Tranh cãi về một mẩu giấy cổ

05/10/2012 03:15 GMT+7

Sự xuất hiện của một mảng giấy cói được cho là từ thời đầu công nguyên đã làm dấy lên tranh cãi xung quanh cuộc đời của Chúa Jesus.

Thế giới học giả đang nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về sự xác thực của một tờ giấy cói được gọi là “Kinh Phúc âm về vợ Jesus”. Nhiều chuyên gia tuyên bố mạnh mẽ rằng đây chỉ là sự giả mạo, giống như một phiên bản gần đây của cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi Mật mã Da Vinci của tác giả Dan Brown vào năm  2003.

 Mẩu giấy viết tay cẩu thả đang làm nổi sóng trong giới học giả phương Tây
Mẩu giấy viết tay cẩu thả đang làm nổi sóng trong giới học giả phương Tây - Ảnh: Physorg

Mẩu giấy rách nát, kích thước chỉ bằng tờ danh thiếp, đột nhiên nổi tiếng khắp thế giới khi sử gia Đại học Harvard (Mỹ) Karen King công bố về sự tồn tại của nó vào ngày 18.9, do trên đó có ghi dòng chữ gây sốc: “Jesus nói với họ rằng, “Vợ của ta…”. Nó được viết bằng chữ Coptic, ngôn ngữ thường dùng bởi những người theo đạo Thiên Chúa đầu tiên và cư trú tại Ai Cập. Dù phần đầu và phần cuối của từng dòng đều biến mất, nó có thể được diễn dịch như là bản ghi về cuộc đối thoại giữa Jesus và các tông đồ.  Theo đó các tông đồ nói với Jesus: “Mary (Magdalene) không xứng đáng cho vị trí đó,” và Jesus đã trả lời rằng vợ của ngài, được cho là Mary, “sẽ có thể là tông đồ của ta”.

Dù không chắc, nhưng chuyên gia King vẫn cho rằng cuộn sách chứa mảnh giấy có thể được viết vào thế kỷ thứ 4, và có thể là một bản sao chép về sách Phúc âm ở Hy Lạp từ thế kỷ thứ 2, lúc nội bộ các tín đồ Thiên Chúa nghi ngờ về tư cách tông đồ của Mary Magdalene. Nếu được chứng thực, sách Phúc âm đó cho rằng một số tín đồ đời đầu tin Chúa Jesus và Mary từng có cuộc hôn phối. Tuy nhiên, các học giả đã xác định được một vài điểm khiến nhiều người nghĩ rằng bản viết tay trên là đồ giả mạo. Theo đó, nó có thể được viết trong vòng 50 năm trở lại đây, hoặc hồi thập niên trước, một phần do giấy viết dễ dàng được tìm thấy trên thị trường đồ cổ.

Học giả về ngôn ngữ Coptic là Christian Askeland (Đức) đã chỉ ra những điểm đáng ngờ của mảnh giấy trên. Trong đoạn video tải lên YouTube ngày 28.9, nữ chuyên gia này phân tích rằng chữ viết rất cẩu thả. Nếu so sánh với chữ Coptic thật, chữ trong “Kinh Phúc âm về vợ Jesus” không tự nhiên, được viết bởi một người ít biết về loại ngôn ngữ này. Nó không phải là sản phẩm của một chuyên gia, và Askeland cũng không cho rằng đây là tác phẩm của một kẻ nghiệp dư từ thế kỷ thứ 4. Kế đến, một số chuyên gia đã chỉ ra rằng người chép dường như không dùng đến loạt bút phổ biến thời đó như bút trâm (bút sắt La Mã) hoặc bút sậy (của Ai Cập). Vết mực trên từng chữ và một số điểm khác cho thấy người viết dùng bút vẽ, một công cụ hoàn toàn không chính thống vào thời Ai Cập cổ. Đó là chưa kể nội dung cũng có những điểm đáng ngờ. Dù hầu hết bản viết tay đều  mất gần hết chữ, nghĩa của cả câu vẫn quá dễ đoán một cách bất thường, theo chuyên gia Đức.

Cũng thắc mắc về phần nội dung, sử gia về kinh Tân ước Francis Watson của Đại học Durham (Anh) chỉ ra rằng mọi đoạn trích trong đoạn văn, trừ từ “vợ tôi” đều xuất hiện trong kinh Phúc âm của Thomas, được phát hiện tại Ai Cập vào năm 1945. Có vẻ như những đoạn trích từ Thomas đã được lắp ráp lại để tạo ra nghĩa khác. Theo chuyên gia Watson, không thể nào có chuyện một văn bản cổ xưa lại vay mượn những dòng văn từ một tác phẩm gần đây được. Bản dịch kinh Phúc âm của Thomas đã được xuất bản vào năm 1956. Do vậy, Watson cho rằng kinh Phúc âm về vợ Jesus phải được giả mạo sau đó, và thậm chí có thể sau khi bộ tiểu thuyết Mật mã Da Vinci trình làng, tức từ năm 2003 đến nay. Tóm lại, theo tín đồ Thiên Chúa giáo, đây chỉ là lời đồn thổi mang tính chất báng bổ Chúa Jesus.

Hạo Nhiên

>> Điều tra bán độ “có một không hai” ở Bulgaria
>> Phát hiện bản đồ cổ nhất về châu Mỹ
>> Mã nguồn Symantec bị lộ là "đồ cổ
>> Bản đồ cổ nhất thế giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.