Tranh cãi về chất độc da cam ở Okinawa

28/12/2014 09:00 GMT+7

Quân đội Mỹ bị cáo buộc bí mật tàng trữ chất độc da cam ở tỉnh Okinawa (Nhật Bản) thời chiến tranh VN.

Quân đội Mỹ bị cáo buộc bí mật tàng trữ chất độc da cam ở tỉnh Okinawa (Nhật Bản) thời chiến tranh VN.
Các nhân viên khai quật thùng hóa chất độc hại do quân đội Mỹ chôn ở Okinawa
Các nhân viên khai quật thùng hóa chất độc hại do quân đội Mỹ chôn ở Okinawa - Ảnh: Báo The Japan Times
Cách đây gần 4 tháng, các công nhân Nhật bắt đầu khai quật thêm 66 địa điểm tại một sân bóng nằm gần căn cứ không quân Kadena của Mỹ ở TP.Okinawa, nơi nhiều thùng hóa chất chứa thành phần của chất độc da cam (AO) được tìm thấy năm ngoái. Tờ Stars and Stripes (Mỹ) dẫn thông báo từ Cục Phòng vệ Okinawa (ODB) nói rằng kết quả khai quật sẽ được công bố vào cuối tháng 3.2015. Cuộc khai quật lần này được tiến hành sau khi Tokyo công bố báo cáo cho thấy 61 thùng hóa chất được khai quật trong sân bóng nói trên vào tháng 2 chứa những thành phần có trong chất AO.
Đó là chất diệt cỏ 2,4,5-T; 2,4-D và dioxin TCDD có tính độc hại cao. Ngoài ra, khoảng phân nửa trong số 61 thùng mang nhãn hiệu của Dow Chemical, một trong những công ty sản xuất AO lớn nhất cho quân đội Mỹ. Nhà sinh học môi trường Canada Wayne Dwernychuk, người từng nghiên cứu tác động AO ở VN, nhận định sự hiện diện của 3 chất trên “rõ ràng cho thấy vài khu vực trong môi trường được kiểm tra bị nhiễm AO” và nhãn hiệu Dow Chemical trên các thùng được khai quật góp phần củng cố kết luận “vài thành phần trong đó là AO”, theo tờ The Japan Times.
Phản ứng bất nhất
Mặc dù các kết quả xét nghiệm đã phát hiện thành phần của AO, nhưng ODB không tuyên bố những thùng hóa chất được khai quật chứa loại chất độc hại này. Trong báo được công bố ngày 7.7.2014, ODB khẳng định những thùng đó không được ghi nhãn là AO và chất 2,4,5-T được dùng rộng rãi như chất diệt cỏ tại Nhật trong thời chiến tranh VN. Cách đó hơn một năm, Washington cũng đã bác bỏ báo cáo năm 2003 của Cơ quan vật liệu hóa chất lục quân Mỹ rằng nhiều thùng AO từng được cất giữ ở Okinawa.
Theo báo cáo của Cơ quan vật liệu hóa chất lục quân Mỹ, 25.000 thùng chứa tổng cộng 5,2 triệu lít AO đã được chuyển từ Okinawa đến đảo Johnston vào năm 1972. Johnston là lãnh thổ của Mỹ ở bắc Thái Bình Dương, được lục quân nước này dùng để tồn trữ và xả bỏ vũ khí hóa học. Báo cáo khẳng định số hóa chất đó được mang đến Okinawa từ VN.
Sự mô tả trong tài liệu trên khớp với lời khai của ông Yukio Toyama, người cư ngụ ở Okinawa và từng được các lực lượng Mỹ thuê làm công việc vứt bỏ những hóa chất độc hại trên đảo Johnston trong giai đoạn 1970 - 1975. “Vào năm 1972, tôi thấy khoảng 1.000 thùng chất diệt cỏ được chuyển từ Okinawa đến Johnston”, ôngToyama kể lại trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Asahi Shimbun.
Dẫu vậy, trong báo cáo về kết quả điều tra liên quan đến các chất làm rụng lá ở Okinawa được công bố hồi tháng 3.2013, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn khẳng định nội dung báo cáo của Cơ quan vật liệu hóa chất lục quân Mỹ “không đúng”, lập luận rằng AO và nhiều chất diệt cỏ khác được chuyển trực tiếp từ VN đến Johnston và kết luận không có hồ sơ chứng minh loại hóa chất độc hại đó từng được đưa đến Okinawa.
Tuy nhiên, khoảng 7 tháng sau khi Lầu Năm Góc công bố báo cáo trên, Bộ Cựu chiến binh Mỹ đồng ý bồi thường cho một cựu quân nhân nước này bị ung thư tuyến tiền liệt sau khi thẩm phán kết luận rằng ông ta bị ung thư do vận chuyển và sử dụng AO trên đảo Okinawa trong những năm 1967-1968, theo The Japan Times. Cựu quân nhân nói ông từng tiếp xúc với AO khi lái xe vận chuyển nhiều thùng hóa chất này đến các cảng quân sự Mỹ ở Okinawa. Những thùng hóa chất được xác định chứa chất độc da cam mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh VN do chúng có vài sọc sơn màu cam trên thùng.
