Trăng mọc từ phía ấy - Truyện ngắn của Hồ Thị Ngọc Hoài

Mờ sáng. Màu xanh, xanh xanh. Rồi trời bung sáng rất nhanh. Màu xanh cũng trở nên rõ ràng hơn. Xanh trải mênh mang tít tắp và vun vút qua kính xe. Màu xanh như bản tình ca ngọt ngào của mặt đất.

Xe khách chạy đều đều, miệt mài. Nhiều chỗ màu xanh mất hút. Và lam nham. Màu xanh cây cỏ. Nó cho hoa cho quả, cho lá ăn, cho thân cành dựng nhà, làm bàn, ghế, giường, khỏi phải bàn về giá trị... nhưng con người ta yêu nó tới mức, chỉ cần xanh để nhìn ngắm thôi cũng được. Có người coi cây như người tình, nếu không được nhìn ngắm, nói chuyện một ngày ít nhất mười, mười lăm phút thì không yên, thấy thiếu khát lắm. Bị diệt nó lại sinh, nó trường tồn, bất tử... chỗ này cũng khỏi phải bàn, nhưng có những nơi chết nhiều hơn sống, đến loài cỏ tranh, cỏ gấu khỏe sống mà cũng chết trắng.
Núi rừng xa xa rồi dần dần gần lại. Sát gần, sừng sững, sáng rõ. Núi mẹ, núi con, núi cháu chắt... quây quần chắn tầm mắt. Nhìn lên, nhìn quanh, những đỉnh cao, thấp trập trùng... thưa thớt nhà cửa, bóng dáng con người.
Đất nâu đỏ lẫn trong những đám cỏ chết trắng.
Xe dừng, nhả ba người xuống bên đường núi vắng rồi lăn bánh đi tiếp. Ba người xích gần lại, thấy nhẹ nhõm dần khi được hít thở sâu không khí tự nhiên của núi rừng sau hơn ba tiếng đồng hồ xe cộ nghiêng lắc. Họ nhanh chóng vào việc như đã định, mỗi người đi mỗi hướng, dần biến hút vào rừng.
Diêu mang ba lô trên lưng, cắm cúi đi từ chân rừng. Đó đây màu xanh rời rạc, cái vẻ phờ đi bởi mùa khô. Những vạt cỏ cây rúm lại ngả vàng nâu như chỉ cần mẩu than rơi xuống là lén cháy. Cái sự chết chóc bí mật nhưng cũng lan tràn rồi... Gần mới rõ. Chết lẻ và chết tập thể dưới cái vẻ mênh mông hùng vĩ.
Những thảm cây thấp trìn trịt, cỏ, cây dây leo, cây làm củi, làm cọc, làm giàn... Nhìn hết tầm, thi thoảng thấy có bóng của một cây cao, cao nhăng nhẳng.
Từ khi cha sinh mẹ đẻ Diêu đã biết yêu quý cây cỏ, thích thú núi rừng, tuy nhiên mãi sau này Diêu mới thắc mắc rồi chán cho cái vẻ cao lớn sừng sững lại mênh mông xanh bất tận - đẹp nhưng hầu như đâu cũng nghèo, lạc hậu, là sao? Nên Diêu mới vào thi Đại học Nông Lâm để tìm câu trả lời.
Diêu cắm cúi bước. Bước trầy bước trụt, bước nặng bước hẫng và nghĩ miên man. Núi rừng có lẽ cũng giống như một người mẹ vĩ đại nhọc nhằn, mòn đi bởi sinh lắm con, một bầy con ốm yếu.
Một cây to cao trơ trụi lá, Diêu ngửa mặt nhìn ngắm những cành nhánh in nền trời xanh lam. Những cành nhánh có mắt chồi. Ở đâu Diêu cũng gặp cây gạo cao lớn và cứng cỏi. Nhìn cây, nhìn trời. Ai mà không có thói quen này, nhiều lúc nhìn vu vơ, nhiều lúc nhìn để trút bớt đi sự nặng nhọc... Trời ở núi cao rừng sâu xanh hơn bất cứ đâu. Diêu bất giác nhớ, so sánh với trời Tây nguyên, trời Đà Lạt...
