Tuần báo quốc phòng Jane’s Defense Weekly của Anh đã đăng tải ý kiến của 3 chuyên gia kỹ thuật hàng không người Mỹ là Pierre Sprey, John Boyd và Everst Riccioni cho biết những khó khăn của Mỹ như nêu trên. Bài viết của ba người này đăng tải trên website của Trung tâm Thông tin quốc phòng Mỹ (Center for Defense Information). Những người từng tham gia chế tạo chiếc F-16 “Fighting Falcon” (đã sản xuất 4.000 chiếc, được cơ cấu vào lực lượng không quân Mỹ và một số nước khác), khẳng định chương trình F -35 “là kế hoạch không thành công và có những dấu hiệu sẽ trở thành thảm họa”. Tiền không giải quyết được vấn đề
Cho dù nhiều quan chức hàng đầu của Mỹ luôn tuyên bố lực lượng quốc phòng Mỹ là “tốt nhất thế giới”, nhưng theo ý kiến của 3 chuyên gia trên thì “hàng chục năm qua vẫn diễn ra quá trình thoái hóa” của bộ máy quân sự Mỹ. Nhưng bi thảm nhất là đối với không lực Mỹ.
Hiện không lực Mỹ hằng năm nhận số tiền khổng lồ 150 tỉ USD, nhưng họ lại đang có số lượng máy bay tiêm kích ít nhất nếu tính từ thời Thế chiến II. Hơn nữa các máy bay này đã trở nên “già cỗi” mà tần suất sử dụng lại cao hơn trước đây. Vào năm 2001, khi ông G.Bush bước vào Nhà Trắng, không lực Mỹ được hỗ trợ tài chính mạnh nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại. Kế hoạch từ 2001- 2009, lực lượng này sẽ nhận 850 tỉ USD, nhưng trên thực tế số tiền rót vào đã vượt qua còn số 3 ngàn tỉ USD. Đó là chưa kể 80 tỉ USD nhận thêm để tác chiến tại Afghanistan và Iraq.
Tuy nhiên sau khi nhận hàng “núi” tiền, không quân Mỹ không những không giải quyết các vấn đề được đặt ra từ năm 2001, mà còn làm trầm trọng thêm tình thế. Số lượng máy bay tiêm kích giảm 100 chiếc, còn thời gian sử dụng tăng thêm từ 15 đến 20 năm. Dù vậy, hiện lãnh đạo không lực Mỹ được sự hậu thuẫn của các chính trị gia vẫn tuyên bố, mọi chuyện đều ổn và đã tìm ra phương cách giải quyết đối với thiết kế, sản xuất máy bay F-35 Lightning II. Chiếc máy bay này sẽ giải quyết cả một tổ hợp nhiệm vụ kể cả tấn công mục tiêu trên bộ, lẫn hạ gục máy bay của đối phương cũng như yểm trợ cho bộ binh tác chiến. Loại F-35 Lightning II này sẽ được biên chế vào các binh chủng của quân đội Mỹ: Không quân, bộ binh và lính thủy đánh bộ.
Hơn thế nữa, Lầu Năm Góc còn nói rằng chiếc tiêm kích chiến lược mới này không đắt và hoàn toàn thích hợp với ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ. Vì thế bộ này sẽ mua đủ số lượng F-35 để bổ sung vào số máy bay thiếu hụt và đang lạc hậu hiện hành. Thế nhưng, 3 chuyên gia Pierre, Boyd và Riccioni lại có cách đánh giá và đưa ra số liệu khác: Vào năm 2001, Bộ Quốc phòng Mỹ dự tính mua 2.866 chiếc F-35 với tổng giá 226 tỉ USD. Khi đó giá mỗi chiếc F-35 thấp nhất là 79 triệu USD. Tuy nhiên số liệu gần nhất cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ chỉ mua 2.456 chiếc với tổng giá là 299 tỉ USD. Như vậy giá bán của mỗi chiếc F-35 so với tính toán ban đầu đã tăng khoảng 54%, thành 122 triệu USD/chiếc. Ngoài ra, kế hoạch cung ứng F-35 đã bị chậm 2 năm so với kế hoạch.