Dù đã bị bác đơn xin bồi thường nhiều lần kể từ năm 2004, cựu quân nhân nói trên vẫn không nản lòng và rốt cuộc đã thành công. Lý giải về phán quyết của mình, thẩm phán Mary Ellen Larkin nhấn mạnh rằng mặc dù Bộ Cựu chiến binh và Lầu Năm Góc phủ nhận sự hiện diện của AO ở Okinawa hồi năm 1967-1968, nhưng cựu quân nhân đó đã đưa ra lời khai đáng tin cậy và nhất quán việc ông ấy phơi nhiễm trực tiếp chất độc da cam lúc tại ngũ. Trước đó, cũng đã có ít nhất 3 cựu chiến binh Mỹ được bồi thường vì mắc một số bệnh do phơi nhiễm các chất diệt cỏ khi đồn trú ở Okinawa trong thời chiến tranh VN, theo The Japan Times.
Học hỏi kinh nghiệm từ VN
Dù Washington và Tokyo đã bác bỏ cáo buộc các chất diệt cỏ được quân đội Mỹ tồn trữ, phun rải và chôn ở Okinawa trong thời chiến tranh lạnh, một nhóm nhà báo, giáo sư và các nhà hoạt động môi trường ở Nhật Bản vẫn đang tiếp tục thu thập bằng chứng để tìm ra sự thật, theo chuyên san The Diplomat. Nổi bật trong nhóm này là nhà báo người Anh Jon Mitchell. Trong 4 năm qua, ông Mitchell đã không ngừng tìm kiếm bằng chứng và viết bài về AO ở Okinawa cho tờ The Japan Times. Trong cuộc họp báo ngày 30.10.2014 nhân hội nghị về AO ở Okinawa ngày 1.11.2014, ông Mitchel khẳng định: “Việc sử dụng AO và những chất làm rụng lá ở Okinawa là một trong những bí mật được giữ kín nhất thời chiến tranh lạnh”.
Theo ông Mitchen, Okinawa là một “vùng xám địa chính trị”, không được bảo vệ bởi hiến pháp của cả Mỹ lẫn Nhật nên Lầu Năm Góc cảm thấy rằng họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn và đã biến khu vực đó thành căn cứ hậu cần hàng đầu cho cuộc chiến ở VN. Ông Mitchel cho biết thêm có khoảng 250 cựu quân nhân Mỹ nói rằng họ bị phơi nhiễm AO khi còn làm nhiệm vụ ở Okinawa.
Tham gia cuộc họp báo còn có 2 nhân vật khác quan tâm tới vấn đề AO ở Okinawa là Giáo sư Daniel Broudy thuộc Đại học Công giáo Okinawa và Giám đốc Mạng công dân về da dạng sinh học ở Okinawa, tiến sĩ Masami Kawamura. Giáo sư Broudy lưu ý rằng Công ty Dow và Công ty Monsanto vẫn phủ nhận mối liên quan giữa các chất làm rụng lá và bệnh tật, do đó “tiếng nói của nhiều người VN sống sót tiếp tục bị từ chối”. Còn bà Kawamura, vốn là người dẫn đầu trong nỗ lực yêu cầu chính phủ điều tra về các chất làm rụng lá ở Okinawa, nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phơi bày sự thật”. Bà cho biết thêm: “Chúng tôi chỉ mới ở điểm xuất phát, nhưng chúng tôi muốn tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của người dân VN, đặc biệt liên quan đế vần đề nhiễm và làm sạch chất diệt cỏ”.
Từ năm 1961-1971, Mỹ đã rải xuống miền Nam VN gần 80 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó 61% là chất da cam có chứa ít nhất 366 kg dioxin, theo Hội Nạn nhân chất da cam/dioxin VN (VAVA) được đăng trên website của hội. Tuyên bố nói rõ việc Mỹ rải chất diệt cỏ đã làm cho 4,8 triệu người VN bị phơi nhiễm, trong đó 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam. Hậu quả của chất độc này có thể tồn tại qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, Tòa án tối cao Mỹ hồi năm 2009 vẫn bác đơn kiện của nạn nhân da cam VN đối với các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất diệt cỏ được sử dụng trong chiến tranh VN mà không đưa ra bình luận nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.