ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, nếu cho phạm nhân ra ngoài lao động sẽ phát sinh nhiều vấn đề trong công tác quản lý vì nhà nước sẽ phải bố trí thêm kinh phí để đảm bảo an ninh tại các cơ sở liên kết này. Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp bên ngoài sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc lợi nhuận của doanh nghiệp, các quy định của bộ luật Lao động, trong khi dự thảo lại quy định các điểm sản xuất này vẫn phải đảm bảo theo quy chế trại giam thì rất khó khả thi.
Tranh luận với nhiều ĐB, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng không nên suy nghĩ đơn thuần rằng cho phạm nhân ra lao động ngoài trại giam là một giải pháp kinh tế hay mô hình kinh tế, cũng không phải là lợi ích nhóm mà là biện pháp giáo dục gắn với dạy nghề, giúp phạm nhân tái hòa nhập, đồng thời tạo ra một giá trị nhất định cho xã hội. “Chúng tôi tiếp xúc với một số phạm nhân, hầu hết trong số họ đều mong muốn Quốc hội thông qua chính sách này”, ông Hồng cho hay.
Giải trình thêm tại hội nghị, trung tướng Hồ Thanh Đình, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng Bộ Công an, cũng khẳng định việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động không phải làm kinh tế mà là điểm tổ chức cho phạm nhân lao động thực hành sau khi học lý thuyết, học nghề. Ông Đình cũng khẳng định kết quả việc tổ chức cho phạm nhân lao động hiện nay cũng được quy định và giám sát chặt chẽ, không có chuyện có lợi ích nhóm.
Bình luận