Thông tin về việc tìm thấy dấu hiệu của người tuyết Siberia đang gây nên những phản ứng trái chiều trong giới khoa học.
Nhà nghiên cứu chuyên về người tuyết John Bindernagel, quốc tịch Mỹ, tuyên bố nhóm của ông đã tìm được chứng cứ cho thấy người tuyết Yeti (anh em họ hàng của người tuyết Bigfoot của Mỹ) không những tồn tại mà còn làm tổ bằng cách bẻ xoắn các cành cây lại với nhau. “Chúng tôi không cảm thấy rằng những cành cây ở Siberia đã được kết lại do bàn tay người hoặc loài động vật có vú khác… Các cành cây xoắn kiểu này từng được tìm thấy ở Bắc Mỹ và chúng có thể phù hợp với lý thuyết về Bigfoot làm tổ. Những cái tổ mà chúng tôi thấy được tạo nên từ những cành cây bện lại với nhau thành hình vòm”, chuyên gia Bindernagel trả lời tờ The Sun (Anh).
Bindernagel, vốn theo đuổi người tuyết từ năm 1963, thuộc về nhóm nhỏ các nhà khoa học đã đến khu vực miền tây của Siberia để giám định chứng cứ về Yeti. Đây cũng là nhóm đã gây nên sự chú ý trên toàn thế giới với lời tuyên bố rằng họ nắm được “chứng cứ không thể chối cãi được” về sự hiện diện của Yeti, và 95% chắc chắn rằng loài này đang tồn tại ở Siberia, dựa trên chứng cứ là một vài sợi tóc mỏng.
Động tác bện cây, hay còn gọi là tách cây, được cho là chứng cứ của Bigfoot trong nhiều năm qua tại khu vực tây bắc Thái Bình Dương và những nơi khác. Trong một số trường hợp, những dấu vết dụng cụ cũng được tìm thấy trên những phần cây này. Dựa vào đó, các chuyên gia cho rằng người tuyết phải thông minh hơn người ta vẫn tưởng, và có thể tìm nơi định cư cũng như biết sử dụng các thiết bị tương tự như kềm, cờ lê… cho các hoạt động xây tổ. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng những dấu vết đó do một số người cố tình tạo ra để lừa đảo.
Dù nhiều dấu hiệu bí ẩn cho thấy cây bị xoắn nằm ở vị trí khá gần mặt đất, một số được phát hiện nơi đỉnh cây, khiến các nhà nghiên cứu càng thêm chắc chắn rằng ngoài Bigfoot chẳng có ai leo lên được độ cao như vậy để làm tổ. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là loài sinh vật này cao to như vậy thì làm sao leo lên đến đỉnh mà không làm gãy vài cành cây? Và nếu Bigfoot lẫn người bà con Yeti tối ngày vắt vẻo trên cành cao để làm tổ, tại sao chẳng có ai thực sự phát hiện ra chúng bằng mắt thường? Bên cạnh đó, còn một số lý do khác khiến phe chống lại thuyết Yeti mạnh miệng chỉ trích lời tuyên bố của nhóm ông Bindernagel, trong đó có cả yếu tố chính trị. Không ít người cho rằng chuyến thám hiểm Siberia chỉ là nhằm thu hút sự chú ý của Nga, và rằng với thời đại công nghệ hiện nay, nếu đến giờ vẫn chưa tìm thấy hoặc bắt sống được người tuyết, có thể là trên thực tế sinh vật này chưa bao giờ có thật.
Bất chấp dư luận, cộng đồng tin vào huyền thoại Bigfoot hoặc Yeti như nhóm ông Bindernagel vẫn không lay chuyển lòng tin vững như bàn thạch của mình. Họ cho rằng chỉ còn chút nữa là sẽ tìm được chứng cứ cho sự tồn tại của Yeti. Đây cũng là niềm tin tồn tại hơn nửa thế kỷ qua của cộng đồng ủng hộ “thuyết người tuyết”.
Hạo Nhiên
Bình luận (0)