Trẻ em và tỉ phú là chìa khóa tăng trưởng cho thị trường mới nổi

09/06/2016 16:24 GMT+7

Sinh nhiều em bé, kiểm soát cho vay, có thêm tỉ phú tự thân lập nghiệp và giữ tiền tệ rẻ. Đây là lời khuyên từ chuyên gia quản lý thị trường mới nổi thuộc Morgan Stanley Investment Management đến các nước muốn tăng trưởng kinh tế.

Theo Bloomberg, ông Ruchir Sharma, chuyên gia đứng đầu các thị trường mới nổi thuộc hãng Morgan Stanley Investment Management, là một trong số 50 nhân vật góp mặt trong danh sách Những người có tầm ảnh hưởng nhất của Bloomberg Markets năm 2015.
Ông Sharma quản lý một chục hoặc hơn các quỹ phát triển quốc gia, 3 quỹ lớn nhất trong số này có tài sản khoảng 3 tỉ USD và mỗi quỹ có lợi nhuận 4,7% hoặc hơn trong năm nay. Chuyên gia vừa vạch ra 10 nguyên tắc hướng dẫn đằng sau chiến lược đầu tư 5 năm của mình.
Trong bảng xếp hạng dựa trên 10 nguyên tắc đó, Trung Quốc xếp cuối trong các nước mới nổi. Cộng hòa Séc và Ba Lan đứng top đầu. Dưới đây là một vài yếu tố trong 10 nguyên tắc trên.
Quy tắc trẻ em
Tăng trưởng lực lượng lao động thế giới đang giảm đi nhanh chóng Bloomberg
Lực lượng lao động thu hẹp là một trong những nguyên nhân lớn khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008, ông Sharma viết trong quyển sách mới Thăng trầm của các quốc gia. 1 điểm phần trăm giảm đi trong tăng trưởng lao động thường khiến nền kinh tế đi xuống với mức độ tương tự.
Kể từ năm 1960, chỉ có ba nước là Bồ Đào Nha, Georgia và Belarus tăng trưởng 6% hoặc hơn khi nguồn cung lao động suy giảm. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc, quốc gia có dân số trong độ tuổi lao động giảm vào năm ngoái, phải đối mặt với trở ngại đạt 6,5% mục tiêu tăng trưởng kinh tế hằng năm trong 5 năm tới.
Nigeria, Kenya, Ai Cập và Philippines là vài nước có dân số phát triển nhanh nhất và đây là tín hiệu tốt cho họ.
Quy tắc nợ 40%
Nợ Trung Quốc gia tăng với tốc độ đáng báo động Bloomberg
40% là con số kỳ diệu. Nghiên cứu của ông Sharma xác định 30 nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm đi một nửa trong vòng 5 năm, sau khi tín dụng tư nhân mở rộng trong nửa thập kỷ đến mức 40% hoặc hơn so với GDP.
Trung Quốc đang có nguy cơ mắc phải rủi ro ở điểm này. Từ năm 2008, nợ doanh nghiệp và hộ gia đình của Đại lục tăng gần gấp đôi, vượt độ mở rộng tín dụng ở Thái Lan trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Những gì diễn ra ở Thái Lan là đợt vay ồ ạt, lớn nhất trong lịch sử thị trường mới nổi.
“Khi bạn nhận nụ hôn từ nợ, bạn rất khó để rời khỏi nó”, ông Sharma nói. Trong khi Trung Quốc có các công cụ và nguồn lực để tránh khủng hoảng tài chính, nước này vẫn có “quỹ đạo tăng trưởng giống như một quả banh ping-pong đang nảy xuống cầu thang”.
Quy tắc tỉ phú tốt, tỉ phú xấu
Chuyên gia Ruchir Sharma Bloomberg
Bê bối tham nhũng xảy ra cách đây sáu năm ở Ấn Độ là cảm hứng cho chuyên gia Sharma bắt đầu kiểm tra giới thượng lưu ở các quốc gia. Ông chia tài sản ròng của tỉ phú các nước, lấy từ danh sách những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes, cho GDP đất nước đó. Đây là thước đo lỏng lẻo về sức khỏe và sự bình đẳng của các nền kinh tế, ông Sharma viết trong quyển Tỉ phú tốt, tỉ phú xấu.
Chuyên gia Morgan Stanley gắn cờ đỏ khi giới tỉ phú sở hữu hơn 5% GDP của một nước. Sự đi lên của những ông trùm tự thân lập nghiệp, chẳng hạn như các tỉ phú công nghệ sở hữu hàng tỉ USD, thì tốt hơn nhiều so với sự phát triển của nhóm “tỉ phú bẩm sinh”, những người hưởng gia sản cha truyền con nối hoặc từ các ngành công nghiệp nối kết với chính trị.
Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Mexico, Đài Loan và Nga là các nước và vùng lãnh thổ có giới tỉ phú nắm hơn 5% GDP. Tài sản của tỉ phú ở Ba Lan chỉ chiếm 2% GDP nước này.
Quy tắc rẻ là tốt
Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá nhiều nhất trong thập niên qua Bloomberg
Những năm đầu thập niên 2010, ông Sharma nghe nhiều câu chuyện về người Brazil bay đến Manhattan (Mỹ) và thuê container để làm túi mua sắm. Sức mạnh của đồng real Brazil khiến người Brazil cảm thấy giàu có. Đó cũng là quãng thời gian đánh dấu đỉnh cao của sự bùng nổ kinh tế quốc gia Nam Mỹ. Bài học từ câu chuyện này: Nội tệ tăng giá có xu hướng làm giảm sự cân bằng của nền kinh tế.
Với nguyên tắc rẻ là tốt, Nam Phi và Mexico trông cạnh tranh hơn vì đồng tiền của họ mất giá trong những năm gần đây. Trái lại, tỷ giá hối đoái nhân dân tệ sau khi điều chỉnh lạm phát của Trung Quốc tăng 49% kể từ năm 2006, hơn bất cứ thị trường mới nổi nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.