Tránh phát sinh cước GPRS bằng cách nào?

05/08/2010 10:22 GMT+7

Viễn thông TPHCM vừa đưa ra các biện pháp tránh phát sinh cước GPRS khi sử dụng smart phone trên mạng di động VinaPhone. Đây là một động thái khá tích cực để tránh những phiền phức không đáng có khi bất ngờ bị thu cước quá nhiều do sử dụng GPRS mà không biết, cũng như giúp người sử dụng kiểm soát nguyên nhân phát sinh cước GPRS ngoài ý muốn.

Đáng nói hơn, các nguyên nhân phát sinh cước GPRS cũng xảy ra tương tự với các nhà mạng khác là MobiFone, Viettel… nên cách hạn chế phát sinh cước GPRS trong bài viết này cũng có thể áp dụng cho người sử dụng smart phone với nhà mạng MobiFone, Viettel…

Trước tiên, cần điểm qua các dịch vụ thường sử dụng có tính cước GPRS. Đầu tiên phải nhắc đến là dịch vụ roaming quốc tế: Người sử dụng đăng ký dịch vụ roaming quốc tế, khi đi nước ngoài truy cập internet bằng smart phone qua đường GPRS thì cước được tính theo cách: cước GPRS trong nước + cước roaming quốc tế tại nước sở tại.

Chính vì thế người sử dụng smart phone truy cập internet ở nước ngoài qua GPRS rất dễ phát sinh cước roaming quốc tế. Với dịch vụ này, khách hàng chỉ nên dùng smart phone truy cập internet khi thực sự cần thiết.

Kế đó là chơi game trên mobile. Khi chơi một số game online đơn giản bằng smart phone trên mạng di động, người sử dụng ĐTDĐ thường nghĩ mình đã download trò chơi rồi nên chỉ trả chi phí cho gói download đó thôi nhưng thực tế khi chơi game, máy điện thoại di động vẫn phải kết nối internet qua GPRS. Do đó, người chơi game sẽ bị tính cước kết nối GPRS.

Sử dụng email trên ĐTDĐ đã trở thành thói quen và là nhu cầu cần thiết của những người dùng smart phone hiện nay. Tuy nhiên, nếu người sử dụng cứ để email online thì khi đó, smart phone với tính năng tự động nhận dữ liệu mới của email và đương nhiên máy điện thoại cũng tự động kết nối GPRS… làm phát sinh cước.

Với trường hợp này, người dùng smart phone nên đăng nhập vào email khi cần thiết và khi dùng xong cần thoát khỏi email.

Một trường hợp khác phát sinh cước GPRS cũng cần lưu ý là người sử dụng smart phone đều có cài sẵn các ứng dụng, song hầu hết các ứng dụng này phải có sóng GPRS/3G/EDGE mới sử dụng được. Cho nên, khi kích hoạt sử dụng các ứng dụng thì máy lập tức kết nối internet nên phát sinh cước GPRS.

Đối với người sử dụng smart phone đã đăng ký các gói cước 3G của nhà mạng, như M10, M25, M50… nhưng vẫn phát sinh cước GPRS là do các gói cước này đã được quy định dung lượng sử dụng tối đa tương ứng từng gói 10Mb, 35Mb, 100Mb… Sau khi sử dụng hết dung lượng cho phép, người sử dụng tiếp tục dùng smart phone để truy cập internet sẽ được tính cước từ 10-15 đồng/10Kb, dẫn đến phát sinh cước GPRS.

Để hạn chế phát sinh cước GPRS trong trường hợp này, người dùng cần nắm rõ gói cước mà mình đã đăng ký sử dụng cũng như biết khi nào dung lượng cho phép trong gói cước đăng ký đã hết dung lượng cho phép nhằm hạn chế sử dụng, tránh phát sinh cước GPRS…

Trước thực tế này, khách hàng nên đăng ký sử dụng các gói cước 3G để tiết kiệm chi phí vì nếu không đăng ký gói cước thì cước phí truy cập GPRS được tính 50 đồng/10Kb. Trong trường hợp khách hàng thường xuyên truy cập internet hoặc chơi game online thì nên đăng ký dùng gói U30 với mức cước 300.000 đồng/tháng mà không lo phát sinh thêm cước ngoài ý muốn.

Cũng cần lưu ý, người sử dụng smart phone cần để ý là mình đang vào internet bằng wifi, 3G hay bằng GPRS (chưa đăng ký gói 3G) để tiện việc kiểm soát thời gian truy cập internet.

Trong trường hợp đang dùng smart phone truy cập internet bằng sóng wifi  nhưng nếu mất sóng wifi, smart phone sẽ tự động sử dụng sóng GPRS/3G để truy cập. Vì vậy, cần để ý các biểu tượng kết nối internet của smart phone khi truy cập để tránh những phát sinh cước ngoài ý muốn.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.