Trang giấy chỉ còn mỗi tên em

29/09/2021 02:29 GMT+7

Cậu bé Trương Hoàng Kim (9 tuổi) loay hoay viết mỗi tên mình trên trang giấy, vì không ai dạy em tập chép bài nữa. Mới tháng qua, mẹ và một người bà của em đã qua đời vì Covid-19 .

Tìm vào ấp 1B, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh (TP.HCM) thì trời đã nắng gắt, bé Kim đầu tóc bờm xờm đạp xe ra đón. Nhà của em nhỏ xíu, lọt thỏm trong những dãy nhà thấp.

Lâm cảnh éo le

Bà Trương Tố Châu (59 tuổi) quày quả tìm chỗ mời chúng tôi ngồi do bàn, ghế trong nhà đã dùng để kê bàn thờ tạm cho người đã mất.
“Tôi có 2 người chị gái. Chị cả ở riêng, còn tôi và người chị thứ hai ở chung. Nga, mẹ bé Kim, là con chị cả của tôi. Nga lấy chồng, nhưng sinh con được 3 ngày thì ẵm con về ở với tôi. Tổng cộng nhà tôi có 4 người. Người chị thứ hai và mẹ Kim đã mất tháng trước vì Covid-19, giờ nhà chỉ còn mỗi tôi với thằng Kim”, bà Châu nói.
“Người chị thứ hai của tôi có bệnh tim, khoảng giữa tháng 7 thì phát sốt rồi chuyển qua ho, đột ngột qua đời. Cả gia đình không ai nghĩ là nhiễm Covid-19. Khi chị tôi mất mấy ngày thì tới mẹ của Kim và tôi trở nặng”, bà Châu kể rồi xúc động nói thêm: “Nga có 2 hôm thấy khó thở, tới ngày thứ 3 thì đột ngột mất luôn. Thằng Kim cứ kêu mẹ nó, khóc nức nở, bảo mẹ con mất rồi... Lúc này, tôi cũng đã trở nặng. Ở xã vào xét nghiệm, lúc đó mới biết là bị Covid-19, tôi được đi chữa trị ở Bệnh viện Xuyên Á, thở ô xy liên tục 12 ngày. Lúc đó Kim ở nhà, tôi nhờ họ hàng xa lên chăm sóc”.
Theo lời bà Châu, những ngày đầu, khi biết mẹ mất, Kim khóc suốt và bỏ ăn. “Lúc ấy, tôi vừa thở ô xy vừa khuyên hồi lâu để cháu bình tĩnh lại. Từ đó tới nay, tôi không dám nhắc mẹ cháu trước mặt cháu”, bà Châu nói.

Bé Kim giờ chỉ biết nương tựa vào bà Châu trong bao khó khăn

ẢNH: SONG MAI

“Con muốn đi học lại”

Dẫu không có ba từ nhỏ, nhưng bé Kim được mẹ và những người bà yêu thương hết mực. Bà Châu cho biết: “Lúc trước, tôi đi làm công, lau ghế sắt cho một công ty, được 150.000 đồng/ngày. Còn mẹ của Kim và chị tôi thì làm gia công hoa giả tại nhà, thu nhập thấp lắm, chỉ chừng 30.000 đồng/ngày. Tuy nghèo, nhưng cả gia đình tằn tiện cũng đủ sống, làm được bao nhiêu thì góp chung bấy nhiêu để nuôi bé Kim”.
Tuy đã 9 tuổi, nhưng gia cảnh khó khăn nên bé Kim mới học xong lớp 1. Dịch bùng phát, cả nhà mất thu nhập, rồi mất mẹ nên tới nay việc học của Kim đang gãy gánh giữa đường. Dù vậy, em vẫn rất ham học. Chiếc bàn nhỏ của cậu bé được kê trước cửa, tập vở xếp ngay ngắn. Mới học lớp 1, nhưng cuốn vở em khoe chúng tôi chữ viết rất đẹp, và em được mẹ, được bà dạy viết những bài học về ý chí, làm người.
Nhìn vào trang vở nào cũng đề rõ ngày tháng năm, nét chữ cẩn thận. Tiếc là một tháng qua, em không chép được bài học nào mới. Kim hồn nhiên: “Sáng nay con mới viết lại, nhưng chỉ biết tập viết tên mình”.
Bà Châu nói, giờ mẹ Kim không còn, không ai dạy chữ. Chưa kể, bé Kim muốn tập viết tên mình thật đẹp để phường có kêu ra lãnh quà, ký nhận hỗ trợ thì sẽ đại diện ra nhận, ký tên.
Quẩn quanh hằng ngày trong căn nhà nhỏ, Kim cứ đúng giờ là đốt nhang cho bà và mẹ. Kim bảo: “Con muốn phụ mẹ, phụ các bà dọn dẹp nhà cửa”.
Hỏi ước mơ của em sau này, Kim suy nghĩ vẩn vơ một hồi rồi nói rành mạch: “Con còn nhỏ quá, lớn nữa con sẽ biết con muốn làm gì. Bây giờ con chỉ nhớ bạn, con muốn đi học lại”.
Bà Châu nghe đứa cháu thơ ngây nói, rất muốn cho cháu mình đi học lại để có chữ nghĩa sau này, nhưng lòng bà thì bao nhiêu phiền muộn. “Tiền viện phí tôi vay công ty ứng trước còn chưa trả. Mấy hôm nay hàng xóm, địa phương cho rau, củ gì thì ăn cái đó. Giờ tôi cũng không biết làm sao”, bà Châu thở dài.

