Tranh cãi pháp lý về luật di trú của Arizona

03/05/2010 23:02 GMT+7

Bên cạnh những lời kêu gọi tẩy chay, bang Arizona đang đối mặt với những câu hỏi liệu luật di trú mới có vi hiến hay không.

Phát biểu trong cuộc nói chuyện trên đài NBC vào hôm 2.5, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đánh đồng luật di trú mới của tiểu bang Arizona với tình trạng phân loại sắc tộc. Theo bà, ngoại hình là yếu tố duy nhất để một viên cảnh sát quyết định kiểm tra xem một người nào đó có phải là dân nhập cư bất hợp pháp hay không. Nữ ngoại trưởng nói thêm mặc dù có những lo ngại về việc bảo vệ các khu vực gần biên giới khỏi tình trạng nhập cư lậu, chính quyền bang Arizona không được "tiếm quyền" của liên bang về các quy định luật di trú.

Arizona Republic, tờ báo lớn nhất Arizona, đã đưa thẳng bài xã luận chỉ trích các chính khách bang lên trang nhất. Bài xã luận, chiếm trọn trang bìa của tờ báo, cho rằng các nhân vật như thượng nghị sĩ John McCain, hạ nghị sĩ John Kyl và một số nhân vật khác đã không tìm ra giải pháp hợp lý cho tình trạng di dân bất hợp pháp để rồi dẫn tới một đạo luật gây tranh cãi. Tờ báo kêu gọi các cải cách như: trao quyền công dân cho dân nhập cư bất hợp pháp đang cư trú tại bang, đảm bảo an ninh biên giới và phạt nặng những người thuê nhân công bất hợp pháp.

Có vi hiến?

Cách đây 15 năm, tiểu bang California đã vấp phải phán quyết bác bỏ của một thẩm phán liên bang khi muốn ban hành luật về dân nhập cư bất hợp pháp. "Tiểu bang không có quyền áp đặt chương trình riêng để điều chỉnh luật di trú liên bang", tờ San Francisco Chronicle dẫn lời thẩm phán Mariana Pfaelzer trong phiên tòa bác bỏ dự luật 187 của California vào năm 1995. Bà Pfaelzer cho rằng dù cử tri California rất thất vọng khi luật di trú liên bang không hiệu quả nhưng tiểu bang đã lạm quyền khi áp đặt luật di trú riêng. Sau đó, các thẩm phán liên bang tại Pennsylvania và Texas cũng ra quyết định tương tự nhằm bác bỏ dự luật ngăn cản dân nhập cư bất hợp pháp thuê nhà.

Luật di trú lần này của Arizona áp đặt các biện pháp phạt hình sự đối với những người phạm luật, như bắt giam và phạt tiền, chứ không phải dựa vào đó để làm cơ sở trục xuất họ như quy định của luật liên bang. San Francisco Chronicle dẫn lời giáo sư luật Vikram Amar của Đại học California cho hay, sở dĩ chính quyền liên bang nắm toàn quyền về vấn đề nhập cư vì đây là chính sách quốc gia và có ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao. Liên quan đến ngoại giao, Mexico đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ luật di trú mới của Arizona. Theo ông Amar, tất nhiên Arizona sẽ phản ứng lại theo kiểu "những người này có mặt bất hợp pháp tại đây, chiếm công việc của người dân địa phương, lấy mất các dịch vụ của chúng tôi, và phải chịu xử lý theo luật của bang".

Phản ứng của người gốc Việt

Cũng giống như những cộng đồng nhập cư khác, người Việt tại Mỹ rất quan tâm đến luật di trú của bang Arizona, nhất là khi nó gây nên làn sóng biểu tình trên toàn quốc. Anh Triet Le, 30 tuổi, một kỹ sư máy tính tại Seattle, tiểu bang Washington, cho hay anh không đồng ý về luật nói trên. Theo anh, luật này chỉ khoét sâu mối nghi ngờ giữa giới công lực và người dân địa phương, gây ra môi trường bất an cho xã hội mà lại chẳng giải quyết được triệt để nạn nhập cư lậu.

Cô Yến Thy, du học sinh tại thành phố Pasadena - tiểu bang California, thì nói chẳng thấy có vấn đề gì ở luật nhập cư mới, miễn sao người xét hỏi có thái độ vui vẻ, đàng hoàng. Tuy nhiên, cô cũng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của luật di trú mới của bang Arizona. Dù đồng ý chấp hành, nhưng Yến Thy cho rằng nó chẳng có tác dụng bao nhiêu, trong khi chính quyền phải tốn thêm nhân lực và vật lực để thi hành luật.

