Tranh luận về 6 phương án cho cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa

05/06/2013 20:19 GMT+7

(TNO) Sáu phương án thiết kế cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa đã được đưa ra tại hội nghị chiều nay 5.6 diễn ra tại Hà Nội và nhận được nhiều thảo luận từ các chuyên gia.

(TNO) Sáu phương án thiết kế cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa đã được đưa ra tại hội nghị chiều nay 5.6 diễn ra tại Hà Nội và nhận được nhiều thảo luận từ các chuyên gia.

 >> Đề nghị dịch cầu vượt qua đàn Xã Tắc
>> Xây cầu vượt qua đàn Xã Tắc: Đe dọa nhiều di sản khác
>> Thiêng liêng Lễ tế Đàn Xã Tắc
>> Mưa giông làm chậm lễ tế đàn Xã Tắc
>> Góp đất sạch trùng tu đàn Xã Tắc
>> Hà Nội: 100 tỉ đồng xây dựng khu bảo tồn Đàn Xã Tắc
>> Hà Nội: Đề xuất 2 phương án bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc

 đàn xã tắc
Hố khai quật khảo cổ tại Ô Chợ Dừa - nơi đã được xác định là đàn Xã Tắc - Ảnh: Ngữ Thiên

Phương án 1, theo ông Trần Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) - đơn vị tư vấn, là cầu vượt theo hướng vành đai I, chia làm 2 nhánh khi đi qua đảo giao thông. Cầu này dài 750 m bao gồm cả đường dẫn.

Phương án 2, ông Sơn cho biết, cầu xây theo hướng vành đai I đi về phía bắc nhưng mép chờm lên đảo lưu dấu Đàn Xã Tắc.

Phương án 3, cầu sẽ đi lệch về phía nam, hướng đường Nguyễn Lương Bằng.

Phương án 4, cầu đi lệch phía nam có bổ sung cầu nhanh đi một chiều từ Khâm Thiên qua nút Ô Chợ Dừa và nhập vào cầu chính trên đường vành đai I.

Phương án 5, xây dựng hầm chui trực thông theo vành đai I, đi ngầm bên dưới khu vực bảo tồn Đàn Xã Tắc.

Còn phương án cuối cùng là cầu vượt sẽ xây theo hướng Tôn Đức Thắng, phải giải phóng mặt bằng 4.000 m2 và ảnh hưởng đến 170 hộ dân, cũng có thể gây ách tắc khu vực Nam Đồng.

Phương án sau khi được lựa chọn sẽ lấy ý kiến 4 phường trước khi trình các bộ Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Trong các phương án nói trên, phương án 4 nhận được nhiều ủng hộ nhất. Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nêu quan điểm, phải bảo tồn Đàn Xã Tắc tốt nhất, do đó, đây là phương án giải quyết được cả không gian, hiện trạng hiện nay mà vẫn bảo tồn được bên dưới. Hơn 1.000 m2 móng gạch được xếp lại đã giữ nguyên, nên ngay cả trước mắt cũng như lâu dài, Đàn Xã Tắc sẽ được bảo vệ tốt nhất.

"Đây cũng là nút giao của 7 tuyến đường, nên nếu làm theo phương án này có thể giảm thiểu nhất xung đột, phù hợp quy hoạch, hạn chế ảnh hưởng người dân và cải thiện giao thông đô thị", ông Thảo phân tích.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cũng cho biết đã phối hợp với thành phố và TEDI nghiên cứu vấn đề này và quan điểm của Bộ cũng nghiêng về phương án 4. "Cần cẩn trọng vì đây là bài toán khó, liên quan đến di sản văn hóa, ảnh hưởng đến người dân cũng như lưu lượng giao thông. Do đó, khi lập dự án cần nghiên cứu kiến trúc, đặc biệt khu vực di sản phải tính toán khẩu độ lớn thông thoáng để có kiến trúc phù hợp", ông Thọ nêu ý kiến.

Quan điểm của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cũng nghiêng về phương án 4. Ông phân tích, các phương án 1 và 3 còn ảnh hưởng Đàn Xã Tắc, chưa giải quyết được giao thông. Phương án 5 thì tốn kém, đặc biệt khó xử lý khi đào ngầm mà gặp đàn tầng thứ ba, thứ tư. Còn phương án 6 cần tiếp tục nghiên cứu.

Ý kiến trái chiều

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến phản biện xung quanh sự ủng hộ phương án 4. Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng phương án 1 và 2 sẽ xâm phạm đàn, đụng đến vùng bảo vệ. "Không hiểu sao Bộ Văn hóa đã đụng đến phương án này, chân cầu sẽ đụng vào phần cốt lõi, đào lên sẽ thấy ngay lập tức. Theo bản đồ các nhà khảo cổ đã lập, không chỉ có đảo giao thông, mà có một phần quan trọng về đường Đê La Thành", ông Lê nói. Còn phương án 3 và 4 về cơ bản không đụng chạm khu lõi, không vi phạm luật Di sản song một số móng sẽ có thể bị động đến, nên cần khai quật. Ông Lê ủng hộ phương án 5 và 6 vì làm theo cách này, không đào được lên trên, cũng không động vào di sản.

Còn theo ý kiến của ông Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, phương án 3 là ít đụng chạm về di sản. Với phương án 4, ông Tiêu phân vân vì nhánh này cũng nằm trong không gian đàn, không chắc chắn có tránh được móng cọc chạm vào di tích hay không và đàn bị kẹp giữa hai đường không biết có đẹp về kiến trúc hay không.

Ông Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ thì cho rằng, thực chất phương án 3 là tốt nhất, giữ được vùng lõi. Giáo sư sử học Lê Văn Lan cũng đồng tình phương án 3. Theo ông, nếu thêm vào đây được một nhánh đường để làm nên phương án 4 cũng khá tiện. Nhưng để tránh cho sự đụng chạm ảnh hưởng đến khu vực có nhiều di tích, nhạy cảm như thế  thì các chân cầu sẽ chạm vào những di tích còn đang ngổn ngang ở phía dưới, do đó ông Lan ủng hộ phương án 3.

GS Nguyễn Lân, Tổng thư ký Hiệp hội đô thị Việt Nam thì chia sẻ, vấn đề day dứt nhất là phát triển đô thị bền vững, làm thế nào để thế hệ sau không trách cứ, không quay lưng với lịch sử. "Phương án 3, 4 có thể tiếp tục hoàn thiện, nhưng cần phải làm như thế nào cho hài hòa các tiêu chí. Ta không thể thờ ơ với việc người dân ngày nào cũng  phải chịu đựng với ách tắc", ông Lân nói.

Nút giao thông Ô Chợ Dừa là một nút giao quan trọng nhất và phức tạp nhất về tổ chức giao thông tại Hà Nội. Đây là vị trí giao cắt giữa nhiều trục  giao thông chính, hiện tại là ngã 6, giao cắt giữa đường vành đai 1, trục xuyên tâm Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng, đường Khâm Thiên, đường La Thành và Đê La Thành cũ.

Đến cuối năm 2013, khi tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu được thông xe, đây sẽ thành ngã 7. Nhưng hiện tại, tổ chức giao thông được thực hiện kiểu giao bằng, dùng đèn tín hiệu đi vòng quanh đảo giao thông khiến cho thời gian, chiều dài đường đi qua nút rất lớn, kể cả ngoài giờ cao điểm.

Trinh Nguyễn - Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.