Covid-19 sáng 29.9: 770.640 ca nhiễm, 559.945 ca khỏi | Người từ TP.HCM không được tự ý về quê

Quý nhà hảo tâm có nhã ý chung tay với chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời nhằm bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 của Báo Thanh Niên, xin vui lòng gửi thông tin trao đổi về việc nhận bảo trợ trẻ em mồ côi đến email: baotrotremocoi@thanhnien.vn hoặc liên hệ số điện thoại: 0933044866 (gặp nhà báo Trần Thanh Bình, Ban Công tác bạn đọc). Trên cơ sở khảo sát tìm hiểu và thiết lập hồ sơ từng em mồ côi do đại dịch Covid-19 có hoàn cảnh sống khó khăn, đôi bên sẽ cùng tham gia ký bản thỏa thuận bảo trợ và lên phương án giúp đỡ cụ thể cho từng hoàn cảnh với mức bảo trợ theo từng giai đoạn.
Quý nhà hảo tâm có nhã ý tham gia việc bảo trợ các em theo hình thức trực tiếp chuyển tiền mặt đến Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM; Tòa soạn Hà Nội và các văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước.
Hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Ủng hộ trẻ mồ côi do dịch Covid-19.
Báo Thanh Niên sẽ tính toán điều phối số tiền này cho chương trình một cách công tâm, hợp lý, hiệu quả nhất và sẽ cập nhật, công bố đầy đủ trên các ấn phẩm của Thanh Niên.
Cần tổng rà soát để có chính sách phù hợp
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết tới thời điểm hiện tại có thể nhận thấy, những trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi là một trong các hậu quả nặng nề nhất mà dịch bệnh Covid-19 mang lại.
“Dịch bệnh dù có tàn khốc tới đâu, nhưng rồi cuộc sống sớm muộn cũng sẽ dần trở lại bình thường. Nhưng những tổn thương tinh thần đối với các em sẽ còn rất lâu mới có thể lành lại. Có thể do trong tình hình khẩn cấp và số liệu cập nhật trong những giai đoạn khác nhau nên việc thống kê số trẻ mồ côi do Covid-19 hiện nay chưa thống nhất, nhưng có một thực tế, nếu nhìn vào tổng số người mất vì Covid-19 trên địa bàn TP.HCM từ đầu dịch đến giờ, thì chắc chắn đã có một bộ phận không nhỏ trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, có thể là mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc mồ côi một phía”, ông Nghinh nói.
Theo ông Nghinh, hơn lúc nào hết, chính quyền cơ sở cần nhanh chóng tập trung rà soát và cập nhật chính xác không những về số lượng mà còn cần chi tiết về điều kiện và hoàn cảnh của từng trẻ. Vì trên thực tế tuy mồ côi, nhưng mỗi trẻ sẽ có những vấn đề khác nhau, nhu cầu khác nhau.
“Chúng ta cần có các chương trình can thiệp và trợ giúp một cách toàn diện hơn theo đúng nhu cầu và vấn đề thực tế của trẻ. Muốn làm được điều đó, một số liệu đầy đủ và toàn diện hơn về thực trạng trẻ em mồ côi vì Covid-19 như số lượng, các vấn đề của trẻ gặp phải là gì, đâu là nhu cầu cấp thiết của trẻ... sẽ đóng vai trò quyết định. Không có số liệu chính xác thì sẽ không có chính sách phù hợp và hiệu quả”, ông Nghinh nói thêm. 
Thu Ngân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.