Gia đình hiện đại ngày nay bị tác động rất nhiều trong cuộc sống công nghiệp, đô thị cha mẹ có quá ít thời gian dành riêng cho đứa con thân yêu của mình. Mặt khác, sự bùng nổ quảng cáo trên truyền hình cũng như sự hấp dẫn của nhiều loại đồ chơi thời hiện đại đã ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Ít được trò chuyện
Bé L.M.Q, 21 tháng tuổi, là con trai duy nhất của một gia đình khá giả, được mẹ và bà đưa đến gặp chuyên viên tâm lý tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TPHCM vì có các biểu hiện như chậm nói, mỗi lần nói chỉ được từng từ một. Khi mọi người xung quanh nói chuyện với em thì em tỏ ra không hiểu. Mỗi lần muốn gì thì em biểu hiện bằng cách đập mặt, đập phá đồ đạc hoặc nằm ngửa ra giữa nhà. Đến phòng khám, chuyên viên tâm lý ghi nhận em chỉ nói những từ đơn như: chết, chưa, bà, ba, chó, xe... Khi mẹ hay bà nói thì em không nghe lời. Em chỉ bú bình và không chịu uống nước. Khi được đưa cho đồ chơi thì em rất thích thú nhưng lại không biết chơi làm sao.
Sau khi tâm sự với mẹ bé, chuyên viên tâm lý được biết chị có một khối u ở buồng trứng, khả năng có con sau này rất thấp. Và bé Q. nghiễm nhiên trở thành “cậu bé vàng” trong gia đình, sự cưng chiều của bà và sự không áp đặt giới hạn của mẹ cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng chậm nói của trẻ. Tại buổi khám, khi chuyên viên tâm lý bày đồ chơi cho em, mẹ và bà cùng bảo: “Không được đâu, nó sẽ chạy lung tung hết”, điều này vô hình trung đã không thừa nhận khả năng của trẻ và không hiểu hết giá trị của việc chơi đùa. Sau nhiều buổi khám, bé Q. đã nói được tròn câu, em kể được những câu chuyện ở trường và bắt đầu có giao tiếp với mọi người.
Còn N.T.X.N là một bé gái 30 tháng tuổi, trước đây em rất linh hoạt và nói rất nhiều, thậm chí còn biết hát vài bài hát dành cho thiếu nhi. Nhưng gần đây, cha mẹ thấy em có những biểu hiện lạ như: không nói chuyện với người xung quanh, khi được hỏi chuyện thì trả lời rất ít và nhiều khi không trả lời. Mỗi khi muốn làm gì hay đi đâu thì em kéo tay người lớn và chỉ. Sau khi nói chuyện với người nhà, các bác sĩ đã phát hiện nguyên nhân gây chậm nói là thời gian sau này ba mẹ N. có thuê một người giữ trẻ để chăm sóc cho em. Người giữ trẻ vốn bị câm nên chỉ giao tiếp với bé N. bằng hành động, từ đó em mất dần khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ. Thêm vào đó, ba mẹ em đi làm suốt ngày nên hầu hết thời gian của em là sống cùng người giúp việc.
Tạo điều kiện cho trẻ giao tiếp
Theo bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, người đã có nhiều kinh nghiệm tư vấn các trường hợp chậm nói tại BV Nhi Đồng 1, thì đây là vấn đề thường gặp nhất tại phòng khám tâm lý. Chậm nói thường gặp ở độ tuổi từ 24 – 36 tháng, chiếm ¾ trong số này là trẻ trai. Chậm nói có nhiều mức độ: nhẹ thì trẻ nói ít, nói từng từ và thích chơi đồ chơi (dù không biết cách chơi), nặng thì trẻ không nói được và không muốn chơi.
Trong số các trẻ chậm nói, nhiều trẻ là con cưng, con quý, được người nhà nuông chiều, đáp ứng ngay nhu cầu của trẻ mà không để trẻ bộc lộ suy nghĩ. Chẳng hạn như khi trẻ nằm ngửa và giãy nãy đòi quà là đã được đáp ứng ngay, như thế đã hình thành thói quen cho trẻ: biểu hiện ý muốn bằng hành động thay vì lời nói. Một số trẻ lại được cha mẹ cho xem truyền hình quá nhiều, điều này không tốt vì không tạo được giao tiếp tương tác hai chiều cho trẻ.
Thạc sĩ – bác sĩ Đinh Thạc, BV Nhi Đồng 1, khuyên khi phát hiện con mình chậm nói, cha mẹ không nên quá lo lắng mà nên sớm cho trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và chữa trị đúng cách. Còn theo bác sĩ Trang, để can thiệp được tình trạng chậm nói ở trẻ cần phải tạo môi trường giao tiếp tốt, điều này rất quan trọng. Cha mẹ nên dành thời gian chơi với con trẻ, mua cho trẻ những đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, không nên chiều theo ý thích của con và sẵn sàng chơi đùa cùng con. Nên đặt ra giới hạn cho trẻ: Việc gì được làm, việc gì không được làm, bắt trẻ tuân theo một số quy định nhất định, để cho trẻ “chịu ấm ức”, khi đó trẻ sẽ trưởng thành về mặt cảm xúc và ngôn ngữ.
Theo Tịnh Minh / Người Lao Động
Bình luận (0)