Tranh đua nhưng không ganh tị

08/09/2012 03:15 GMT+7

Trong các cuộc thi đua ở học đường, vẫn thường thấy hình ảnh người/đội thua cuộc tức tối bỏ về, không theo dõi diễn tiến, không cần xem ai đăng quang, không chung vui với người chiến thắng.

Cô Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu phó Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nói: “Nếu chịu để ý, trong rất nhiều cuộc thi, khi đến gần cuối hoặc đến lễ trao giải, khán phòng thường vắng hoe, hầu như chỉ còn lại những người chiến thắng và ban tổ chức”. Còn thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh, chuyên gia tư vấn tâm lý giáo dục phổ thông tại TP.HCM, kể: “Đầu năm 2012, tôi có dịp cho con vào xem thi đấu chung kết một trận bóng rổ của học sinh THCS ở nhà thi đấu Phú Thọ. Các thành viên của đội thất bại thay vì chia vui với đối thủ thì lại văng tục, thô lỗ, chửi bới… Đáng buồn hơn, trong đó còn có sự tiếp tay, khích lệ của phụ huynh”.

 Cổ vũ cho đội nhà và cả đội bạn để cuộc thi đấu vui trọn vẹn
Cổ vũ cho đội nhà và cả đội bạn để cuộc thi đấu vui trọn vẹn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cô Hoàng Thị Diễm Trang cho rằng, nguyên nhân của vấn đề nằm ở chỗ thành tích và lỗi từ người lớn. Từ trước giờ, chúng ta quá nặng nề về thành tích thi đấu. Điều này tác động vào suy nghĩ của các em là tham gia cuộc thi thì phải chiến thắng, nếu không sẽ thua kém bạn bè và xem đó như một sự thất bại chứ không phải cọ xát, giao lưu. Từ đây dẫn đến chuyện người thất bại sẽ ganh ghét người đoạt giải, không chịu học hỏi, hoặc tìm hiểu bí quyết vì sao người ta thành công và phấn đấu. Mặt khác, người lớn (thầy cô giáo, cha mẹ) thiếu định hướng, giúp các em loại bỏ sự ganh tị trong bản thân. Theo cô Diễm Trang, giáo viên là người giữ vai trò quan trọng góp phần xây dựng lại văn hóa cho học sinh khi tham gia các cuộc thi, dần dà xóa bỏ những hình ảnh không đẹp như hiện nay.

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng ghen tị sẽ cản trở sự sáng tạo của học sinh. Vì trên thực tế, trong đầu các em luôn nghĩ trọng kết quả, thành tích, khi tập trung cao độ vào điều này thì khó lòng phát huy sự sáng tạo. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh, cảnh báo: “Nếu sự ghen tị lớn dần, hình thành như một nếp tính cách hiển nhiên thì rất nguy hại. Sau này, các em lớn lên vẫn mang tính cách đó đối xử với người thân, bạn bè, đồng nghiệp… thì hậu quả khó lường. Nếu các em ganh đua theo hướng tích cực, để học hỏi và sáng tạo, trau dồi thì đáng hoan nghênh. Nhưng ganh đua theo kiểu tìm cách triệt hạ đối thủ thì không hay”.

Bài học về nhân cách

Tại Olympic London diễn ra tháng 8 vừa qua để lại một số hình ảnh xúc động, bài học cho chúng ta về cách ứng xử trong thất bại. Trong ngày thi đấu đầu tiên của môn bơi lội, vận động viên trẻ Chad le Clos (người Nam Phi) đã đánh bại tượng đài Michael  Phelps. Tám năm trước, Chad le Clos (12 tuổi) rất thần tượng Phelps (6 HCV, 2 HCĐ tại Olympic Athens 2004). Bốn năm sau, chiến thắng vang dội của Phelps tại Olympic Bắc Kinh đã hun đúc thêm ý chí của Chad Le Clos và cậu đặt quyết tâm phải là người lật đổ tượng đài này. Thất bại trước Le Clos, Michael  Phelps vẫn dành thời gian để nói với Le Clos rằng hãy tận hưởng giây phút này vì nó rất đặc biệt. Phelps thất bại nhưng không thể hiện sự tức giận hoặc khó chịu.

Minh Luân

>> Lệch lạc nhân cách trên thế giới ảo
>> Cảnh báo về giáo dục nhân cách
>> Một nhân cách - một cá tính
>> Nghệ sĩ - nhân cách và tiền bạc
>> Chia sẻ cùng những ước mơ - Kỳ 1: Chắp cánh nhân cách
>> Trại huấn luyện Phát triển nhân cách tuổi teen 
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.