Tranh cãi chuyện không được xưng hô 'mày - tao'

29/03/2023 14:33 GMT+7

Dân mạng, đặc biệt là những người trẻ mê rap đã và đang tranh luận câu chuyện được xem là "hot" nhất liên quan về rap hiện nay. Đó là không được xưng hô "mày - tao" khi tham gia chương trình Rap Việt.

Theo đó, trước khi khởi động chương trình Rap Việt mùa 3, ban tổ chức lưu ý với các thí sinh tham gia khi viết lời rap, cần phải sử dụng từ ngữ văn minh, không dung tục, không 18+, không xưng hô "mày - tao".

Ngay sau khi lưu ý này được chuyển tải, dân mạng, cả những người trẻ mê rap lẫn giới rapper đã có những ý kiến trái chiều.

"Xưng hô mày tao thì có làm sao?"

Theo Trần Nhật Ánh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ở nhiều nơi trên cả nước, cách xưng hô "mày - tao" không hẳn mang chiều hướng tiêu cực, thậm chí đó là cách giao tiếp thân tình của những người thân thiết.

"Thế nên, xưng hô mày tao thì có làm sao? Quan trọng là cách xưng hô ấy xuất hiện trong ngữ cảnh như thế nào. Không nên quá khắt khe về cách xưng hô như vậy", Ánh nói.

Những người trẻ mê rap cũng cho biết trong số không ít các ca khúc rap đã từng làm "chao đảo" dân mạng vẫn xuất hiện "mày - tao". Việc không cho người chơi rap sử dụng "mày - tao" là quá cứng nhắc.

"Khi nội dung ca khúc rap nói về tình bạn chẳng hạn. Xưng hô "mày - tao" tạo nên sự gần gũi. Nếu bây giờ không cho dùng "mày - tao" nữa thì phải xưng hô thế nào? Rất khó để dùng "bạn - tớ" hay "cậu - tớ" bởi khó ăn nhập với giai điệu rap", Đặng Hoàng Minh An, học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM chia sẻ.

Diễn viên Vũ Phạm Đình Thái, còn có nghệ danh trong làng rap là Blackbi, cũng cho rằng hơi khó hiểu về chuyện không cho sử dụng "mày - tao" trong rap.

Blackbi nói: "Ngôn từ trong nhạc rap vô cùng phóng khoáng và không bị gò bó trong một giới hạn nào nên những câu chửi thề xuất hiện trong nhạc rap là chuyện rất bình thường. Bởi những nét đặc trưng trong phong cách của từng rapper, nên đó cũng là cơ sở để họ so bì trình độ rap với nhau, cũng như họ dùng rap để giải quyết những mâu thuẫn với nhau".

Cũng có những ý kiến cho rằng rap vốn dĩ là dòng nhạc đề cao sự "nổi loạn", tôn lên cái tôi của mỗi cá nhân, nên khi không được sử dụng "mày - tao" trong rap sẽ khiến những bản rap mất hay, thiếu cái "chất" rap.

"Rap mà không có "mày - tao" thì không phải là rap nữa. Mình định đi casting tham gia Rap Việt mùa 3, nhưng thấy thông báo như thế (không được sử dụng "mày - tao" trong ca từ thì rất nản và quyết định không đăng ký tham gia", Lê Định Nhân, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, kể.

Tranh cãi chuyện không được xưng hô 'mày - tao' - Ảnh 1.

Tranh cãi chuyện không được sử dụng 'mày - tao' trong ca từ bài rap

CHỤP MÀN HÌNH

Đừng trách móc, cần tuân thủ quy tắc luật chơi

Rapper Ricky Star (tên thật Trần Tiến), người từng nhận được tới 5 chiếc nón vàng trong Rap Việt mùa 1, cũng là thí sinh của đội Karik lọt vào chung kết của chương trình này năm đầu tiên, cho rằng: "Trò chơi nào cũng có luật chơi của nó. Thay vì trách móc thì các thí sinh cần nghĩ kỹ lại. Luật này (không được sử dụng "mày - tao" trong ca từ) đặt ra là để coi sau khi bỏ đi mấy cái tục tĩu vớ vẩn và “mày - tao” ra, thì thí sinh sẽ có được kỹ năng gì khác trong rap".

Theo rapper Gonzo (tên thật Nguyễn Trần Thái Nam), thí sinh của đội Binz, cũng là người từng lọt vào chung kết Rap Việt mùa 1: "Rap là ngôn ngữ của sự tự do, nhưng mà cũng phải tùy thuộc vào ngữ cảnh. Cụ thể trường hợp chương trình Rap Việt mùa 3, đặt trong ngữ cảnh đây thực chất là một chương trình truyền hình, đối tượng người xem là khán giả đại chúng, thì mình nghĩ yêu cầu này cũng không có gì quá lạ lùng và khắt khe. Vì với những thí sinh chấp nhận tham gia thử thách thì người nghe nhạc của họ giờ đây không chỉ là cộng đồng underground (một sân chơi với đặc thù đề cao cái tôi cá nhân) mà sẽ mở rộng hơn tới nhiều đối tượng người nghe mới (những người nghe nhạc để giải trí nhẹ nhàng). Và lựa chọn thế nào nằm ở mỗi thí sinh tham gia. Tuy nhiên mình muốn nhấn mạnh những điều kiện như trên là một phần tất yếu của cuộc chơi. Thí sinh không thể đòi hỏi việc nhận lợi ích truyền thông và đầu tư sản xuất của chương trình, sự chú ý và tương tác của khán giả đại chúng... mà từ chối tuân thủ những yêu cầu cơ bản mà họ đặt ra, dù có thể các thí sinh cho rằng những điều này là vô lý".

Cũng theo Gonzo: "Nhìn nhận một cách tích cực thì hãy coi đó (không được sử dụng "mày - tao" trong ca từ) như một thử thách cho khả năng sáng tạo, sáng tác của người chơi rap, giúp họ nâng tầm bản thân lên, giúp âm nhạc của họ đi xa hơn".

Còn rapper TBoss (tên thật Đào Thiện Tâm) thì cho rằng: "Có hai cách nhìn nhận về việc không sử dụng "mày - tao" trong rap. Nếu là trong âm nhạc thì phù hợp ngữ cảnh là có thể sử dụng được vì chuyện này quá đỗi bình thường. Nhưng nếu là trong chương trình thì phải theo luật chơi của ban tổ chức".

Ngoài ra, nhiều rapper tên tuổi cũng có quan điểm "nhập gia tùy tục", nghĩa là khi tham gia vào chương trình truyền hình cần phải thực hiện đúng nội quy đề ra. Và để có thể trở thành rapper nổi tiếng, cần phải biết kiểm soát ngôn từ, nói không với việc dùng "mày - tao" trong ca từ bài rap.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.