Tranh cãi quanh việc chọn Chủ tịch VFF

07/05/2013 04:37 GMT+7

Đúng như nhận định của Chủ tịch VFF khóa 6 Nguyễn Trọng Hỷ rằng “ai phù hợp làm chủ tịch khóa 7 đang gây tranh cãi trong xã hội”, các CLB cũng không đồng nhất trong việc lựa chọn người lãnh đạo cao nhất VFF trong 5 năm tới.

Đúng như nhận định của Chủ tịch VFF khóa 6 Nguyễn Trọng Hỷ rằng “ai phù hợp làm chủ tịch khóa 7 đang gây tranh cãi trong xã hội”, các CLB cũng không đồng nhất trong việc lựa chọn người lãnh đạo cao nhất VFF trong 5 năm tới.

“Nếu chọn doanh nhân sẽ mạo hiểm”

Ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn xi măng The Vissai Ninh Bình, không hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức cho rằng “nên bầu Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng”. Ông Trường nói: “Không nên quá câu nệ Chủ tịch VFF phải là người đang giữ vị trí quản lý của cơ quan nhà nước, hoặc phải là doanh nhân. Miễn sao vị chủ tịch đó phải có tâm, có tài, để làm thay đổi bộ mặt bóng đá VN. Tuy bóng đá VN đang xã hội hóa mạnh mẽ nhưng mọi hoạt động vẫn phải trong khuôn khổ của pháp luật, dưới sự định hướng của nhà nước. Tôi cho rằng, ông Dũng có kinh nghiệm, tâm huyết nhưng để dẫn dắt một tổ chức xã hội được cả xã hội đặc biệt quan tâm như VFF phải là một người có tầm cỡ, có một đầu óc chiến lược và cá tính quyết liệt. Nếu phải bỏ phiếu cho một người duy nhất xứng đáng, theo tôi, nên lấy người đang có vai vế trong bộ máy quản lý nhà nước”.

Ông Nguyễn Hồng Thanh mong muốn Chủ tịch VFF phải là chính khách hoặc doanh nhân thành đạt - Ảnh: Ngô Nguyễn
Ông Nguyễn Hồng Thanh mong muốn Chủ tịch VFF phải là chính khách
hoặc doanh nhân thành đạt - Ảnh: Ngô Nguyễn
 

Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ nhận định bóng đá VN nên được dẫn dắt bởi một cán bộ quản lý từ Bộ VH- TT-DL vì: “Sẽ rất mạo hiểm nếu giao VFF cho một doanh nhân vì dễ sinh lợi ích cục bộ. Hiện tại, bóng đá VN vẫn chưa thể thoát ly sự quản lý từ nhà nước. Tốt nhất, Bộ nên cử người sang VFF và dư luận cũng như một số CLB khác không nên vội vàng kết luận, người chưa làm bóng đá bao giờ sẽ không thể làm được bóng đá. Nếu vị đó không quan liêu, có năng lực thật sự về trình độ quản lý, chịu khó nghe ngóng tâm tư nguyện vọng của các CLB, thì sẽ thu phục được những người giỏi về các lĩnh vực (bao gồm cả việc kiếm tiền hay chuyên môn) làm trợ lý cho mình. Tôi tin rằng, VFF sẽ tìm được minh chủ phù hợp, với điều kiện bắt buộc, đó không thể là doanh nhân”.

Nguy hiểm nếu giao VFF cho người không tự nguyện

“Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Khánh Hải nếu không mặn mà với chức Chủ tịch VFF, thì có ép sang làm, cũng khó đưa bóng đá VN phát triển mạnh được”, đây lại là quan điểm của ông Nguyễn Hồng Thanh, ủy viên BCH VFF khóa 6 - Tổng giám đốc Công ty cổ phần thể thao Sông Lam Nghệ An.

Ông Thanh khẳng định: “Tôi luôn mong muốn Chủ tịch VFF là một chính khách có tâm huyết với bóng đá, hoặc là một doanh nhân thành đạt. Nhưng xâu chuỗi lại tình hình thời gian qua, tôi thấy khá nguy hiểm nếu cứ giao VFF cho một người không thực sự thích bóng đá. Ngồi trên chiếc ghế chủ tịch là ngồi trên lửa, nếu không chịu được áp lực, không xung phong, không tự nguyện “ngồi”, không đủ can đảm, ngồi một cách gượng ép thì sao có thể đề ra chiến lược giúp bóng đá VN làm cuộc cách mạng? Không nên để một người miễn cưỡng nhận nhiệm vụ. Chủ tịch VFF phải hoàn toàn tự nguyện, toàn tâm toàn ý cho bóng đá. Khóa mới phải tốt hơn khóa cũ. Và muốn thế cần một người ngoài năng lực còn phải có lòng dũng cảm”.

Lan Phương

>> Chức Chủ tịch VFF vẫn còn rất nóng
>> “Không nhất thiết Chủ tịch VFF phải là lãnh đạo Bộ”
>> Đã giới thiệu các chức danh chủ chốt VFF khóa 7
>> Chủ tịch VFF - Người & ghế: Một bàn tay & Một bầu trời
>> Chủ tịch VFF - Người & ghế: Tiêu chí kiếm tiền!
>> Chủ tịch VFF - Người & ghế: Cởi trói cho “vua”
>> Ông Lê Hùng Dũng được nhiều CLB giới thiệu vào chức chủ tịch VFF
>> VFF xúc tiến tổ chức AFF Cup 2014

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.