Đã có những nhà làm luật đề nghị đưa việc ấy vào văn bản, ví dụ như ở Đức có thời người ta cấm ly dị cho đến lần thứ 7, còn ở Mỹ, nếu ly dị quá nhanh sẽ bị phạt tiền y như lái xe quá tốc độ vậy.
Do đó, việc trang trí ở các tòa án chuyên xử ly dị được chú ý đặc biệt, và gây ra rất nhiều tranh cãi. Có nhà nghiên cứu nói trang trí ở đó phải toát lên tính răn đe, khiến những ai thích ly dị hoảng sợ. Có nhà nghiên cứu khác lại bảo rằng trang trí cần hướng về tương lai, cho những ai chia tay vợ hoặc chồng bước từ đó ra cảm thấy hạnh phúc xán lạn đang chờ.
Hậu quả là mỗi quốc gia khác nhau lại chọn lựa cách trang trí chả giống nhau. Sau đây, chúng tôi xin tóm lược một vài mẫu điển hình để các bạn tham khảo.
Việt Nam: Tòa án ly dị ở Việt Nam “đì-zai” theo phong cách đơn giản, không quá nặng nề nhưng có ý nghĩa sâu lắng và mang tính gợi mở. Người Việt Nam yêu văn hóa, họ coi cuộc đời như một bộ phim và chưa hết phim thì chưa biết được.
Chính vì lẽ đó, phòng xử án ly dị nào cũng có hai tấm áp-phích. Chỗ quan tòa ngồi có tác phẩm “Để mai tính”, còn phía sau bị cáo có tấm biển “Khi yêu đừng quay đầu lại”.
Nhật Bản: Dân Nhật Bản thích ăn cá sống. Họ coi hôn nhân cũng là một bữa ăn và ly dị coi như ăn phải cá ươn.
Vì thế, ở tòa có vẽ cảnh một con cá nhỏ bị con cá lớn đớp rồi con cá lớn này bị con cá lớn hơn xơi, cứ như vậy cho đến cuối cùng là con cá voi cũng đang bị tàu chiến săn đuổi. Ý nghĩa của bức tranh này nhằm nhắc nhở rằng trong ly dị kẻ chiến thắng rồi cũng là nạn nhân.
Thái Lan: Dân Thái Lan thích biểu tình. Mọi thái độ đều bày tỏ ngoài đường chứ không phải trong phòng. Do đấy tòa án chả có gì cả, nhưng bước ra ngoài, vợ chồng mới chia tay sẽ gặp ngay hai phe. Phe áo tím giơ cao biển mang dòng chữ “Yêu là đau khổ. Chia tay tình yêu còn đau khổ gấp đôi”. Còn phía bên kia đường, phe áo xanh mang biểu ngữ “Thà ly dị vinh quang còn hơn sống chung âm thầm”.
Thụy Sĩ: Cả thế giới đều biết Thụy Sĩ nổi tiếng về chế tạo đồng hồ. Nhưng có mấy ai hiểu rằng quốc gia này có loại đồng hồ tình cảm, nghĩa là khi hai người lấy nhau, đeo đồng hồ ấy vào nó sẽ cho họ biết thời gian. Cụ thể là đồng hồ đó có bốn kim. Một kim chỉ năm tháng kết hôn, một kim chỉ năm tháng cãi nhau, một kim chỉ năm tháng không cãi nhau nhưng chả nói với nhau câu nào. Kim thứ tư chỉ số giờ phút còn lại cho tới lúc chia tay.
Do vậy khi không cho phép ly hôn, các quan tòa treo lên một cái kim bị gãy. Còn nếu cho phép, họ treo một cái đồng hồ mới lên tường.
Bungari: Quốc gia này là xứ sở của hoa hồng. Thu nhập quốc dân chủ yếu là trồng hoa để bán, do vậy chả ai ngạc nhiên khi mọi thứ đều quy ra hoa. Trong tòa án ở Bungari, ở phòng chờ người ta treo một bông hoa to, còn ở phòng xử án người ta treo một cái gai to.
Hy Lạp: Đây là xứ sở thần thoại. Chỉ nhìn vào thần là biết được tất cả. Lúc tuyên án, nếu đồng ý cho ly dị, tòa giơ cao thần công lý nhưng bị bịt mắt. Nếu không, tòa giơ cao tượng thần chiến tranh. Nếu cần thêm thời gian suy nghĩ, tòa sẽ giơ tượng thần săn bắn.
Lê Hoàng
Bình luận (0)