Thanh Niên đã phỏng vấn ông Martin Rama và ông Richard Spencer-chuyên gia năng lượng cao cấp của WB để làm rõ hơn vấn đề này...
* Thưa ông, theo EVN thì từ trước đến nay, phía các nhà tài trợ như WB, ADB hay IMF... thường yêu cầu phía Việt Nam phải tăng giá điện thì các tổ chức này mới có thể cho EVN vay vốn ODA phát triển các nguồn điện lớn. Nhưng ngược lại, ở thư này, ông lại khuyến nghị việc thành lập EPTC có thể làm tăng giá điện ?
Ông Martin Rama (phải) và ông Richard Spencer trả lời phỏng vấn của Thanh Niên - Ảnh: M.Q
- Ông Martin Rama: EVN có đề cập đến mô hình công ty mua bán điện đơn lẻ và độc lập, hoàn toàn phù hợp với lộ trình tạo ra thị trường điện cạnh tranh trong tương lai. Điều này thì WB, ADB cũng nhất trí với Chính phủ Việt Nam về việc tạo ra một lộ trình như vậy và có một cơ quan mua bán điện như vậy. Ở đâu cũng vậy, giá bán phải phản ánh chi phí sản xuất cộng một phần lợi nhuận, nhưng ở Việt Nam hiện nay giá bán mới vừa đủ trang trải chi phí sản xuất mà thôi, nên các nhà tài trợ cũng có lý do để yêu cầu giá bán phải cao hơn một chút để các nhà sản xuất có một phần tiền dành để tái đầu tư cho hệ thống điện.
Chúng tôi phản đối mô hình EPTC do EVN đề xuất vì cho rằng công ty này nên là người đại diện cho Chính phủ, cho Nhà nước để làm trung gian giữa người mua và người bán điện. Tuy nhiên, mô hình mà EVN đề xuất là cổ phần có cổ đông là những nhà sản xuất điện, điều này sẽ tạo ra động cơ để công ty này tăng mức lợi nhuận lên. Muốn như vậy thì hoặc phải giảm chi phí ở phía đầu vào, tức là có giá mua điện đầu vào rẻ đi, hoặc là tăng giá bán điện đầu ra cho người tiêu dùng. WB muốn mô hình công ty mua bán điện là để giảm chi phí cho người tiêu dùng, nhưng điều đó không có nghĩa là giá điện phải giảm mà là chi phí đến người tiêu dùng phải là thấp nhất.
* EVN nói rằng mô hình EPTC cũng đã được nghiên cứu qua tham khảo kinh nghiệm 120 quốc gia đã có thị trường điện và điều kiện thực tế của Việt Nam…
- Ông Martin Rama: Mô hình EPTC như đề xuất của EVN chưa được áp dụng ở nơi nào trên thế giới cả, nhưng điều đó không có nghĩa là nó xấu hay tốt, mà vì chúng tôi chưa biết được nó sẽ như thế nào vì chưa có thực tế.
Mô hình công ty cổ phần mua bán điện duy nhất do EVN đề xuất, theo WB, có thể gây ra tình trạng độc quyền dẫn đến giá bán điện tăng, khó kiểm soát... - Ảnh: T.Hùng |
Tôi muốn nhấn mạnh là mô hình này khác với những gì mà WB tưởng tượng ra. Giá cao sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư vào đây, nhưng với mô hình này thì không. Bởi vì giá cao phản ánh độc quyền chứ không phải là giá trị thực tế. Các nhà đầu tư mới vào thấy người bán chính là đại diện của nhà sản xuất chứ không phải là trung gian ở giữa người bán và người mua, họ không biết vị trí của mình là ở chỗ nào nên không dám vào. Việc thực hiện như thế này không tạo ra động lực cho các công ty khác tham gia thị trường. Vì EPTC là công ty mua nhưng lại đại diện cho người bán: một kiểu thị trường giả - vẫn là một người nhưng lại được tách ra làm hai. Vì thế sẽ tạo sức ép lên người tiêu dùng cuối cùng hoặc những người bán khác. Công ty này sẽ quản lý được tải trọng vào giờ cao điểm và có thể từ chối bán cho một nhóm khách hàng nào đó. Cách tổ chức thị trường như vậy là không thích hợp.
* WB có đưa ra một kinh nghiệm nào trong việc thành lập một công ty mua bán điện phù hợp với thực tế của Việt Nam không ?