Tình hình hiện nay khiến người ta nhớ lại là vào năm 1998, lúc Mỹ thử nghiệm chiếc F- 22 Raptor, khi đó Lầu Năm Góc tuyên bố giá thành mỗi chiếc sẽ không hơn 184 triệu USD. Thế nhưng hiện mỗi chiếc F-22 có giá 355 triệu USD. Điều tương tự cũng diễn ra với chiếc F-111, cho đến nay giá của chiếc tiêm kích hiện đại này tăng gấp 3 lần so với dự tính ban đầu.
Với chiếc F-35 thì mọi chuyện còn phức tạp hơn. Bởi chỉ riêng hệ thống tự động điều khiển của F-35 vượt gấp 5 lần chiếc F-22. Chính vì thế, các chuyên gia quân sự lo lắng giá thành của F-35 sẽ tăng đến mức “không thể tưởng tượng” nổi. Hiện hằng năm có khoảng 100 chiếc F-35 ra đời và Bộ Quốc phòng Mỹ dự chi 10 tỉ USD để mua chúng. Nhưng khi giá bán của mỗi chiếc tăng cao thì đương nhiên số lượng mua sẽ phải giảm. Và như vậy thì không lực Mỹ sẽ không có đủ số máy bay để đổi mới như yêu cầu. Phản ứng của Bộ Quốc phòng Mỹ
Trên đây mới chỉ đề cập đến những rắc rối về khía cạnh tài chính, còn trên phương diện kỹ thuật, F-35 cũng đang vướng phải hàng loạt vấn đề. Các chiếc F-35 đã được sản xuất bị cho là quá nặng nề và công suất không đủ mạnh để chuyên chở vũ khí, khí tài đạt đẳng cấp của thế hệ thứ 5. Nó chỉ có thể chở được 900 kg bom bên trong (thấp hơn cả các máy bay tiêm kích được sử dụng trong những năm 1960-1970). Còn nếu cài thêm bom bên ngoài thì F-35 sẽ không được coi là máy bay tàng hình nữa.
|
Về phía mình, đương nhiên là Bộ Quốc phòng Mỹ không thừa nhận chỉ trích của các chuyên gia quân sự. Đại diện của Lầu Năm Góc khẳng định, thiết kế, chế tạo thành công chiếc “máy bay kỳ diệu” F-35 sẽ cho phép quân đội Mỹ giải quyết các vấn đề đang tồn tại và quân đội Mỹ sẽ là lực lượng tốt nhất trên thế giới. Phía Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, từ khi ký kết hợp đồng mua F-35 vào năm 2001, đến nay giá của mỗi chiếc máy bay này không phải tăng 54% mà chỉ là 38%. Hơn thế, việc tăng giá là do các nguyên nhân kinh tế bên ngoài mà lãnh đạo chương trình không thể kiểm soát. Chẳng hạn như tốc độ lạm phát, giá của nguyên liệu như titan hay các vật liệu bền đều tăng. Do vậy giá của mỗi chiếc F-35 nếu tính giá USD của năm 2008 đến năm 2036 sẽ không vượt quá 77 triệu USD. Ngoài ra, các kỳ bay thử cho thấy hệ thống điều khiển của F-35 đạt chất lượng cao.
Theo tính toán của Bộ Quốc phòng Mỹ, hằng năm có 231 chiếc F-35 ra đời. Nhưng trong năm 2008 dành riêng cho mỗi binh chủng sẽ sản xuất 150 chiếc, ngoài ra là một số chiếc được sản xuất cho các quốc gia khác tham gia vào chương trình này. Nói gì thì nói, so với tính toán, dự chi ban đầu cho việc thiết kế, sản xuất F-35 chỉ mất khoảng 16-18 tỉ USD. Nhưng đến nay đã có khoảng 38 tỉ USD được chi ra. Đây là điều không hề đơn giản với người dân Mỹ khi họ phải gồng mình đóng thuế cho nhà nước.
Hoàng Hoài Sơn
Bình luận (0)