Ngồi lại dưới gốc gạo uống nước, nghỉ chân, lấy sức đi tiếp. Cây lá. Đá. Đất. Dốc. Những chỗ khá bằng phẳng như những manh chiếu, vạt nệm. Lá rụng nằm yên, ẩm mục. Ánh nắng xuyên, hoặc gác nắng lại trên tán lá.
Mồ hôi. Mỏi. Ở một khoảng trống trên cao, xung quanh cây cối thấp tè, dây leo quấn làng nhàng, lá ố vàng. Diêu nhìn xuống, lác đác nhà cửa, núi đồi xa, rừng xa và xanh đến kiệt cùng.
Cây nhàng nhịt. Chặt đốn phát dọn, trồng điều vào. Tốt quá! Một ngày, điều sẽ phủ mênh mông miền đất này. Sẽ nổi lên vì điều...
Chân Diêu đi giày ba ta giẫm qua đá sắc, đất mềm, lá mục xốp, tay gỡ gai rừng, vạch dây lá, cành nhánh, nhìn quãng đã leo, nhìn trái, phải, nhìn... những gốc, những thân cành vững chãi, mênh mông điều là điều. Người ta bỏ phí vì sợ hãi điều gì. Giá như Diêu có thể...
Mệt, và ý nghĩ đứt rời, chăm chú vào bước đi. Dây, rễ, cây, đá, đất... cheo leo, chênh vênh, trượt.
Lên cao, cây cối rậm dày hơn. Cây dây leo bíu bám rịt ràng phủ lên những thân cây khẳng khiu. Bìu tríu rậm rịt um tùm, những khoảng xanh trũng trụt, bò bết, hõm, mắc bầy, thưa ra, túm lại... Chỗ mắc võng nghỉ trưa ăn cơm nắm, nhìn xuống khá rộng tầm mắt, thấy tít tắp lồng lộng. Nhằng nhịt của rừng và lởm khởm của núi. Cao và mênh mông. Ý nghĩa của chuyến đi có thể chỉ nằm trên giấy tờ. Nhưng với Diêu, hy vọng sẽ khác. Diêu đã có mười năm trong nghề. Cây điều và rừng hoang. Đột phá. Có những ấp ủ chờ thời khắc.
***
Ba người gặp nhau gần trên đỉnh. Một khoảng có cây gần nhau để mắc võng và cách một mạch nước nhỏ không xa.
Chặt, phát bớt cây con, dây leo, đi lấy nước, kiếm cành khô, nhóm lửa. Trời sắp đổ tối, bác Hòa vẫn cố đi tìm thêm củi để có lửa suốt đêm.
Những chuẩn bị cần thiết được lôi bày ra, gọn nhẹ như đã quen với chuyến đi ngắn. Cơm nắm, muối vừng... Họ nói chuyện về cái ăn, chuyến đi, và nói về rừng. Rừng hiền khô, vào rừng như về vườn cũ không người.
“Nghĩ về những đồi thông Đà Lạt xem? Ngày trước không trồng thông thì ngày nay là gì?”.
“Nếu mình phủ hết rừng bằng điều thì nói làm gì nữa! Chuyện trong tầm tay, nhưng...”.
Người im lặng. Gió và cây rừng xào xạc.
“Làm được mà... Mai này con cháu vào rừng vui chơi nhặt điều như tiều phu vào rừng lấy củi, như tết người ta vào rừng cắt lá dong về bán... rồi sẽ có lễ hội điều... nhặt, nhặt, leo núi, vui chơi...”.
“Ừ, được thế thì tốt quá nhỉ!?”.
Câu chuyện chuyển hướng, một chút ông này thế này, bà nọ thế kia, chút về gia đình, người thân... những chi tiết, những hoàn cảnh... Gì rồi cũng qua. Nhiều thứ đã qua.