- Ông Richard Spencer: Theo mô hình này thì chủ sở hữu vẫn chính là EVN, dù EVN nói là cổ phần hóa, chỗ kia bán cho tư nhân rồi nhưng những phần đó rất nhỏ, chỉ 10-20% thôi. Và như vậy trên thực tế EVN vẫn là chủ hệ thống. Còn theo mô hình của WB khuyến cáo thì nên tách các bộ phận của EVN ra và gộp một vài công ty nhỏ với nhau, các công ty này có những đối tác chiến lược và khách hàng nên sẽ cạnh tranh với nhau. Tốt nhất là công ty này phải là của Nhà nước, không bị chi phối bởi những công ty sản xuất điện. Các công ty sản xuất điện không được có cổ phần trong những công ty này, như vậy xung đột lợi ích mới không xảy ra và thế mới tốt nhất cho nền kinh tế.
Chúng tôi cho rằng việc thành lập công ty như thế này không phải là một quyết định khôn ngoan, đúng đắn. Còn họ cứ làm như vậy thì chúng tôi cũng không đưa thêm những lời khuyên khác nữa bởi những lời khuyên của chúng tôi đã không được lắng nghe.
* Tuy nhiên, EVN có nói sau này, khi có đủ điều kiện họ có thể thành lập ra vài công ty mua bán điện kiểu này, ông thấy sao?
- Ông Richard Spencer: Câu hỏi đó rất hay và nên đặt lại cho EVN xem làm sao mà những công ty cùng trong EVN có thể cạnh tranh với nhau được.
Ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN): "Những lo ngại của WB sẽ không xảy ra..."
"Những lo ngại của WB về tình trạng giá điện sẽ tăng bất hợp lý sau khi EPTC được thành lập theo tôi sẽ không xảy ra vì hiện nay và trong các năm tới, giá điện vẫn do Nhà nước kiểm soát: Bộ Công nghiệp đề xuất, các bộ, ngành khác thẩm định, trình Chính phủ, Chính phủ lấy ý kiến thẩm định của các bộ, ngành rồi mới quyết định áp dụng. Công ty này không có vai trò gì trong việc quyết định giá điện. Tuy nhiên, công ty vẫn có lợi nhuận khoảng 5-10%/năm, tương đương với khoảng 50-100 tỉ đồng/năm trên cơ sở phân bố lại lợi nhuận giữa các công ty phát điện. Ngoài ra, các quyết định về giá nếu EPTC có đưa ra cũng phải chịu sự kiểm soát của Ban kiểm soát của công ty này gồm có đại diện của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, Cục Điều tiết điện lực (thuộc Bộ Công nghiệp), đại diện Hiệp hội người tiêu dùng... Tôi nghĩ là cũng không có "những xung đột lớn về lợi ích" như WB khuyến cáo do các cổ đông là các nhà sản xuất trong EPTC cũng đồng thời là các hộ tiêu dùng lớn về điện như Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Thép, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam. Khi đàm phán về giá mua điện tại nhà sản xuất nào có cổ phần trong EPTC, theo nguyên tắc thành lập công ty, thì cổ đông đó phải đứng ra một bên không được tham gia vào quá trình đàm phán. EPTC sẽ mua điện theo nguyên tắc từ giá chào thấp đến giá chào cao. Nếu nhà sản xuất nào chào giá quá cao sẽ phải chờ hoặc tạm thời đóng cửa nếu như EPTC đã mua đủ điện. Chúng tôi cũng không cho rằng việc thành lập EPTC sẽ làm tăng chi phí như WB khuyến cáo vì khi thành lập EPTC thì toàn bộ chi phí về mua, bán điện do EVN thực hiện từ trước đến nay sẽ chuyển hết sang công ty này. Còn việc thành lập một công ty do một cơ quan nhà nước quản lý theo mô hình mà WB đề xuất bao gồm cả các hoạt động: mua bán điện, truyền tải, phân phối là không thể thực hiện được vì quy mô quá lớn. Để thực hiện toàn bộ các khâu này, mỗi năm, theo tính toán của chúng tôi cần phải có 4.000-5.000 tỉ đồng đầu tư, một lượng vốn mà không cơ quan Nhà nước nào thực hiện được. Do đó, việc thành lập một công ty mua bán điện với quy mô hoạt động như chúng tôi đề nghị là phù hợp với tình hình hiện nay. Còn việc WB lo ngại chủ sở hữu đơn vị mua buôn duy nhất có thể thông đồng trong việc đấu thầu cung cấp nguồn điện mới thì theo tôi cũng không có cơ sở vì công ty ra đời phải tôn trọng pháp luật Việt Nam. Các doanh nghiệp góp vốn cổ phần cũng là các doanh nghiệp Nhà nước và phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước. |
Mạnh Quân (thực hiện)
Bình luận (0)