Tranh cãi về thể thao điện tử: eSports không phải thể thao?

03/10/2014 08:00 GMT+7

Theo tác giả bài viết này, sẽ còn rất nhiều khó khăn đang chờ phía trước cho eSports nếu muốn được công nhận rộng rãi là hoạt động thể thao chính thức.

[Thanh Niên Game] Bài viết dưới đây là ý kiến của một game thủ Trung Quốc, trong làn sóng gần như bất tận về việc tranh cãi eSports - thể thao điện tử có được coi là thể thao thực thụ theo cách hiểu của đại chúng hay không. Thanh Niên Game xin trích dịch lại bài viết được chia sẻ từ trang tin Sina Games, để bạn đọc tham khảo:

Amazon vừa mua lại Twitch - trang truyền tải (stream) video game trực tuyến lớn nhất thế giới - cách đây không lâu với giá 1 tỷ USD (khoảng 20 ngàn tỷ đồng). Trước đó khoảng 2 tháng, tiền thưởng giải đấu vô địch thế giới Dota 2 The International 4 tăng lên đến hơn 10 triệu USD (khoảng 200 tỷ đồng). Đó chỉ là 2 trong số nhiều tin tức gây chấn động của eSports thế giới những năm gần đây. Sự tăng trưởng của eSports đã khiến nhiều người bắt đầu dòm ngó thị trường đang còn non trẻ này, nhưng liệu chờ đón họ có thực sự là những giấc mơ tươi đẹp?

eSports và những câu hỏi chưa có lời giải đáp

Chỉ là những game mang tính thi đấu, không phải thể thao

Hãy nhìn vào cách Liên minh huyền thoại trở thành trò chơi trực tuyến được yêu thích nhất tại nhiều thị trường trên thế giới chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi, để mường tượng nên sức hút của các giải đấu thể thao điện tử. Sự gia tăng về tần suất cũng như chất lượng của các giải đấu eSports như WCG, GPL, The International, Chung kết Thế giới LMHT v.v. đã góp phần thúc đẩy đáng kể thể thao điện tử những năm gần đây. Rất nhiều thanh thiếu niên trẻ tuổi trên thế giới đã bắt đầu nghiêm túc tìm hiểu khái niệm thể thao điện tử, cũng như nhiều nước đã công nhận eSports là môn thể thao chính thức, trong đó có Việt Nam.

eSports và những câu hỏi chưa có lời giải đáp

Thế nhưng gần đây John Skipper - chủ tịch của ESPN - khi được hỏi đánh giá như thế nào về việc Amazon chi gần 1 tỷ USD mua lại Twitch đã nói: "eSports không phải là một môn thể thao, nó chỉ là game dùng để thi đấu". Điều này một lần nữa lại khiến cho cuộc tranh cãi về khái niệm thể thao điện tử được đẩy lên một tầm cao mới.

eSports là gì? Theo thuật ngữ trong Bách khoa Baidu thì "eSports (electronic sports) là giải đấu game, trong đó người chơi sử dụng các thiết bị điện tử để thực hiện hành động, dùng kỹ năng và chiến thuật cụ thể đối đầu với nhau. Thông qua cuộc thi, bạn có thể tôi luyện và cải thiện khả năng tư duy, nâng cao năng lực phản ứng, phối hợp nhịp nhàng giữa mắt, tay chân và bồi dưỡng tinh thần đồng đội."

eSports và những câu hỏi chưa có lời giải đáp

Trên hết, eSports là những giải đấu để game thủ thể hiện bản thân, cũng như khán giả được thoả mãn qua các trận đấu hấp dẫn. Mặc dù tính cạnh tranh và công bằng trong eSports với hoạt động thể thao là giống nhau, nhưng thực sự người viết cho rằng eSports vẫn chưa thể hoàn toàn được coi là một môn thể thao.

Sức ảnh hưởng của eSports vẫn chưa bì được với thể thao truyền thống

Phải công nhận rằng sự ảnh hưởng của thể thao điện tử đang ngày càng lớn hơn với các giải đấu Liên minh huyền thoạiDota 2 có hàng chục triệu người xem. Thế nhưng, khi đem so sánh với những giải đấu thể thao lớn có hàng trăm triệu người theo dõi, eSports vẫn chỉ là “chú bé con” chập chững bước cạnh chàng trai trẻ đã trưởng thành.

eSports và những câu hỏi chưa có lời giải đáp

Bên cạnh đó, vòng đời của các cuộc thi thể thao điện tử cũng gây tranh cãi. Giữa các môn thể thao truyền thống và eSports có một sự khác biệt rất lớn. Trong khi vòng đời các môn thể thao truyền thống có thể tiếp tục được lưu giữ trong nhiều thế kỷ thì môn thi đấu eSports lại chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn, như thời kỳ hoàng kim của Starcraft khoảng 10 năm, Warcraft 3 năm và Dota gần 5 năm.

Chính vì vậy, thật khó để những người ủng hộ thể thao truyền thống công nhận eSports là môn thể thao thực sự.

Không có cuộc đối đầu thể chất thì không phải là môn thể thao đúng nghĩa và thích hợp

Không ai có thể phủ nhận nỗ lực của các tuyển thủ eSports. Để trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp, rất nhiều người đã phải trải qua nhiều kinh nghiệm "xương máu", thậm chí chấp nhận kiểu huấn luyện "hành xác" thực sự. Nhưng ý niệm "dựa vào các trò chơi để kiếm tiền" cũng khiến cho bạn bè và gia đình của các tuyển thủ tranh cãi.

eSports và những câu hỏi chưa có lời giải đáp

Mặc dù khái niệm "nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn" cũng có thể được thiết lập trong eSports, nhưng nếu không có cuộc đối đầu về thể chất thì thể thao điện tử vẫn không được xem là môn thể thao đúng nghĩa và thích hợp. Nhiều người tin rằng, mục tiêu đầu tiên của thi đấu thể thao chưa bao giờ là tấm huy chương vàng và số tiền thưởng lớn. Hoạt động thể thao chân chính phải vì mục đích đem lại sức khỏe cho vận động viên tham gia.

eSports và những câu hỏi chưa có lời giải đáp

Tại Trung Quốc hiện có khoảng trên dưới 100 tuyển thủ eSports chuyên nghiệp nhưng 80% trong số đó không có tiền lương. 20% còn lại có mức lương trung bình khoảng 1.000 USD (khoảng 22 triệu đồng) mỗi tháng. Độ tuổi vàng của tuyển thủ là từ 18 đến 22 tuổi, trên 26 tuổi thường bị sa thải. Sau khi rời đội, những tuyển thủ này rất khó có khả năng được nhận vào đội khác.

Kết

Thể thao điện tử thực sự đang có những bước tiến mạnh mẽ và gây được sự chú ý trên toàn thế giới. Thế nhưng, giữa eSports và thể thao truyền thống vẫn có quá nhiều điểm khác biệt về bản chất khó mà thay đổi được. Sẽ còn rất nhiều khó khăn đang chờ phía trước cho eSports nếu muốn được xã hội công nhận là hoạt động thể thao chính thức. Đằng sau vinh quang của những giải đấu eSports, đâu chỉ toàn màu hồng?

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được trang tin Sina Games chia sẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.