Bác Hòa châm điếu thuốc, lại võng nằm. Khói thuốc lẫn vào đêm, quẩn quanh rồi tan mất lúc nào không biết. Diêu và Long lặng yên bên đống lửa khi lụi đi khi được chăm riu ngọn, bùng lên. Rừng núi về đêm có thêm chút lạnh cho lửa ấm. Chút sau thì nghe bác Hòa gáy rõ to. Bác Hòa gắn với rừng từ nhỏ, lớn lên đi lính, rừng ngấm vào máu, bao gian khổ vui buồn...
Bác Hòa đã đi gần khắp rừng núi ba miền. Biết nhiều nhưng ít khi nói ra. Hình như những lưu trữ trong đầu lộn xộn vì đầy quá, để lâu quá. Hình như điều quan trọng muốn nói ra đã thành không quan trọng nữa rồi nên không nói nữa, thỉnh thoảng nó lại sắp xếp thành ý nọ ý kia ý lởn vởn rồi đi mất. Nói nhiều
rồi, không muốn nói nữa. Biết nhiều, ít nói, hay già rồi đầu óc cũng như rừng toàn cây cho lá thôi? Lá thì lá, cũng còn hơn những cánh rừng trụi lá, những ngọn núi, ngọn đồi trơ trọi.
Diêu ngồi nghĩ linh tinh, Long đang nghĩ gì? Diêu ngồi đối diện, nhìn cái đầu, mái tóc hơi cúi xuống của Long... những xúc cảm êm ái nhen lên, lan vào lửa, vào rừng núi.
Long và Diêu gần như cùng trang lứa, ngoài ba mươi rồi, từ hai xứ khác nhau, đều con nhà khó gió sương lăn lộn, cứng cỏi. Long hướng nội, trầm tính, cũng thích nơi thanh tịnh, tự nhiên...
Lửa như xua tà khí, xua mông muội, quạnh quẽ... Diêu nghĩ, những đôi vợ chồng sống cách xa nhau như Long thì thế nào? Đàn ông có mấy ai chịu đựng cảnh nín nhịn? Long có vụng trộm lén lút làm những chuyện ấy ở đâu không? Diêu vừa tin Long, vừa nghĩ bản năng sinh dục của đàn ông mạnh mẽ và bầy bừa. Biết đâu?!
“Long à, chuyển vợ chồng về gần nhau đi”.
“Thì vẫn đang nghĩ cách đây. Vẫn luôn nghĩ và luôn bề bộn. Vợ sắp sinh cháu nữa, hai đứa nhỏ nên muốn gần bà ngoại để cậy nhờ...”.
“Hay là bàn cô ấy chuyển ra làm ngoài? Làm gì chẳng được. Miễn là vợ chồng cha con bên nhau?! Chứ vợ chồng cha con cách trở mãi thế, Diêu nghĩ là không hay. Long phải gần vợ con, nhất là con trẻ, Diêu nghĩ, nó quý hơn mọi thứ trên đời”.
Tất cả chìm vào rừng núi.
Vẫn có thể thu xếp được hợp lý.
“Này, Long, tôi thấy nhiều đàn ông sao sống giống nhau thế?! Mà nhiều người đàn bà cũng khổ giống nhau. Những bế tắc, khó khăn, trở ngại giống nhau, cách giải quyết cũng chỉ bấy nhiêu đó, luẩn quẩn lắm... Giống nhau thành bộ mặt chung, đi đâu cũng gặp... rất chán”.
“Này, nghe nói Diêu đang định lên rừng ở à?”.
“Có thể là vậy”.
“Vì sao? Bỏ?”.
“Tiếp nối chứ không bỏ gì. Không bỏ phố hay bỏ gì hết. Diêu muốn làm, ở và đi được nhiều nơi... Diêu đang nghĩ cách sống với rừng nhưng vẫn phải đi, phải đi ra nữa chứ...”.
“Đàn bà con gái mà ham lắm thế? Được sao?”.
