Tranh luận nảy lửa về "lúa 3.000 năm"

01/09/2010 01:03 GMT+7

* Tiếp tục nghiên cứu để đưa ra kết luận chính xác Hôm qua, các chuyên gia đầu ngành về nông học đã tham gia hội thảo nhằm xác định "tính cổ" của những cây lúa nảy mầm từ các hạt thóc được tìm thấy ở công trình khai quật khu di tích Thành Dền và bước đầu được xem là có từ 3.000 năm trước.

Theo bà Lưu Minh Cúc - cán bộ Viện Di truyền nông nghiệp, đã có kết quả phân tích bằng phương pháp sinh học phân tử sử dụng chỉ thị SSR với 50 cặp mồi đối với 2 cây "lúa Thành Dền". Theo đó, phổ AND của 2 cây "lúa Thành Dền" và lúa Khang Dân 18 hoàn toàn như nhau. GS-TSKH Trần Duy Quý, nguyên Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp VN nói: "Chúng ta đã nghiên cứu đến "độ" rồi, đó không phải là lúa cổ và nên dừng lại ở đây".

Sau phát biểu của ông Quý, có thêm 2 ý kiến nữa đề xuất nên dừng nghiên cứu và có thể công bố đây là lúa cận đại. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia nông học và khảo cổ học cho rằng, hiện nay vẫn chưa thể khẳng định. GS - Viện sĩ Đào Thế Tuấn, một trong những người nghiên cứu về lúa cổ đầu tiên ở nước ta lưu ý, cần phải có đầy đủ cứ liệu thì mới có thể đưa ra kết luận chính xác nhất. "Phải nhìn nhận toàn diện, nếu không chúng ta sẽ giống như những thầy bói xem voi, ông sờ thấy cái đuôi bảo nó là cái này, ông túm được cái vòi lại bảo nó là cái kia", ông Tuấn nói.

GS Hoàng Tuyết Minh - nguyên Trưởng bộ môn Di truyền tế bào và lai xa (Viện Di truyền nông nghiệp) nhấn mạnh, nói lúa cổ hay không phải lúa cổ ngay bây giờ là nói vội. "Phải so sánh đầy đủ 62 đặc điểm hình thái thì mới có thể đưa ra kết luận chính xác. Bởi vì nếu 2 cây lúa giống nhau đến 61 đặc điểm hình thái nhưng chỉ khác nhau duy nhất 1 đặc điểm thôi thì đã là 2 giống lúa hoàn toàn khác biệt rồi. Thêm vào đó, cha ông ta trước kia trồng 2 vụ lúa, một vụ là giống cảm quang, một vụ là giống cảm ôn, không thể vì lúa trổ trước tháng 10 để kết luận đó không phải là lúa cổ", GS Minh nói. Đánh giá cao nỗ lực và sự nghiên cứu nghiêm túc của các cán bộ Viện Di truyền Nông nghiệp VN nhưng GS Minh cũng cho rằng, vì bị động nên nghiên cứu này chưa được đầy đủ, chưa bài bản và chuẩn xác lắm.

Lúc 12 giờ 20 phút trưa, các nhà khoa học mới thống nhất đề nghị tiếp tục phân tích toàn bộ đặc điểm sinh thái, sinh lý, sinh hóa và AND của tất cả các dòng "lúa Thành Dền", kết hợp với kết quả phân tích AMS từ Nhật Bản để có kết luận cuối cùng. Các nhà khoa học cũng đồng ý kiến nghị xây dựng đề tài nghiên cứu liên ngành (cấp bộ hoặc nhà nước) để khai quật mới, thu thập thêm mẫu "lúa Thành Dền" và các nghiên cứu lúa cổ của VN.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.