Tranh chấp ý tưởng "thoát lũ ra biển Tây"

16/12/2012 03:35 GMT+7

Công trình "thoát lũ ra biển Tây" của cố GS Nguyễn Sinh Huy (mất ngày 22.9.2012) và PGS-TS Hồ Văn Chín (hiện công tác tại Viện Địa lý và Tài nguyên) vừa được Ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2012 trao giải thưởng khoa học tự nhiên Việt Nam, đã bị tố “đạo” ý tưởng. Câu chuyện nghiêm trọng hơn vì liên quan đến những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành.

Đăng ký bản quyền ý tưởng

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, kỹ sư Doãn Mạnh Dũng bức xúc: “Nhóm tác giả chuyển lũ về hướng tây đã không trung thực”; đồng thời khẳng định: “Ý tưởng chuyển lũ về hướng tây đã được tôi thực hiện từ rất sớm. Họ (ông Nguyễn Sinh Huy và ông Hồ Văn Chín - PV) chỉ là những người thực hiện theo ý tưởng khoa học của tôi mà thôi”.

 Ông Dũng và 12 văn bằng sáng chế, bản quyền
Ông Dũng và 12 văn bằng sáng chế, bản quyền - Ảnh: Lê Nga

Để chứng minh, ông Dũng lôi ra hàng tập tài liệu, có những cái đã ố vàng. Theo ông Dũng, ngày 2.7.1996, ông cùng ông Nguyễn Văn Tiềm (nguyên Giám đốc VOSCO - Hải Phòng) đi Rạch Giá - Hà Tiên - Tân Châu. Khi đến Rạch Giá, thấy cây lâu năm mọc sát bờ biển, ông Dũng dừng lại xem xét, hỏi người dân thì được biết thủy triều ở đây là nhật triều (khoảng 80 cm/ngày/lần), biên độ thấp. Ông Dũng giải thích: “Ta hình dung thủy triều như một cái bơm vô hình. Thủy triều bờ biển Đông là bán nhật triều không đều, thủy triều bờ biển phía tây là nhật triều. Như vậy thủy triều hai bên lệch nhau. Khi triều cường phía đông cao, ta cắt lũ về phía tây”.

 

Cục Bản quyền tác giả nói gì ?

PV Thanh Niên đã liên hệ với ông Vũ Ngọc Hoan, Phó cục trưởng phụ trách Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) tìm hiểu vụ việc. Theo ông Hoan, Cục không bảo hộ ý tưởng mà chỉ bảo hộ tác phẩm viết. Cụ thể trong trường hợp này, ông Dũng có gửi công trình khoa học dưới dạng tác phẩm viết, để đăng ký tại Cục. Nếu ai đó muốn “mượn” một phần hay toàn bộ tác phẩm đó đều phải trích dẫn nguồn. Còn sao chép lại toàn bộ mà không xin phép thì đó là vi phạm bản quyền. Ông Hoan cho hay, theo luật Sở hữu trí tuệ, trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, Cục sẽ cấp giấy chứng nhận, không bắt buộc phải kiểm tra, xác minh xem đã có người nào viết trước hay chưa. Kể cả khi đăng ký bản quyền tác giả rồi, nếu như người nào đó có ý kiến thắc mắc, mình phải chứng minh được họ đã sáng tạo ra tác phẩm như thế nào... Còn nếu muốn công trình khoa học được công nhận độc quyền phát minh hay một giải pháp hữu ích phải đến Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký cấp bằng độc quyền.

Tuy nhiên, theo Giấy chứng nhận bản quyền cấp cho ông Dũng chúng tôi lại thấy ghi rõ thể loại bảo hộ là "Công trình khoa học",  và nội dung bảo hộ là: "Dự án chống lũ và chống hạn cho ĐBSCL bằng giải pháp hồ tràn". Trong giấy chứng nhận này không nói rõ chỉ bảo hộ bài viết.

Về lại TP.HCM, hai tuần sau, ông Dũng hoàn thành chiến lược cắt lũ về hướng tây. “Giải pháp tôi đưa ra mang tính toàn cục là vừa chống lũ và phải kết hợp chống hạn trong mùa khô bằng hồ tràn. Tức là phải xây dựng 2 hồ: hồ Vĩnh Hưng ở Đồng Tháp Mười đón lũ từ Campuchia qua và hồ từ tây bắc TX.Long Xuyên về tây bắc Rạch Giá, rộng 1.500 m và dài 55 km”.

Ngày 30.8.1996, ông Dũng công bố lý thuyết chuyển lũ về vịnh Thái Lan với bài viết: “Chống lũ lụt và chống hạn cho ĐBSCL - Đưa lũ về hướng có thủy triều thấp bằng giải pháp hồ tràn” đăng trên Báo Khoa học phổ thông TP.HCM số 697. Ngày 25.7.1997, ông Dũng đăng tiếp bài viết: “Ứng dụng quy luật thủy triều để chọn cửa xả lũ về vịnh Thái Lan” cũng trên Báo Khoa học phổ thông TP.HCM số 743.

Tháng 7.1996, công trình nghiên cứu chuyển lũ này đã được ông Dũng đăng ký bản quyền tại Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường TP.HCM. Đến tháng 10.1996, Cục Bản quyền tác giả cấp “Giấy chứng nhận bản quyền” cho công trình nghiên cứu của ông Dũng.

