Trước đây, y phục phổ biến của phụ nữ Chăm là váy và áo dài. Riêng váy được chia thành hai loại: loại váy quấn bằng một tấm vải với hai mép vải không khâu dính lại, khi mặc cạp váy được xếp nếp và lận vào bên trong có tác dụng giữ eo hông. Loại thứ hai được khâu lại thành hình ống tròn. Vải thì họ tự dệt lấy hoặc mua ở các cơ sở dệt của người Chăm và tự thiết kế rồi may thành áo hay váy. Váy một màu gọi là Băn, nếu có hoa văn thì gọi là Băn Koh hoặc pha thêm một sợi kim tuyến khi dệt gọi là Băn Talay Mưh. Hiện nay, do ảnh hưởng của các loại trang phục Âu, Á, váy người Chăm có nhiều nét cách điệu khác với hai loại truyền thống. Điều nay dễ thấy ở y phục giới trẻ, còn người lớn tuổi hầu như không đổi.
Cũng thuộc loại áo dài, nhưng nét khác biệt của áo dài người Chăm so với người Kinh là không xẻ vạt, mặc chui qua đầu gọi là Ao LoaK. Loại màu áo người Chăm ưa thích nhất thường có màu tươi và sáng như màu chàm, xanh lục, hồng. Nhưng điều biểu hiện rõ nhất ở y phục phụ nữ Chăm xưa cũng như nay là hai loại áo dài truyền thống là Ao Tăh và Ao Doa Bong. Loại thứ nhất dành cho giới trẻ, chiều dài chiếc áo đến đầu gối hoặc quá một chút, cánh tay dài đến khủy tay, nhưng không bó sát. Cổ áo loại này thường hình tròn, khoét rộng để lộ các vòng dây trang sức bằng vàng hay bạc. Ngày nay có nhiều phụ nữ bắt chước theo kiểu cổ áo Trung Hoa. Loại thứ hai được dùng cho phụ nữ đã có chồng và lớn tuổi. Chiều dài phủ chùng gót chân, ôm sát thân người, khi mặc phủ trùm lên váy tạo cho dáng đi uyển chuyển và làm nổi bật nét đẹp thân hình. Ở hai bên hông có các đường mở ngay eo và có hàng khuy bấm hoặc nút dính để bó sát eo. Điểm đặc biệt ở loại váy này là cổ áo luôn thiết kế theo hình trái tim vì theo quan điểm của người Chăm, đó là tượng trưng cho lòng chung thủy. Hơn nữa trong những điều răng của người xưa: ”một vợ một chồng là yếu tố bình yên của gia đình, vấn đề ly dị, ngoại tình là một trọng tội bị xét xử nghiêm khắc theo luật tục Chăm”. Có điều lý thú, để phân biệt phụ nữ Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận, nếu tinh ý người ta chỉ nhìn vào cổ áo Doa Bong sẽ biết ngay vì cổ áo hình trái tim ở phụ nữ Chăm Bình Thuận hơi kéo dài hơn, còn ở phụ nữ Chăm Ninh Thuận thì ngắn và tròn trịa hơn. Ngay trong lễ cưới, cô dâu Chăm ra chào hai họ cũng trong trang phục áo Doa Bong và là lần đầu tiên được mặc loại áo này. Từ đây, cô ta bước vào cuộc sống của một gia đình với thiên chức là người vợ vừa là người mẹ và có trách nhiệm nặng hơn trong xã hội Chăm, mà yếu tố mẫu hệ vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Nhìn chung, tùy theo hoạt động của xã hội, mà phụ nữ Chăm có những loại y phục khác nhau. Trong sinh hoạt thường ngày, họ thường mặc áo Koh, trong các ngày lễ hội thì mặc áo Săh, còn áo dài dành riêng cho bà bóng khi hành lễ thì gọi là áo Chăm. Trong bối cảnh cuộc sống hiện nay, ngoài việc ăn mặc theo truyền thống ở phụ nữ Chăm - các loại áo dài và váy được cách điệu khá nhiều. Đặc biệt, trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày, phần lớn thường mặc áo sơ mi, áo thun theo kiểu âu phục với chiếc váy dài truyền thống có cách điệu cũng rất duyên dáng.
Thiện Nhân
Bình luận (0)