Trây trét nhà "tái định cư" - Bài 1: Bất ổn trong các chung cư

04/01/2010 01:20 GMT+7

Để kiến thiết đô thị, hàng chục ngàn gia đình phải rời bỏ chỗ ở của mình, giao lại đất cho Nhà nước để xây dựng các công trình phục vụ kinh tế - xã hội hoặc dân sinh. Trong nhiều ngày tìm hiểu về cuộc sống của cư dân ở các khu tái định cư (TĐC) tại TP.HCM, Thanh Niên nhận thấy rằng dù về mặt lý thuyết, chính sách TĐC hoàn toàn đúng đắn, thế nhưng việc thực hiện lại có quá nhiều điều bất cập, khiến cho người bị thu hồi đất khó có thể an cư. Nghe đọc bài

Hàng ngàn hộ dân bị thu hồi đất từ các dự án trọng điểm của TP.HCM đang phải sống trong các khu chung cư quá tệ hại.

Hư hỏng, xuống cấp khắp nơi!   

"Bữa nhận nhà, tôi vừa vặn vòi nước rửa tay thì vòi liền... gãy làm đôi. Hơn 180 cánh cửa sổ bằng kiếng tại lô A không hiểu lắp kiểu gì mà cứ gió lớn là có một vài cái rớt từ trên tầng cao xuống, vỡ tan tành y như... phim" - Ông Trần Cường, tổ trưởng lô A, chung cư Lý Chiêu Hoàng (P.An Lạc, Q.Bình Tân)

Dự án Đại lộ Đông Tây đã tiến hành giải tỏa từ năm 2001 và thông xe giai đoạn 1 vào tháng 9.2009, thế nhưng hàng trăm hộ dân có nhà bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa thể tìm được một chốn an cư như mong muốn.

Chung cư Lý Chiêu Hoàng (P.An Lạc, Q.Bình Tân) là một trong những khu TĐC cho dự án Đại lộ Đông Tây, bắt đầu giao những căn hộ đầu tiên cho người dân vào cuối năm 2006. Theo phản ánh của người dân, ngay từ khi nhận nhà họ đã phát hiện nhiều hư hỏng tại chung cư và càng ngày dấu hiệu xuống cấp càng rõ. Tại các lô A, B, C của chung cư xuất hiện hàng loạt vết nứt chân chim trên tường. Trên cửa ra vào, người dân liên tục tìm cách "dặm vá" nhưng không ăn thua. Ngoài hành lang các tầng 3, 4, 5 của hai lô B và C, gạch bong tróc thành từng mảng lớn. Hàng loạt ô gạch lát nền nhà và hành lang chung cư lâu lâu lại "rủ nhau" bong lên. Nghiêm trọng hơn, phần móng của lô A có dấu hiệu lún nặng, nhiều chỗ lún đến gần 2 tấc.  

Ông Trần Cường, tổ trưởng lô A cho biết, ngay từ khi mới về nhận nhà, người dân ở đây đã phải khổ sở vì mọi trang thiết bị đều trong tình trạng đụng vào là hỏng. "Bữa nhận nhà, tôi vừa vặn vòi nước rửa tay thì vòi liền... gãy làm đôi. Ổ khóa các cánh cửa trong nhà không có cái nào xài được, người dân phải bỏ tiền thay mới toàn bộ. Hơn 180 cánh cửa sổ bằng kiếng tại lô A không hiểu lắp kiểu gì mà cứ gió lớn là có một vài cái rớt từ trên tầng cao xuống, vỡ tan tành y như... phim. Bởi vậy, dân ở đây sợ quá nên không ai dám mở cửa sổ, nhà nào cũng đóng im ỉm. Hố ga thì chưa thấy nạo vét bao giờ, lúc nào cũng nghẹt, cũng tắc. Người dân phải tự đục cống nạo vét chứ báo quản lý cũng chẳng thấy ai làm gì", ông Cường kể.

Ngày 22.12.2009, tại văn phòng của Tổ quản lý chung cư An Sương, chúng tôi đọc được trên tấm bảng dùng để cập nhật phản ảnh của cư dân tại đây. Trên đó ghi khá nhiều tình trạng của các căn hộ và các block nhà như: "208 B2 thấm nước toa-lét, 405A4 nứt trần, B2 04 toa-lét nghẹt, nứt tường lầu 5 hồ nước A2, 205 thấm trần lô B3, 202B3 thấm trần, 303A3 thấm trần...".

Theo nhiều cư dân phản ảnh, tình trạng thấm dột trần, nứt tường, nghẹt toa-lét… rất phổ biến tại chung cư An Sương nhưng sau khi được sửa chữa, tình trạng hư hỏng lại vẫn như cũ. Một báo cáo khác của Tổ quản lý chung cư cũng ghi nhận: "Hộ 202 B1 nền gạch phòng khách bị bong tróc, nứt vỡ khoảng 0,4m2. Hộ 103, 104, 203, 204, 304, 307, 405 lô B3 bị thấm trần nhà vệ sinh. Hộ 02 lô A1 sụp nền ban-công khoảng 1m2".

