Tham dự buổi lễ có Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Tổng giám đốc L’Oreal Vietnam - Valery Gaucherand; giáo sư - tiến sĩ - viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học giải thưởng; cùng đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO, các viện nghiên cứu, Bộ khoa học - Công nghệ, Đại sứ quán Pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…
Ban tổ chức cho biết, L’Oréal - UNESCO For Women in Science là chương trình vinh danh các nhà nghiên cứu khoa học nữ trẻ trên toàn thế giới. Năm 2009, chương trình chính thức được triển khai tại Việt Nam và đến nay đã vinh danh 32 nhà khoa học nữ tài năng của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học sự sống và khoa học vật liệu. Trong số đó, có 2 nhà khoa học trẻ được vinh danh Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới vào năm 2015 và 2017.
Năm nay, giải thưởng được trao cho 3 nhà khoa học nữ (trị giá mỗi giải thưởng 150 triệu đồng/người) gồm:
PGS - TS Hồ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ đối ngoại, Trường đại học Tài nguyên - Môi trường (TP.HCM), với đề án nghiên cứu tổng hợp xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0, 8W0, 2O2 để nâng khả năng chịu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol là một dạng năng lượng tái tạo.
TS Trần Thị Hồng Hạnh, Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn Lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam, đã có nghiên cứu sử dụng phương pháp sắc ký vân tay kết hợp với thiết bị hiện đại để đánh giá thành phần dược liệu và chất lượng dược liệu, nhằm cung cấp bộ dữ liệu về thành phần các hoạt chất có trong mẫu dược liệu.
Nghiên cứu bao gồm cấu trúc hóa học, thành phần, hàm lượng chất, làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng dược liệu trên thị trường. Phương pháp sắc ký vân tay còn được áp dụng trong đánh giá thành phần thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ dược liệu, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
TS Phạm Thị Thu Hà, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu di truyền và giống, Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM), với đề tài nghiên cứu phát triển các giống lúa chịu mặn thông qua chọn lọc bằng dấu chuẩn phân tử và phổ biến chúng ở các vùng bị ảnh hưởng của điều kiện mặn tại đồng bằng sông Cửu Long.
Tại sự kiện cũng diễn ra Triển lãm “Khoa học thực nghiệm” với các gian hàng được bài trí bắt mắt, giới thiệu tới các đại biểu và quan khách những nghiên cứu nổi bật được đề cử cho giải thưởng năm nay.
Đồng thời, nhân kỷ niệm 10 năm chương trình này được triển khai tại Việt Nam cũng đã diễn ra Hội thảo “Kỹ năng viết đề án khoa học”. Đây là ngày hội khoa học dành cho sinh viên nữ các ngành khoa học của các trường đại học tại Việt Nam.
Bình luận (0)