 7. Đinh Xuân Trường (21 tuổi, Cư Jút, Đăk Nông) 8. Nguyễn Văn Huy (18 tuổi, Chư sê, Gia Lai) 9. Đỗ Thị Lan (15 tuổi, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) 10. Đỗ Thị Phương (17 tuổi, chị gái của Đỗ Thị Lan) 11. Đỗ Thị Lan (24 tuổi, Hải Hậu, Nam Định) 12. Vũ Thị Ánh (7 tháng tuổi, con gái chị Lan) 13. Phạm Thị Yên (70 tuổi, TP Ban Mê Thuột, Đắk Lắk) 14. Mai Nhi (31 tuổi, con bà Yên) 15. Đỗ Duy Gôn (3 tuổi, con chị Nhi, cháu bà Yên) 16. Phạm Văn Tuyên (19 tuổi, Con Rẩy, Kon Tum, con bà Mừng, người được cứu sống) 17. Phạm Thị Cúc (37 tuổi, Hải Hậu, Nam Định) 18. Lê Thị Phương Thảo (8 tháng tuổi, con chị Cúc) |
Lũ đang lên tại Lệ Thủy
Mưa to từ đêm qua đến sáng nay 19.10, khiến nước lũ tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình lại dâng lên.
|
Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, ông Phạm Hữu Thảo cho biết, nước sông Kiến Giang đã dâng lên trên báo động 2, gây ngập lụt trở lại tại các địa bàn thấp trũng như thị trấn Kiến Giang, xã Xuân Thủy, Lộc Thủy, An Thủy, Hồng Thủy…
Hiện huyện đang tích cực chỉ đạo người dân dọn đồ đạc lên cao, hạn chế đi lại nếu không cần thiết để giảm mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Cũng sáng nay, lãnh đạo huyện Lệ Thủy đã triển khai công tác phòng chống cơn bão số 6 tại 3 xã miền biển là Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Bắc.
Thông tin từ xã Tân Hóa (H.Minh Hóa) cho hay, nước đã tràn vào nhà, người dân đang khẩn trương di chuyển đồ đạc.
Trong khi đó, đường độc đạo vào các bản có đồng bào Rục, Sách sinh sống như bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ ở xã Thượng Hóa vẫn bị chia cắt, nước chảy xiết và dâng cao, nhiều nơi cao trên 10m.
Nghệ An: 14 người chết, 133 xã bị ngập sâu
Tỉnh Nghệ An vừa tổ chức họp khẩn tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm phòng chống lụt bão.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Nghệ An, đến 15 giờ ngày 19.10, trên địa bàn Nghệ An đã có 14 người chết do mưa lũ.
Hiện vẫn còn 113 xã của 9 huyện với 30.700 hộ bị ngập sâu trong nước (trong đó có 35 xã bị cô lập hoàn toàn); 5.271 ha lúa mùa, 18.487 ha ngô đông, 1.237 ha lạc, 5.941 ha rau và 4.773 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập chìm trong nước. Trên địa bàn tỉnh hiện đang có nhiều xã bị mất thông tin liên lạc, mất điện.
Ông Phan Đình Trạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các ngành, địa phương một mặt thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết các thông tin về cơn bão Megi để di chuyển đến nơi an toàn;
Nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi; rà soát lại phương án sơ tán dân ở các vùng cửa sông, ven biển, phòng tránh nước dâng, triều cường, vùng ngập sâu hạ du sông Cả;
Tại các vùng đang ngập lụt hiện nay, các địa phương tiếp tục hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, thực phẩm, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ để chủ động đối phó với tình huống ngập lụt và chia cắt tiếp tục xảy ra;
Kiểm tra và triển khai ngay các biện pháp đảm bảo cho các công trình đê điều, các cống tiêu úng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, do tình hình lũ lụt đang có diễn biến phức tạp, nên đã kéo theo sự tăng giá của các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Bình thường, một bó rau muống giá chỉ 3.000 đồng thì trong những ngày mưa lũ này giá đã tăng lên 10.000 đồng/bó; thịt lợn, thịt bò đều tăng từ 20 - 30.000 đồng/kg...
Thành phố Hà Tĩnh chơi vơi trong trận lũ lịch sử
Khoảng 14 giờ chiều nay (19.10), hồ Kẻ Gỗ được xả lũ với khối lượng 650 m3/giây.
Toàn tỉnh Hà Tĩnh chìm trong biển nước, mọi sinh hoạt, phương tiện giao thông đều bị tê liệt.
Tối 18.10, mưa xối xả, kết hợp với việc xả nước tràn hồ Kẻ Gỗ khiến trung tâm tỉnh lỵ Hà Tĩnh chìm trong biển nước.
Mọi phương tiện cứu hộ đang dồn sức di dời dân tại các P.Văn Yên, Đại Nài, Thạch Hạ, Thạch Quý đến vùng an toàn.
Sáng nay, dọc các cung đường trong TP Hà Tĩnh: Hải Thượng Lãn Ông, Xuân Diệu, Nguyễn Du, Phan Đình Phùng… nước ngập đến hơn 1m. Người dân chỉ có cách chặt cây chuối kết bè đi lại.
