Tranh luận về “chân trong chân ngoài” của cán bộ y tế

18/04/2009 22:53 GMT+7

Trong phiên thảo luận ngày hôm qua 18.4, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tập trung làm rõ nội dung, có cho phép hay không cho phép công chức, viên chức y tế hành nghề khám chữa bệnh (KCB) tư nhân.

Cán bộ y tế được và không được làm gì?

Điều 5 dự thảo luật quy định: Cấm cán bộ công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành bệnh viện tư nhân, bệnh viện thuộc các hình thức sở hữu khác. Điều này đồng nghĩa với việc cho phép cán bộ y tế được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý các cơ sở khám chữa bệnh (CSKCB) không phải là bệnh viện. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết: “Quy định như dự luật không chỉ giúp cán bộ có điều kiện tăng thêm thu nhập, yên tâm công tác, hạn chế việc dịch chuyển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân mà còn để tận dụng chất xám, kinh nghiệm và phát huy năng lực chuyên môn của thầy thuốc, đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân”. Đa số ý kiến phát biểu của các ủy viên UBTVQH đều ủng hộ phương án đề xuất của dự luật, vì quy định như vậy là phù hợp với chủ trương xã hội hóa lĩnh vực KCB.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (UBCVĐXH) Trương Thị Mai, bên cạnh những ý kiến tán đồng, trong UB này vẫn có những ý kiến không nhất trí, và đề nghị luật quy định: “Cấm công chức, viên chức y tế không được đăng ký hành nghề y dược tư nhân. Cán bộ y tế nhà nước chỉ được làm việc cho các CSKCB tư nhân chứ không được đăng ký thành lập CSKCB tư nhân”. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (UBVHGDTTN và NĐ) Đào Trọng Thi tán đồng với quy định không cho cán bộ y tế tham gia vào việc thành lập và điều hành CSKCB. Ông Thi cho rằng, nếu cho phép cán bộ tham gia vào thành lập hoặc điều hành CSKCB sẽ dẫn đến tình trạng bác sĩ lạm dụng cơ sở công lập để mang lại quyền lợi riêng cho mình. Chẳng hạn như bác sĩ có thể đưa bệnh nhân của mình đang điều trị ở trong viện ra điều trị tại CSKCB của mình, hoặc đưa bệnh nhân của phòng khám vào bệnh viện để sử dụng các thiết bị, máy móc mà CSKCB không có. Ông Thi cảnh báo: “Quy định cán bộ được thành lập CSKCB nhưng không được thành lập bệnh viện sẽ dẫn đến tình trạng lách luật, thay vì gọi là bệnh viện thì người ta gọi là CSKCB, trong khi đó nhiều CSKCB còn lớn hơn cả bệnh viện. Nếu tiếp tục để cán bộ y tế nhà nước vừa làm công vừa làm tư sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa y tế nhà nước và tư nhân, giữa y tế tư nhân với cơ sở y tế nửa công nửa tư như hiện nay”. Theo ông Thi, nếu để cải thiện đời sống, thì bác sĩ, cán bộ công chức, viên chức y tế chỉ cần tham gia vào KCB là được rồi.

Bộ Y tế lại muốn “ôm việc”?

Điều 43 của dự luật quy định, chỉ có Bộ trưởng Bộ Y tế mới được quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động đối với bệnh viện tư nhân có trên 100 giường bệnh trở lên. Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo luật của UBCVĐXH đề nghị, Ban soạn thảo làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của quy định trên. Chủ nhiệm UBCVĐXH Trương Thị Mai đặt câu hỏi: “Dự thảo luật đã giao cho Sở Y tế được quyền cấp giấy phép cho bệnh viện tuyến tỉnh, trong số bệnh viện tuyến tỉnh có nhiều bệnh viện có tới gần 1.000 giường. Vậy lý do gì mà bệnh viện tư nhân hơn 100 giường lại phải trình Bộ Y tế?”.

Xung quanh quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Theo dự luật, Bộ trưởng Bộ Y tế và Giám đốc Sở Y tế đều có quyền cấp chứng chỉ hành nghề nhưng chứng chỉ hành nghề do Giám đốc sở cấp chỉ có giá trị trong phạm vi của tỉnh, còn chứng chỉ do Bộ trưởng cấp lại có giá trị trong phạm vi cả nước. Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN và NĐ Đào Trọng Thi cho rằng, ai cấp giấy chứng chỉ hành nghề không quan trọng, quan trọng là giấy chứng chỉ hành nghề đó được cấp theo tiêu chuẩn nào. Theo ông Thi: “Nếu đã có tiêu chuẩn rồi và tiêu chuẩn đó giống nhau thì không thể nói là ông bộ trưởng cấp thì quan trọng hơn, có tư cách pháp nhân cao hơn ông giám đốc sở cấp”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đồng tình: “Bộ trưởng cấp thì có giá trị trong phạm vi cả nước còn giám đốc sở cấp thì chỉ có giá trị trong tỉnh là không ổn, phân cấp kiểu này là không được, phải có tiêu chí để cấp”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước tỏ ra bức xúc trước tình trạng mua, bán thuốc kháng sinh tràn lan như hiện nay. Chủ tịch Ksor Phước cho biết, ở nước ngoài, khi mua thuốc ở cửa hàng phải có đơn thuốc do bác sĩ kê thì người bán mới bán. Còn ở ta thì “ai cũng có thể mua được và mua được bất cứ loại thuốc gì”, Chủ tịch Ksor Phước lo lắng. Ông Ksor Phước đề nghị, luật phải làm rõ được mối quan hệ giữa bác sĩ khám bệnh với người bán thuốc, không thể để tình trạng vừa khám bệnh rồi vừa bán thuốc cho bệnh nhân được.  

 Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.