Ông Dũng còn cung cấp thêm thông tin, ngày 23.7.1996, thông qua thầy Dương Phương (một giảng sư của Trường ĐH Giao thông Đường thủy) chuyển tài liệu nói trên cho GS Nguyễn Văn Hiệu (lúc đó ông Hiệu là Giám đốc Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, hiện là Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải Nhân tài đất Việt). Sau đó, GS Hiệu có thư tay đưa ông Phương chuyển tài liệu này cho ông Hồ Văn Chín. Sau đó, ông Dũng không còn nhận được bất kỳ tin tức nào. Theo văn bản chuyển đến Báo Thanh Niên, GS Hiệu thừa nhận: “Đầu tháng 8.1996, anh Phương có chuyển đến tôi tập tài liệu. Tôi không đọc mà trao lại cho anh Phương cùng với thư tay bảo chuyển cho ông Chín, rồi ông Chín chuyển cho GS Huy. Khi đó tôi đã đề nghị GS Huy mời tất cả những đồng nghiệp có cùng ý kiến tham gia tính toán thiết kế hệ thống công trình nhưng GS Huy không mời ông Dũng. Đó là vì hai người đặt ra hai mục đích khác nhau”.

Trùng hay đạo ý tưởng ?

Xem xét đề tài chuyển lũ về hướng tây của nhóm tác giả Hồ Văn Chín, Nguyễn Sinh Huy và của ông Doãn Mạnh Dũng, có thể thấy cả hai có cùng ý tưởng việc chuyển lũ về vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, giải pháp thực hiện thì khác nhau. Ông Dũng xây dựng giải pháp hồ tràn đưa lũ về Rạch Giá ra biển. Còn giải pháp của ông Chín và đồng sự thì kiểm soát lũ tràn ở 7 cầu từ núi Sam đến Tịnh Biên. “Khi lũ từ Campuchia tràn xuống thì chặn lại chờ tới đỉnh lũ mới xả ra, đưa nguồn nước vào vùng đất hoang hóa. Để thực hiện ý tưởng này, chúng tôi đã đề xuất làm đê nam kinh Vĩnh Tế, xây 2 cống điều chỉnh lũ ở Tha La và Trà Sư tỉnh An Giang. Xây cây cầu cạn Tịnh Biên 300 m để cho lũ tràn và cuối cùng là xây dựng kênh T 5 (kênh Võ Văn Kiệt) để lũ thoát ra biển”, ông Chín giải thích.

Trao đổi với PV về việc bị tố “đạo” ý tưởng, ông Chín nói: “Đề tài nghiên cứu chuyển lũ về hướng tây là vấn đề lớn, chuyện của Chính phủ, chứ không phải chuyện cá nhân”. Theo ông Chín, xuất phát từ Hội nghị khoa học “Sử dụng tài nguyên nước và hạn chế hậu quả lũ lụt vùng Đồng Tháp Mười" vào tháng 11.1995 do Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia tổ chức, có Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự; từ đó, mới có chuyện “sống chung với lũ”. "Sau hội nghị, chúng tôi mới chọn đề tài để nghiên cứu. Qua 10 năm nghiên cứu vùng Tứ giác Long Xuyên (từ năm 1987) chúng tôi phát hiện ra dòng sông cổ, phát hiện ra lũ kín, lũ mở và hướng đi của lũ từ Tứ giác Long Xuyên đổ ra biển và nam sông Hậu là ý tưởng cho việc chuyển lũ về hướng tây. Đề tài nghiên cứu hoàn thành vào năm 1997”.

Ông Chín còn trưng ra một văn bản đã nhuốm màu thời gian đề ngày 21.9.1996 do ông Hiệu ký xin thêm 400 triệu đồng để tiếp tục nghiên cứu đề tài chuyển lũ ra biển Tây (theo chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt phải hoàn thành trong quý 4/1996).

"Công trình của tập thể"

BTC Giải Nhân tài đất Việt cung cấp cho PV Quyết định 99/TTg ngày 9.2.1996 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chỉ đạo: “Nghiên cứu các biện pháp thoát lũ tràn từ biên giới Campuchia theo hướng đưa qua sông Vàm Cỏ và vịnh Thái Lan”. Từ những bằng chứng này, GS Hiệu cho rằng không có việc GS Huy vi phạm bản quyền của ông Dũng.

PGS Đỗ Trường Thiện, Trưởng ban Ứng dụng và triển khai công nghệ (Viện Khoa học - Công nghệ) cho rằng, đây là công trình có sự tham gia của tập thể, không chỉ là của các nhà khoa học thuần túy mà là kết hợp ý tưởng của các nhà khoa học, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ý tưởng đưa ra mới chỉ là lý thuyết, nếu không có sự chỉ đạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì không thể thực hiện.  

"Cần nghĩ đến công của ông Dũng"

Theo PGS-TS, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - Chủ tịch Hội KHKT và kinh tế biển TP.HCM: "Thành quả thoát lũ về hướng tây để có vựa lúa tứ giác Long Xuyên là công của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, của nhân dân ĐBSCL. Nhưng cũng phải nghĩ đến công của người đề ra cái sáng kiến đầu tiên (ông Doãn Mạnh Dũng) và những người triển khai thực hiện thắng lợi cái sáng kiến đó. Do vậy ông Sinh Huy, Hồ Chín cũng là người xứng đáng được nhà nước ghi công. Còn ông Dũng, tôi nghĩ rằng nhà nước cũng nên nghĩ đến sáng kiến của ông khi ý tưởng đó đã có bằng chứng nhận bản quyền từ năm 1996. Nếu giải quyết được như vậy thì sẽ ổn thỏa và rất khách quan".

Lê Nga - Thu Hằng

>> Đường thoát lũ gây khó cho người dân
>> Khoét núi thoát lũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.