Hai đầu hành lang mỗi tầng của khu chung cư này đều không có cửa sổ che chắn nên khi trời mưa là nước mặc sức tạt vào, đọng thành từng vũng trên hành lang, dọc cầu thang và chảy vào cả nhà người dân. Phần giếng trời cũng bị nứt ngang nứt dọc nên nước mưa rơi thẳng từ tầng 5 xuống nhà để xe...

 Chung cư An Sương (P.Đông Hưng Thuận, Q.12) có 8 block nhà gồm 288 căn hộ, trong đó 224 căn hộ đã bàn giao và 64 căn hộ trống. Tuy nhiên, có rất nhiều căn hộ ở đây bị thấm dột hoặc nứt tường. Bà Lê Thị Túc, ngụ tại căn hộ 403-A5, bị giải tỏa từ dự án cầu Thủ Thiêm về đây nhận nhà TĐC khoảng 3 năm, cho biết: "Nhìn tổng thể bề ngoài có vẻ khang trang nhưng đi vào mỗi căn hộ thì đều thấy không bị hư cái này thì hỏng cái khác. Như căn hộ của tôi, tường thì bị nứt, còn trên nóc buồng ngủ hoặc ngay tại gian bếp cũng đều bị thấm dột". Bà Túc kể thêm, một buổi sáng, một cánh cửa sổ bằng sắt từ lầu 4 của hộ bên cạnh tự dưng rớt xuống đất. May mà không có ai đứng ở dưới...

Tại nhiều báo cáo gửi lên Phòng quản lý nhà thuộc Công ty Quản lý nhà (QLN) TP.HCM (là đơn vị tiếp nhận các dự án TĐC do các chủ đầu tư xây dựng để phân bổ nhà cho người bị giải tỏa tại các dự án) đều ghi nhận và cập nhật khá đầy đủ tình trạng xuống cấp, hư hỏng tại khu chung cư TĐC này.   

Chưa nghiệm thu đã bàn giao nhà!

Thấm dột và nứt tường xuất hiện rất nhiều ở chung cư An Sương - Ảnh: T.T.B

Tìm hiểu về hồ sơ của các block nhà tại chung cư An Sương, chúng tôi được biết, đây là dự án TĐC do Công ty phát triển và kinh doanh nhà TP.HCM (PT&KD nhà TP.HCM, thuộc Tổng công ty địa ốc Sài Gòn) làm chủ đầu tư. Dự án này được xây dựng và bàn giao cho Công ty QLN để phân bổ cho các hộ dân có nhu cầu TĐC tại các dự án của TP.HCM nằm rải rác ở các quận như Bình Thạnh, Tân Phú, Tân Bình, Q.6...

Chẳng hạn, tại đây có 62 hộ được dời về TĐC sau khi bị giải tỏa tại dự án cầu Thủ Thiêm, một dự án vô cùng nan giải, khó khăn trong quá trình giải tỏa thu hồi đất trước đây, hoặc 13 hộ thuộc dự án công trình kiểm soát nước triều Cầu Bông - Bình Triệu - Bình Lợi - Rạch Lăng (Q.Bình Thạnh), 25 hộ khác được di dời về từ dự án giải tỏa để xây dựng trường Bế Văn Đàn...

Thế nhưng, theo tài liệu chúng tôi có được, hệ quả của tình trạng hư hỏng, xuống cấp tại hàng trăm căn hộ chung cư An Sương là xuất phát từ việc làm tắc trách của các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công và kể cả của Công ty QLN TP.HCM.

Điều này được chứng minh qua nhiều tài liệu, trong đó có một văn bản bàn giao lạ lùng giữa Công ty PT&KD nhà TP.HCM với Công ty QLN. Ngày 1.2.2007 để bàn giao đơn nguyên A1 (chung cư 5 tầng thuộc chung cư An Sương), ông Hồ Tôn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty PT&KD nhà TP.HCM đã ký biên bản bàn giao cho bà Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc Công ty QLN 36 căn hộ thuộc đơn nguyên A1. Tuy nhiên, tại biên bản bàn giao này, ngoài phần chữ in ghi rõ trách nhiệm của bên nhận bàn giao, lại có một đoạn đánh máy thêm như sau: "Bản vẽ hoàn công là photo. Công trình chưa hoàn thành thủ tục nghiệm thu. Tiếp nhận trên hiện trạng theo chỉ đạo".

Nhiều câu hỏi được đặt ra: tại sao công trình chưa hoàn thành thủ tục nghiệm thu mà lại nhận bàn giao để giao cho các hộ TĐC sử dụng? Ai đã chỉ đạo Công ty QLN phải tiếp nhận đơn nguyên A1 chung cư An Sương trên hiện trạng mà không cần thủ tục nghiệm thu công trình? Phải chăng, nhà TĐC cho dân bị giải tỏa thì được bỏ qua những quy trình, thủ tục cần thiết về mặt xây dựng?

Trần Thanh Bình - Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.