Long châm thuốc, đốm lửa cháy sáng vẻ mặt nghĩ ngợi. Long có gương mặt vuông, mọi chi tiết trên gương mặt cân đối, hài hòa...
Diêu cảm thấy lãng mạn, mới lạ và yên lành. Những cảm xúc trong lòng như nâng Diêu khỏi chỗ ngồi.
“Nói thế thôi, có thể Diêu sẽ làm được. Sống ở phố, cả ở rừng... là hoàn toàn có thể. Nhưng trước mắt thì Diêu sẽ gặp một đống khó khăn...”.
“Khó khăn nhiều mà...”.
“Bác Hòa nói, con Diêu nó giỏi đấy, nhưng nó sướng hay khổ cũng khác nhiều người...”.
Diêu im lặng. Rừng không thôi xào xạc. Họ ngồi nghe xa xăm mơ hồ và cả những gì đang có rất thật. Họ có riêng những điều không thể nói tận cùng. Có một vài điều không thể.
“Thôi, Diêu lên võng đây. Ngủ còn giữ sức khỏe cho ngày mai...”.
Diêu vặn mình, huơ tay, ngoáy cổ rồi lại võng mình nằm, cảm giác lạ và an lành. Trùm mền, nghe rừng xào xạc thơm hương bách thảo.
Long nghĩ, Diêu thật thà, có sao sống vậy... nhưng Diêu cũng rất lạ. Bữa nay lại thấy Diêu lạ nữa. Ở đây, Diêu trong trẻo, tự nhiên, như chim được về rừng vậy.
Đã có khi Long ghét Diêu. Vì Long bị Diêu điều chỉnh... Nghiêm mà làm gì? Có phải Long bỡn cợt ầu ơ đâu. Tình cảm ấy là có thật. Trong sáng mới đẹp và bền lâu ư? Long ghét cái kiểu đó. Diêu nói cứng nhắc, thuyết giáo. Ghét Diêu ư? Thực ra là bào chữa cho Long. Diêu, cả sôi động, cả trầm lắng sâu xa... Diêu mềm mại, nhẹ nhàng, đôi khi đành cứng nhắc, thuyết giáo, cái vẻ nghiêm túc của người bạn, và cả những mỏng manh yếu đuối bị nén đi... Diêu không hẳn là hạnh phúc. Long giận, ghét, làm lành, thương, chia sẻ, gần lắm... Diêu nói, thế là quá nhiều, đừng để mất. Nói thế cũng ghét. Không chịu được. Nhưng ghét Diêu làm gì cho tội Diêu. Nhưng thương thế thì hơn gì, thật nhạt nhẽo, quấy quá, tất cả thật là quấy quá, nhạt nhẽo. Có lẽ Diêu đang muốn quên đi, bỏ qua cái thứ quan trọng nhất của người phụ nữ, Diêu nghĩ không thể ai đủ sức mang lại?
Long nén lại, lắng nghe thật lâu, thật sâu trong con người mình. Không hiểu. Không phải phàm tục, không phải phản bội, là cảm xúc thật, chân thành... Cái gì sâu đậm? Thế nào là phải cao quý? Biện minh, tham lam... Đừng, và luôn đừng. Tại sao?
Long ngồi tư thế của vị tu thiền bên ổ than hồng lên nhờ gió. Công việc thì phải hoàn thành tốt, và không ai ngăn cản lòng người thoát ra khỏi chỗ cũ mòn, nhộn nhạo. Lên rừng, vào rừng, ở lại rừng, chuyện này thật thường tình, nhưng trong một cảnh tình cụ thể với người này, với người kia, là một sự sắp đặt, là kết hợp để gỡ bỏ, để tìm lại... con người vu vơ và nhăng cuội trong những phút giây mù mờ. Rồi lại ân hận, xem thường mình, người, đời, và chán nản?
Long ngồi như ngủ ngồi.
