Tiêm kích tàng hình siêu hiện đại F-35 bị cho là đã “thảm bại” trong cuộc diễn tập không chiến với chiến đấu cơ xuất xưởng từ thập niên 1970 là F-16.
F-35 (trên) bị cho là đã không đọ lại F-16 (dưới) - Ảnh: Extreme Tech
|
Cho đến nay, chương trình F-35 đã ngốn hơn 350 tỉ USD từ ngân sách của Lầu Năm Góc và gánh trên mình kỳ vọng về một lớp chiến đấu cơ thế hệ 5 vượt trội hơn hẳn các đối thủ cùng loại. Tuy nhiên, chiếc tiêm kích tàng hình được mệnh danh là “vũ khí đắt đỏ nhất” của Mỹ đã hoàn toàn lép vế khi diễn tập cận chiến trên không trước chiến đấu cơ F-16 “già nua”, vốn xuất hiện lần đầu tiên năm 1974.
Cuộc không chiến giả định diễn ra trên vùng trời gần căn cứ không quân Edwards ở bang California. Trận đối đầu này diễn ra hồi tháng 1.2015 nhưng bản báo cáo của phi công điều khiển F-35 chỉ mới rò rỉ cho giới truyền thông mấy ngày qua và làm dậy sóng các diễn đàn về quân sự, theo tờ The Telegraph.
“Thất bại”
Với bài kiểm tra năng lực F-35 trong điều kiện cận chiến ở độ cao 3.000 - 9.000 m, Lầu Năm Góc muốn đánh giá hiệu quả tổng quát của chiến đấu cơ thế hệ mới khi thực hiện các động tác cơ bản trong một “môi trường chiến đấu năng động, áp lực cao”.
Cụ thể, một chiếc F-35 đọ sức tay đôi về tốc độ, hỏa lực và độ linh hoạt với một chiếc F-16. Đáng lưu ý là trang tin Extreme Tech dẫn báo cáo nói trên cho biết F-35 tham gia thao diễn mà không mang theo bất cứ thùng dầu nào và hoạt động trong trạng thái nhẹ nhất còn F-16 vẫn chở theo 2 bình nhiên liệu phụ.
Bước vào không chiến, 2 máy bay vờn nhau ở cự ly gần, vừa né hỏa lực vừa dùng mọi vũ khí được trang bị để “bắn hạ” đối phương. Trong báo cáo dài 5 trang gửi lên cấp trên, viên phi công điều khiển F-35 chê bai “thậm tệ” cỗ máy đắt đỏ này.
Theo ông, F-35 quá kềnh càng và có vấn đề về khí động học khiến máy bay không đủ độ linh hoạt và khả năng xoay xở để giáp lá cà trên không. Dù đã cố hết sức, F-35 vẫn không thể đưa F-16 vào tầm ngắm hoặc né đạn. Đó là chưa kể do “ỷ” có khả năng tàng hình nên các nhà thiết kế đã hạn chế tốc độ tối đa của F-35 vào khoảng 1.930 km/giờ (gấp 1,6 lần tốc độ âm thanh). Do đó, một khi đã bị phát hiện thì máy bay không thể nào chạy thoát trước chiếc F-16 có tốc độ tối đa 2.120 km/giờ.
Ngoài ra, phi công còn chỉ trích chiếc mũ bay có giá đến nửa triệu USD và được quảng cáo là có thể giúp người đội quay đầu thoải mái và có tầm nhìn bao quát. Trong báo cáo, phi công cho rằng chiếc mũ này quá to so với buồng lái chật hẹp của F-35, khiến ông không thể nhìn phía sau hoặc ngước lên. Trên thực tế, trong cuộc không chiến, chiếc F-35 nhiều lần bị F-16 tập kích từ phía sau. Theo trang FlightGlobal, viên phi công, vốn từng có kinh nghiệm điều khiển các loại chiến đấu cơ F-15E, F-16 và F/A-18F, kết luận là “chẳng có lý do gì để ngồi chiến đấu trong F-35”.
Phiến diện ?
Với sự phát triển của các loại tên lửa không đối không, tên lửa phòng không và radar hiện đại, kể từ thập niên 1990, cận chiến trên không (thường được gọi là dogfight) đã không còn đóng vai trò chủ lực trong chiến tranh. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ những trận dogfight nổi tiếng giữa quân Đồng minh với quân Đức và Nhật Bản trong Thế chiến 2 hay vào thời thập niên 1960 - 1970 khiến nhiều người vẫn xem đây là bằng chứng rõ ràng nhất về năng lực của chiến đấu cơ và khả năng của phi công.
Vì thế, thông tin về kết quả cuộc diễn tập đã tạo ra một làn sóng bình luận sôi nổi trên các trang tin và diễn đàn. Trước tình hình này, Văn phòng Chương trình F-35 thuộc Lầu Năm Góc cũng như Tập đoàn Lockheed Martin đã nhanh chóng đưa ra phản hồi.
ABC News dẫn thông cáo từ Lầu Năm Góc nói báo cáo trên “không phản ánh toàn bộ câu chuyện” và giới chức sẽ điều tra về vụ rò rỉ tài liệu này. Song song đó, một phát ngôn viên của Lockheed Martin tuyên bố chiếc F-35 tham gia diễn tập không được trang bị các chức năng như “bản thật”.
Cụ thể, máy bay thiếu lớp phủ tàng hình để tránh radar và công nghệ giúp khóa mục tiêu mà không cần phải hướng thẳng vào máy bay đối phương. Ngoài ra, thông cáo khẳng định: “Khác với phiên bản thực tế, chiếc F-35 thử nghiệm không có các hệ thống phần mềm để sử dụng những loại cảm biến cho phép phát hiện đối phương từ rất lâu trước khi máy bay địch biết nó đang hiện diện trong khu vực”.
Cũng theo giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ, F-35 được thiết kế để tham chiến, nhắm bắn và tiêu diệt máy bay địch ở tầm xa hoặc tấn công mục tiêu trên mặt đất, còn không chiến là nhiệm vụ của F-22 Raptor, một chiến đấu cơ thế hệ 5 khác.
“Thế mạnh của F-35 là khả năng hoạt động trong những môi trường tiềm ẩn nhiều mối đe dọa mà F-16 không thể sống sót”, thiếu tướng không quân Jeffrey L.Harrigian nói.
Bình luận (0)