Thông thường các chấn thương bong gân, trật khớp thời tuổi trẻ sẽ nhanh chóng lành và không để lại di chứng. Đa số chúng ta quên đi ngày xưa mình đã bao nhiêu lần bị chấn thương. Tuy nhiên, có một tổn thương nếu không để ý sẽ để lại biến chứng đó là trật khớp vai.
|
Tưởng là chuyện nhỏ
Khi bị trật khớp vai do chấn thương lúc trẻ tuổi (thường dưới 18 tuổi), sụn viền và bao khớp bị bong ra. Sau khi khớp vai được nắn lại ở bệnh viện và bệnh nhân được cho về, một thời gian sau sụn viền và bao khớp sẽ lành không đúng vị trí ban đầu. Bệnh nhân cũng quên đi chấn thương này.
Đột nhiên một ngày đẹp trời khi chơi thể thao trở lại hay làm việc, bệnh nhân đưa tay ở tư thế dạng vai và xoay ra ngoài cánh tay. Hấp! Khớp vai đã bị trật ra trở lại. Nếu bác sĩ không để ý và hỏi kỹ bệnh sử ngày xưa thì bệnh nhân cũng không biết lần trật này là hậu quả của lần trước. Có người mỗi năm bị trật một lần, có người nhiều hơn hay ít hơn.
Trật khớp vai là tình trạng hai mặt khớp của chỏm xương cánh tay và ổ chảo cánh tay không còn tiếp xúc với nhau. Có thể ví khớp vai như quả trứng đặt trong cái đĩa bị lọt ra ngoài bất kỳ khi nào. Hệ thống sụn viền và bao khớp, dây chằng sẽ biến cái đĩa thành cái chén để giữ quả trứng trong chén.
Trong sinh hoạt hằng ngày cũng như chơi thể thao, khớp vai là khớp dễ bị trật nhất trong cơ thể. Một khi bị trật lần đầu, các sụn viền, dây chằng bao khớp bị tổn thương giống như miệng chén đã bị vỡ.
Sau khi được bất động và cho tập vận động trở lại, rất tiếc là “miệng chén” không được gắn lại như cũ, nhất là những người trật khớp vai ở độ tuổi dưới 18. Mặt khác, ở những người trên 40 tuổi nếu bị trật khớp vai thì đến 50% bị rách gân chóp xoay là nguyên nhân gây đau và hạn chế vận động vai. Một khi miệng chén không được gắn lại đúng vị trí thì việc quả trứng lăn ra ngoài cái chén là chuyện dễ.
|
Có sống chung với bệnh được không?
Vậy nếu cứ trật nhiều lần khớp vai thì có ảnh hưởng gì? Ảnh hưởng thứ nhất là bệnh nhân không thể chơi các môn thể thao sử dụng tay vung quá đầu như quần vợt, cầu lông, ném đĩa, ném lao, cũng như khó làm các việc với tư thế tay quá đầu và xoay ngoài... Ảnh hưởng thứ hai là sụn viền và bao khớp sẽ bị hư hại lần sau nhiều hơn lần trước, mặt sụn khớp vai bị hư gây thoái hóa khớp gây đau.
Vấn đề còn lại là các bác sĩ tư vấn như thế nào cho bệnh nhân. Nắn trật khớp vai rồi cho về thì quá đơn giản. Việc để bệnh nhân bị trật quá nhiều lần là lỗi của hệ thống y tế. Những bệnh nhân bị trật khớp vai tái hồi nên được khám và tư vấn kỹ càng để xem xét việc phục hồi miệng chén bằng phẫu thuật. Phẫu thuật mổ mở, gắn lại miệng chén hay thế miệng chén khác bằng mảnh xương ghép đã được thực hiện từ rất lâu trên thế giới cũng như tại VN, ở các khoa chấn thương chỉnh hình hay cơ xương khớp của các bệnh viện lớn.
Gần đây, phẫu thuật nội soi điều trị trật khớp vai tái hồi đã đem lại kết quả rất tốt với tỉ lệ trật lại nhỏ hơn 10% theo các báo cáo trong nước. Đây là phẫu thuật ít xâm lấn, chỉ cần ba lỗ nhỏ trên vai, các bác sĩ sẽ soi vào trong khớp vai và sửa chữa các tổn thương. Nhược điểm của phương pháp này là giá thành hơi cao. Do tính ít xâm lấn, nhiều bác sĩ ủng hộ việc dùng nội soi thám sát và sửa chữa các tổn thương trong trật khớp vai cho các bệnh nhân trẻ tuổi trong lần trật đầu tiên vì tỉ lệ trật khớp tái hồi ở các bệnh nhân trẻ tuổi có thể lên đến 80%.
Những ai bị trật lần đầu cần chú ý nếu một thời gian sau khi bị trật khớp vai mà bị đau khớp vai khi làm việc hay chơi thể thao ở tư thế dạng và xoay ngoài, cần đi khám để xem mình có bị nguy cơ trật khớp vai tái hồi hay không. Nếu bị trật lại lần nữa đúng vào vai đã bị trật lần đầu thì nên đi khám sớm để điều trị sớm.
Theo BS TĂNG HÀ NAM ANH \ Tuổi Trẻ
Bình luận (0)