Diêu tỉnh giấc, bác Hòa đã ngồi yên bên bụm lửa. Diêu xem đồng hồ đeo tay trong ánh sáng lờ mờ. Chừng này Diêu quen thức dậy tập thể dục.
Diêu nằm yên nhìn lên vòm lá cây mắc võng. Lá cành cọ vào nhau, như rủ rỉ. Diêu đụng cựa trong cái êm ái của võng dù...
Diêu dậy. Bác Hòa và Diêu nói chút ít, khe khẽ cho Long ngủ. Tiếng ngáy của Long đều đều, có lẽ là say giấc. Bác Hòa bảo Long mới đi ngủ.
Bác Hòa ngồi như tượng nhìn lửa cháy. Bác ấy đi và đi. Từ lúc nào bác ấy hiểu cũng chỉ để hiểu? Bỏ ba lô những thứ cần thiết, võng, gạo, ăng gô, bi đông, muỗng, vài ba đồ chai lọ, bộ đồ... Luồn rừng nhẹ nhàng đơn giản như về nhà, vào vườn.
Lửa còn những đốm than hồng hồng, bóng bác Hòa trong nhá nhem sáng tối. Diêu cho vào mấy nhánh củi còn lại, nhặt thêm lá khô gần quanh đó un thổi. Khói mờ bay, mùi khói nặng chuyển mùi vị loãng ra.
Diêu thì thầm:
“Bác Hòa, cháu muốn lên đây mua đất, mua thật rộng lớn... Cháu sẽ bán hết, huy động anh em, và vay thêm. Bác ủng hộ cháu không?”.
Bác Hòa nhìn lạ:
“Thật không?”.
Trong ánh sáng đầu ngày đang rạng, nét mặt bác Hòa cũng chuyển, có một sự đi đôi ít khi trùng lắp.
“Bác cùng làm với cháu không? Cháu cần bác ủng hộ, góp sức... Thế cháu mới vững tâm”.
“Tất nhiên rồi. Hẳn là vậy rồi”.
Mắt bác Hòa khác hẳn. Hẳn ký ức như suối nguồn và tương lai như sông bể đang nhập lại…
***
Quá trưa, ba người đợi nhau ở chân núi. Những số liệu, ý kiến được thống nhất. Họ đều thấy thoải mái vì chuyến đi, tuy có phần đói, mệt. Vắng vẻ, không bữa trưa, chỉ còn lương khô ăn cho đỡ xốn ruột.
“Tao cũng tới lúc nghỉ hưu rồi, mà người ta chậm chạp lắm. Tao nghĩ nhiều đến hướng đi mà cái Diêu nói sáng nay, khó khăn ngập mắt, nhưng thấy có nhiều tốt lành, Diêu à”.
Long chưa được nghe ý nghĩ hùn vốn mua đất rừng, mua trang trại của Diêu. Long nhìn Diêu như ngầm hỏi. Vẫn biết Diêu mạnh mẽ và kín đáo sau cái nét vẻ như không có gì.
Họ ăn tạm lương khô đợi xe, và Diêu nói chút kế hoạch mới cho Long nghe. Ba người bàn về nó, những hay ho, những khó khăn... ba người cùng có niềm tin hay một người như Diêu tin thôi, cũng đủ.
Nắng nôi, quạnh quẽ, xe khách từ xa mờ bụi. Long nhìn Diêu từ sau lưng, đúng là Diêu gầy hẳn, cổ và bờ vai mảnh, tóc dài quá gang tay (buộc bằng sợi dây có hai viên đá trắng nhỏ), áo đỏ như màu hoa chuối (đã sẫm đen hết cả lại trong bóng tối). Long biết Diêu giấu những bất ổn, vờ như không, làm việc và nhẹ nhõm như không có gì.
Xe chạy, người ngủ và thức, nghĩ miên man. Sắp cuối đường về, bất chợt thấy mảnh trăng non lặng lẽ, bất chợt ngọt ngào mơ hồ, lơ lửng... Xe khách chở bấy nhiêu con người đang im lặng. Có người dán mắt vào mảnh trăng non...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.