Tranh gà thần trở lại

25/01/2017 09:58 GMT+7

“Tranh gà Kim Hoàng đẹp lắm. Con gà nét tinh xảo như công. Mà cũng không phải gà thường mà là Thần kê, dán trước hai bên cửa suốt năm để xua đuổi cái xấu. Cũng hơi giống cây nêu vậy”, bà Thu Hòa chia sẻ.

Đình làng Kim Hoàng rộn tiếng cười hỉ hả trong mùi nhang thơm dịu. Hội xuân của làng đấy. Các cụ đã ngoài 85, áo lụa đỏ, chĩnh chện ngồi vào mâm trên. Thứ bậc là vậy. Họ đều là những người đã trải việc làng từ hàng chục năm nay. Nhưng tết năm kia với họ đã có một việc hoàn toàn mới. “Tôi mang những bức nền tranh màu đến để xin các cụ xác nhận cho màu nào đúng màu Kim Hoàng xưa. Nhớ được, nhận mặt được tranh, cũng phải các cụ cao tuổi nhất làng. Các cụ đều cùng chọn và ký vào một bức màu. Đỏ điều. Ngày trước, tranh Đông Hồ được gọi là tranh điệp, tranh Hàng Trống gọi là tranh trắng còn Kim Hoàng gọi là tranh đỏ”, bà Thu Hòa - người đang phục dựng Kim Hoàng nhớ lại. Việc mới đó cũng đã 2 năm rồi.
Tất nhiên, việc khôi phục lại màu tranh, nét tranh không thể chỉ trông chờ vào trí nhớ của các cụ cao niên trong làng. Một nguồn khác là so sánh với tư liệu ảnh trong một tác phẩm giới thiệu tranh dân gian bằng tiếng Pháp. Ở đó, có một bức chụp câu đối có nền cam và điều đặt cạnh nhau. Cũng còn tư liệu sau lần phục dựng tranh Kim Hoàng của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để so sánh đối chiếu nữa.
Tranh gà thần trở lại 1
Tranh lợn Kim Hoàng
“Lần gần nhất mọi người nhìn thấy tranh Kim Hoàng cũng đã từ năm 1947 rồi. Sau đó, tranh Kim Hoàng mất hẳn thị trường. Kể cả bản tranh bên Bảo tàng Mỹ thuật cũng chỉ là bản phục chế. Chỉ hy vọng những bản tranh mà ông Durant mua được khi làm sách vẫn còn”, bà Hòa nói.
Với tranh Đông Hồ, việc quét điệp lên tạo nền rất chắc chắn. Điệp và hồ khi đó sẽ tạo một lớp ngăn cách, không cho phẩm thấm xuống giấy. Nó cũng đọng lại thành màu ngay trên nền điệp. Như thế, điệp đã hạn chế được rất nhiều tính xấu của giấy dó là vô cùng xốp. Nhưng tranh Kim Hoàng không dùng điệp. Vì thế, mỗi lượt màu là một lần màu bị thấm ra sau. Nhưng chưa hết, nó còn không tạo được những nét ganh (sần dọc ngang) như quét điệp.
Chính bà Hòa, người nhiều năm sưu tầm các bản khắc gỗ của tranh dân gian và tranh dân gian cũng không hiểu nổi, vì sao giấy cứ gặp màu là tự nhiên bông xơ cả lên như mặt chiếc áo bông chần đã cũ. Mãi sau này, phải nhờ đến tay nghề của “cao thủ” Lê Hoàn mới tìm ra nguyên nhân. “Khổ, hóa ra do các cụ tiết kiệm màu khoáng, nên pha loãng quá. Rồi khi quét, lại quét nhiều nước thì nó lôi giấy lên. Nếu pha đậm phẩm thì chỉ cần quét một lần. Nếu chưa phẳng cũng chỉ cùng lắm quét lần thứ hai đã phẳng như sơn tường rồi. Giấy dó có lì như xuyến chỉ đâu. Nhiều nước, nhiều lớp quá thì sợi giấy nó sẽ bị lôi lên thôi”, ông Hoàn nói. Ông Hoàn chính là con trai của nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống Lê Đình Nghiên.
Tranh gà thần trở lại 2
Bà Hòa trong quá trình thử nghiệm sản xuất tranh Kim Hoàng
Nhưng chính những nét vẽ mới là điều bà Hòa tốn công hơn cả. Bởi nét gắn với khuôn in. Mà kiếm khuôn in giờ khó như hái sao trên giời. Cái khó nhất là làm thế nào bản khắc in ra đúng cái thần của tranh Kim Hoàng. Mà cái thần đó, theo họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, nằm lơ lửng ở giữa tranh Hàng Trống và Đông Hồ. “Nếu tranh Hàng Trống là thành thị, tranh Đông Hồ là nông thôn thì Kim Hoàng là vùng ven đô”, ông Hòa nói.
Trong suốt thời gian phục dựng, ngoài các cụ chuyên làm tranh dân gian và ván khắc, họa sĩ Vũ Đình Tuấn cũng được mời tham vấn. Theo ông Tuấn, cái khó nhất khi làm lại tranh Kim Hoàng chính là việc phải làm thế nào nghệ nhân có thể vẽ đẹp như họa sĩ, còn họa sĩ phải có tinh thần dân gian trong mắt nhìn sự vật như nghệ nhân. “Đó chính là kinh nghiệm tay nghề khắc bản khắc dân gian!”, ông Tuấn chia sẻ.
Khoảng 70 bức tranh Kim Hoàng sẽ được đưa vào sản xuất. Riêng dịp Tết Nguyên đán này có khoảng 20 mẫu ra trước đón tết. Đó sẽ vẫn là những bức tranh dân gian cầu mong điều lành, no đủ. Sẽ có bức tranh lợn độc. Nhìn tranh mới thấy nền đỏ và cam của Kim Hoàng khó vẽ thêm màu thế nào. Chỉ có đen và những màu rất nhạt mới có thể nổi trên nền đỏ. Chú lợn của Kim Hoàng vì thế là cả khối màu đen. Khối màu này chiếm tới 2/3 diện tích tranh để dung hòa sự khó phối của màu đỏ. Những nét màu khác ngoài đen trên tranh cũng chỉ thường là trắng nhạt, vàng nhạt, xanh nhạt... Trong số đó, bà Hòa ưng nhất, cố đẩy ra thị trường cho kịp năm nay bộ tranh gà. Khởi thủy là đôi gà đi với nhau thành cặp 2 bức. “Con gà này nó đẹp lắm vì nó là gà lai công. Ngày xưa các cụ gọi đó là tranh mùa, có nghĩa là người ta treo nó để đón xuân. Nếu tranh Đông Hồ có hai ông tướng canh cửa thì Kim Hoàng có hai con gà này. Nên còn gọi là Thần Gà. Treo trước cửa để tránh tai ương, cuối năm thì xé ra hóa”, bà Hòa nói.
Theo tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, Viện Hán Nôm, trên một bức tranh gà có đề bài thơ. Dịch nghĩa ra: “Phương đông để lại danh hiệu là Thần ăn cái tà - xấu/Chân vàng, mào hoa đầy năm màu sắc/Nhà nhà có thể lệnh cho bọn quỷ sợ tránh/Cửa cửa thêm nhiều tầng phúc khánh đến muôn mùa xuân”. Thần Gà vừa oai vừa thiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.