Mang màu sắc, họa tiết cổ điển tưởng chừng rất kén thần thái, khí khái - kén người mặc song những chiếc váy nhung, lụa thêu tranh Hàng Trống lại rất "nịnh dáng" bởi phom dáng hiện đại, thoải mái và cũng rất "nịnh da" bởi các gam màu rõ ràng, sắc nét, chất liệu nhung lụa mịn màng, óng ả và đặc biệt là các hình khối, họa tiết thêu hoa văn thủ công sặc sỡ, ấn tượng.
Một sự pha trộn giữa hiện đại và cổ điển, những câu chuyện văn hóa đan cài giữa các khu vực văn hóa châu Á được thể hiện rõ nét trên từng trang phục - chính điều đó đã làm nên sự nổi bật và khác biệt. Điều đó làm cho bất cứ ai khi diện lên một bộ trang phục thêu tay tranh Hàng Trống đều cảm thấy tự hào và hãnh diện. Đồng thời sở hữu trọn vẹn xúc cảm sang trọng, độc đáo và đẳng cấp (vốn chỉ có khi chưng diện các món đồ thời trang hàng hiệu xa xỉ của thế giới).
Thậm chí, về chiều sâu, những chiếc váy được làm thủ công hoàn toàn còn mang nhiều tình yêu dân tộc, sự tôn thờ, trân trọng di sản.
Bởi vậy, tất cả những sản phẩm trong bộ sưu tập thời trang thêu tay tranh Hàng Trống đều nằm trong dự án Đánh thức Di sản từ Nhung thêu của nhà thiết kế Thơ Thơ.
Chia sẻ với phóng viên, nhà thiết kế cho biết: "Bắt đầu từ một ý tưởng rồi cứ thế nung nấu mỗi ngày thành hiện thực, Thơ ao ước sẽ mang một cái gì đó thật Việt Nam, thật Hà Nội vào thời trang.
Tìm đến dòng tranh dân gian và tìm cách giữ hồn cho nó với Thơ đôi khi là một việc quá sức song có lẽ do tình yêu quá lớn lao và cũng thật may mắn được nhiều người ủng hộ mà cứ từng chút một, từng chút một, Thơ hiện thực hóa nó để rồi cuối cùng lần lượt từng bộ trang phục trong bộ sưu tập ra đời".
Dòng tranh Hàng Trống là dòng tranh đã gắn bó với người Tràng An xưa và người Hà Nội nay suốt 500 năm. Chỉ đơn giản gồm hai thể loại tranh Tết và tranh Thờ nhưng với biết bao người kẻ chợ chốn Thăng Long đã là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày.
Những Tùng, Cúc, Trúc, Mai, những Đào, Hạc, Vân, Quy từ bao đời đã là những khuôn hình, họa tiết quen thuộc trong tiềm thức và thẩm mỹ của người Hà Thành. Hoặc nó sẽ hiển hiện trên khắp các không gian kiến trúc hoặc nó sẽ được hiển hiện trên rất nhiều món đồ trang trí nội thất và cho đến khi, nhà thiết kế ứng dụng nó rộng rãi vào các món đồ thời trang hiện đại thì ngay lập tức nó đã được chấp nhận.
Trái với sự chìm, lặng trong thế giới nội, ngoại thất - vốn bị gây ra bởi guồng quay, nhịp sống hiện đại, các bức tranh Hàng Trống khi được đưa vào thời trang mang một phong vị vô cùng đặc biệt. Nó vừa dư sức níu giữ sự "tò mò", lòng ham thích khám phá ngôn ngữ văn hóa của người đối diện nó lại vừa dư sức chinh phục họ bởi sự kết hợp hài hòa, thanh tao giữa gam màu rực rỡ và đường nét uyển chuyển.
Không chỉ thế, trong các phom dáng hiện đại như váy phồng tuy-líp, áo khoác nhẹ mang cảm hứng kimono hay những chiếc váy dây cảm hứng từ yếm cổ và cả những chiếc đầm sát nách trẻ trung, những sản phẩm thời trang thêu tay Hàng Trống nổi bật và mang sức quyến rũ riêng, đặc biệt, vô cùng ấn tượng.
Nằm trong dự án Đánh thức Di sản từ Nhung thêu của nhà thiết kế, mỗi sản phẩm thời trang thêu tay tranh Hàng Trống thể hiện mỗi tác phẩm kinh điển của dòng tranh này. Từ các tác phẩm như: Lý ngư vọng nguyệt, Chim công múa, Tứ bình, Nhị bình… đến Tố nữ, Tả Thanh Long hay trích các tích như Truyện Kiều, Nhị độ mai… đều được nhà thiết kế đưa lên áo, váy cầu kỳ, công phu.
Tranh ngắm thì dễ mà làm không hề dễ, nhà thiết kế chia sẻ: "Gọi là dự án phi lợi nhuận bởi làm và bán những sản phẩm thời trang này phải bỏ qua nhiều chi phí và hoàn toàn không được cộng công xá, tính lãi vào trong sản phẩm nhằm mang đến một giá thành tốt nhất đủ để người tiêu dùng dù là người tiêu dùng sành điệu, khá giả bỏ tiền để mua.
Cùng với đó thì ngoài khó khăn là dòng tranh Hàng Trống nay đã gần như bị mai một hoàn toàn khiến cho việc tái hiện, phục hồi nội dung, chi tiết tranh nguyên vẹn là rất khó (nhà thiết kế đã phải nhờ đến hàng ngàn giờ cố vấn từ nghệ nhân gần cuối cùng hiện nay là Lê Đình Nghiên cố vấn cho từng tác phẩm sản phẩm thời trang này).
Thêm vào hàng ngàn giờ cố vấn là hàng ngàn giờ thêu tay của các nghệ nhân thêu tay kỳ cựu. Vẽ nên một bức tranh cổ bằng bút và màu đã khó, vẽ nên một bức tranh bằng mũi kim và màu chỉ còn khó hơn vạn lần. Nó đòi hỏi người vẽ không chỉ có năng khiếu mỹ thuật, hội họa mà còn phải có cả sự bền bỉ, kiên nhẫn, cần cù và đôi tay khéo léo, điêu luyện, con mắt tinh tường nữa".
Mong muốn không dừng lại ở một số tác phẩm thời trang nhất định thể hiện dòng tranh dân gian Hàng Trống, nhà thiết kế muốn nhân rộng sản phẩm và đưa nó đi xa hơn. Ban đầu là ra ngoài... tủ kính triển lãm (số lượng giới hạn) trong khuôn khổ mong ước bảo tồn dòng tranh xứ Hà Thành và kỹ thuật thêu cổ. Sau là xa hơn - phổ biến dòng sản phẩm thêu tay trên nhung lụa của thời trang thuần Việt, đem nó ra thế giới, sánh ngang hàng với các sản phẩm thời trang xa xỉ trên các thị trường thời trang cao cấp quốc tế (cả về giá cả lẫn chất lượng nghệ thuật, chiều sâu văn hóa và kỹ thuật tinh xảo).
Ảnh: NTKCC