Khang Nguyen, một du học sinh ngành Quản trị kinh doanh tại hạt Riverside, tiểu bang California, cho rằng luật này thực sự gây tác động mạnh đến tinh thần của dân nhập cư lậu và có thể phát huy hiệu quả trong việc hạn chế dòng người tràn qua biên giới.

Luật mới đã gây ra những vấn đề ngoại giao vô cùng nhạy cảm cho chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng thống Mexico Felipe Calderon. Cả hai bên đang cùng hợp tác tìm ra biện pháp chống nạn buôn lậu ma túy dọc theo biên giới. Trong chuyến thăm Đức vào hôm 2.5, ông Calderon gọi luật di trú mới của Arizona là phân biệt chủng tộc và là mối đe dọa đối với người dân nhập cư cũng như toàn bộ cộng đồng gốc Mỹ La-tinh tại Mỹ, theo hãng tin AP.

Vừa cần vừa chống

Anh Ngô Ngọc, một người Mỹ gốc Việt sinh sống gần 30 năm tại thành phố San Diego, Nam California, nhận xét:

"Bất cứ ai đi qua xa lộ xuyên bang vùng tây nam nước Mỹ thỉnh thoảng đều thấy những "trạm kiểm soát", nhất là ở giáp ranh các tiểu bang. Trên xa lộ I-5 của Nam Cali cũng có những lần kiểm tra đột xuất để kiểm soát những người bị tình nghi nhập cư lậu từ Mexico vào California. Tình trạng này xem ra rất bình thường. Nhưng nay, việc tiểu bang Arizona ra luật mới, quy định quyền hạn lớn cho cảnh sát được quyền hỏi giấy tờ của dân chúng, là một sự kiện lớn.

 
 Dân nhập cư làm nông tại Mỹ - Ảnh: USDA

Thật ra, không chỉ người Mỹ bản địa, mà ngay cả người Mỹ gốc Việt chúng ta cũng rất mâu thuẫn trong ý kiến về người nhập cư lậu, đặc biệt là người Mexico. Một mặt, xã hội Mỹ cần thêm nhiều lao động phổ thông, nhất là những lúc vào vụ mùa, nhưng mặt khác, chính những di dân lậu lại làm tăng chi ngân sách của tiểu bang. Chẳng hạn, một lao động nữ nhập cư lậu vào Cali, chỉ cần cô ta sinh ra một đứa con, thì đứa bé đương nhiên có quốc tịch Mỹ. Hiến pháp Mỹ quy định bất cứ ai sinh ra trên lãnh thổ nước này thì đương nhiên có quốc tịch Mỹ. Cháu bé có thể hưởng quy chế của công dân Mỹ, tức được chăm sóc y tế, được học hành…, tức tiểu bang phải chi thêm ngân sách. Đó là ý kiến về việc chống người nhập cư lậu.

Nhưng nhìn kỹ lại, đối với những nông trang bao la của người Mỹ, lấy đâu ra nhân công trong những vụ mùa? Tại Nam Cali có rất nhiều người gốc Hispanic (tức người Mỹ La-tinh nói chung), nhất là người Mexico. Trong các siêu thị hay chợ búa, phố xá của người gốc Việt, thường các chủ nhân cũng hay thuê người Mexico làm công việc tạp dịch, như quét dọn, lau chùi, hay dọn dẹp nhà vệ sinh. Các thầu xây dựng gốc Việt cũng thường mướn người Mexico làm công nhân vì họ chịu nhận lương thấp mà lại có nhiều sức lực. Với những ông chủ này thì họ thiên về việc mở rộng luật nhập cư.

Tại Mỹ, nhập cư là vấn đề rất tế nhị, tranh cãi hoài mà chưa ngã ngũ. Thường thì các chính khách hay tranh luận vấn đề này vào mùa bầu cử. Nước Mỹ sắp đến cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới đây, nên việc phản đối luật di trú mới của tiểu bang Arizona được dấy động khắp nơi, và các vị dân cử cũng nhân cơ hội này để tranh thủ số phiếu quan trọng của những người gốc Hispanic.

Tuyết Linh (ghi)

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.