Con số này tăng lên vào những ngày rét đậm, rét hại, cao điểm có thể đến 30 - 40 bệnh nhân đột quỵ/ngày.“Các gia đình cần lưu ý nhận biết sớm và tránh sai lầm khi chăm sóc người bị đột quỵ”, TS-BS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai), khuyến cáo.
|
“Nhiều người nhà bệnh nhân khi được hỏi vì sao giờ này mới đưa bệnh nhân đột quỵ đến nhập viện thì họ bảo nghe nói đột quỵ phải nằm yên một chỗ nên không đưa đi ngay. Đây là nhận thức hết sức sai lầm. Bởi không để bệnh nhân vận động là áp dụng với bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ nhẹ vẫn có thể đi được. Khi đó, nếu vận động, bệnh nhân có thể ngã, bệnh thêm nặng. Còn với bệnh nhân đột quỵ nói chung, cần khẩn trương đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu càng sớm càng tốt”, TS Chi cho hay.
Ông cũng lưu ý, sai lầm khác dễ gặp là khi thấy người thân của mình bị đột quỵ, người nhà thường cố gắng cho bệnh nhân uống thuốc đông y để điều trị. Việc này có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân vì khi đó có thể bị rối loạn phản xạ nuốt, dễ bị sặc vào đường thở, nguy hiểm cho người bệnh.
tin liên quan
Hãy dành vài phút để biết cách cứu người bị đột quỵ“Khi phát hiện người có biểu hiện nghi ngờ đột quỵ, tuyệt đối không cho họ uống bất cứ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ”, TS Chi khuyến cáo, và cho biết các biện pháp lấy máu ở đầu ngón tay, sau tai đều không có tác dụng trong sơ cứu đột quỵ.
Đặc biệt, TS Chi cũng lưu ý, người dân không ra ngoài tập thể dục vào sáng sớm, vì thời tiết lạnh là yếu tố bất lợi, làm tăng huyết áp, gây đột quỵ. Vừa qua, BV Bạch Mai tiếp nhận các ca đột quỵ vào cấp cứu sau khi đi tập vào lúc 4 - 5 giờ sáng.
Nhận biết đột quỵ
Có 3 dấu hiệu chính để nhận biết cơn đột quỵ, theo hướng dẫn của PGS-TS Mai Duy Tôn, công tác tại Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, gồm: người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội; đột ngột nói khó hoặc không nói được, méo miệng; đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt.
Theo PGS-TS Tôn, khi có dấu hiệu trên, việc đầu tiên người nhà cần làm là gọi cấp cứu 115 để giúp gia đình đưa người bệnh vào cơ sở y tế điều trị chuyên sâu về đột quỵ. Nếu không có xe cấp cứu, cần vận chuyển sớm đến cơ sở y tế bằng các phương tiện an toàn.
Trong khi đợi xe cấp cứu, người nhà sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách: để phần đầu và lưng bệnh nhân nằm nghiêng (giúp tránh bị sặc vào đường thở nếu bệnh nhân bị nôn); mặc quần áo thoáng. Nếu bệnh nhân ngừng tim, phải xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Người nhà phải dùng khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh. Nếu người bệnh bị co giật, phải lập tức lấy chiếc đũa đã được quấn lớp vải ngáng ngang miệng bệnh nhân để người bệnh khỏi bị cắn vào lưỡi. Tháo răng giả cho bệnh nhân (nếu có) tránh bị hóc, sặc.
PGS-TS Tôn cho biết, trong thời điểm lạnh, nhiệt độ thay đổi thất thường, nguy cơ đột quỵ thường tiềm ẩn ở những người cao tuổi do lưu lượng máu lên não ở người già giảm rất thấp, chức năng cơ thể suy yếu nên khó thích nghi với những thay đổi của thời tiết.
Ngoài ra, người có tiền sử cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, lạm dụng rượu bia, thuốc lá... cũng rất dễ bị đột quỵ tấn công.
Bình luận (0)