Bà Nguyễn Thị Lan (67 tuổi), ngụ ở đường Xuân Diệu nói: “Tôi sống ở đây từ nhỏ và chưa bao giờ thấy TP bị lũ lớn như bây giờ. Năm 1964 cũng có một trận lũ lớn, gần bằng chừng này nhưng nước ngập ít tiếng là rút hết chứ không “ngâm” lâu. Khu vực nhà tôi bị ngập từ sáng 16 đến giờ vẫn không rút được. Đây thật sự là trận lũ lịch sử của TP Hà Tĩnh”.
Các cơ quan, công sở, chợ đều đình trệ gần một tuần nay, khiến người dân TP đang lao đao với bộn bè nước lũ và sinh hoạt.
“Bố mẹ tôi đã 89 tuổi, tôi đã cho hai cụ đi cư trú tại nhà bác ruột, vì nhà tôi là nhà cấp 4. Luôn túc trực hai đứa nhỏ, không cho chúng ra khỏi nhà”, anh Nguyễn Hữu Thế, ngụ trên đường Nguyễn Du cho biết.
Những chiếc xe cứu hộ luôn trúc tực 24/24 giờ để theo dõi và di chuyển người dân lúc cần thiết.
Lực lượng vũ trang TP đã kéo hàng trăm cây chuối và bè gỗ, sẵn sàng đóng sẵn phục vụ người dân trong tình thế nguy kịch nhất, đặc biệt là việc xả lũ với dung lượng nước lớn tại hồ Kẻ Gỗ trong chiều nay.
Khu du lịch sinh thái của Công ty CP Du lịch và Xây dựng Hà Tĩnh, P.Thạch Trung, bị ngập sâu trong nước. Ngoài những vật dụng, nhà cửa bị hư hỏng, Công ty này bị trôi khoảng 15 tấn cá giống, thiệt hại hàng trăm triệu đồng...
Một số cơ quan, đơn vị, nước ngập nhiều đồ đạc, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Sau gần 1 tuần “ghé thăm”, lũ vẫn tiếp tục ở lại “ngâm” TP Hà Tĩnh.
Đoạn đường qua P.Thạch Quý, TP Hà Tĩnh chìm trong biển nước | Hàng trăm hộ dân tại P.Thạch Hà, Thạch Quý đã nhanh chóng được các lực lượng cứu hộ đưa đi sơ tán về nơi an toàn |
Trục đường Nguyễn Công Trứ ngập sâu hơn 1m, phương tiện đi lại duy nhất của người dân là kết bè chuối và bè gỗ | Người phụ nữ này đã phải dùng bè gỗ để chở người thân đi |
Nhà bà Nguyễn Thị Sen, xóm 8, Thạch Quý bị nước lũ cô lập từ sáng 16.10 đến nay vẫn còn ngập sâu tứ phía. Bà Sen cũng bảo, bà ở đây gần 50 năm rồi, chưa bao giờ thấy lũ lớn và ngâm lâu như đợt này.
Nhiều nhà nước ngập, không có cách gì để nấu ăn. Dọc theo xóm 8 Thạch Quý đến xóm 10 Đại Nài, nhiều hộ nuôi gà vịt đàn, mấy ngày nay trôi hết. Có nhà trôi một lúc mấy trăm con...
Nhiều hộ dân tại P.Thạch Quý cầu cứu lực lượng cứu hộ khẩn cấp. Hiện hàng trăm hộ tại đây vẫn đang bị ngập sâu hơn 1m, vượt mức lũ lịch sử cách đây 50 năm nay. Mỗi lần muốn ra mua thực phẩm, họ phải chèo bè chuối, đi bộ cả mấy cây số.
Các lực lượng vũ trang nhân dân TP Hà Tĩnh đã tập kết gốc chuối, bè gỗ đóng sẵn để vận chuyển người dân TP trong đêm nay | |
Đường Đặng Dung, TP Hà Tĩnh bị ngập sâu gần 2m, lực lượng cứu hộ đã cấm tất cả phương tiện, người đi lại | Hai đứa trẻ này, bất chấp nguy hiểm chèo bè chuối giữa mặt nước mênh mông |
“Nước ngâm lâu ngày quá nên đồ đạc trong nhà mốc hết cả. Xe máy ngâm nước mấy ngày; ti vi, tủ lạnh, vi tính... mốc thếch, có lẽ hỏng hết cả. Không biết đến bao giờ mới hết cảnh khốn khổ này...”, nhiều hộ dân than thở.
Đã gần 4 ngày trôi qua, nước lũ vẫn "ngâm" TP. Hàng trăm ngôi nhà ở các xã, phường ngoại ô đang bị lũ cô lập. Nhân dân TP Hà Tĩnh cực kỳ khốn khổ với trận lũ lịch sử bất thường và dai dẳng này!
Ngọc Minh - Trương Quang Nam - Trương Hoa
Bình luận (0)