Nửa đêm đi tìm củi
13 giờ 30 ngày 31.12.2010, từ Nha Trang (Khánh Hòa), cả nhóm trực chỉ đến núi Hòn Bà. So với chặng hành trình từ TP.HCM đến Bình Thuận, rồi Ninh Thuận đã bỏ lại sau lưng, quãng đường gần 50 km từ Nha Trang đến Hòn Bà xem ra chẳng “xi-nhê” gì đối với đoàn du khảo. Tuy nhiên, thử thách mới họ phải vượt qua chính là 36 km đường rừng với nhiều khúc cua đầy nguy hiểm, một số đoạn sạt lở, với một bên là vách đá, một bên là vực sâu hun hút… Dẫu vậy, không một “bác tài” nào tỏ ra nao núng, kể cả 3 cô gái đang cầm lái.
Khám phá đỉnh Langbiang |
Rời Hòn Bà, thành viên Câu lạc bộ Du khảo trẻ TP.HCM tiếp tục cưỡi xe máy lên hướng Lâm Đồng, khám phá đỉnh Langbiang. Trong hành trình, đoàn tìm đến thăm, tặng 30 phần quà cho học sinh dân tộc Chill. Ngày 3.1.2011, đoàn trở về TP.HCM, kết thúc hành trình dài 5 ngày 4 đêm qua nhiều địa danh thuộc các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa và Lâm Đồng. |
Trước khi lên đỉnh Hòn Bà, cả nhóm dừng chân ở Suối Dầu viếng ngôi mộ “ông Năm Yersin” (theo cách nhiều người dân Nha Trang trìu mến gọi vị bác sĩ vĩ đại Alexandre Émile Jean Yersin). Anh Trần Viết Hồng Lân - phụ trách Câu lạc bộ Du khảo trẻ TP.HCM - xúc động nói: “Hồi ông Năm bằng tuổi nhiều bạn ở đây - chỉ hai mươi mấy tuổi - nhưng đã làm nên chuyện lớn. Hồi trước, ông ấy thường xuyên lên đỉnh Hòn Bà bằng ngựa, để nghiên cứu cây thuốc chữa bệnh sốt rét. Ông là nhân vật lớn để chúng ta học hỏi, ngưỡng mộ”.
Khi sắp đến độ cao 700m của núi Hòn Bà, xe máy của anh Đạt (tài xế cho một lãnh sự quán nước ngoài đóng tại TP.HCM) bất ngờ bị thủng lốp. Một số thành viên nhanh chóng lôi đồ nghề ra và vá xe một cách thuần thục.
16 giờ 30, cả nhóm như lọt thỏm trong không gian quánh đặc sương mù. Tất cả các bác tài đều phải bật đèn xe mới có thể nhận ra lờ nhờ đường đi trong cự ly vài mét. “Lạnh quá!” - Những tiếng xuýt xoa bật ra. Lên đến đỉnh cao 1.500m, bóng tối và sương mù giá lạnh đã bao phủ khắp nơi dù lúc đó chưa đến 17 giờ. Có những bạn tranh thủ dùng đèn pha tham quan ngôi nhà gỗ trên đỉnh núi của bác sĩ Yersin.
Sau khi dựng lều trại, mọi người tỏa đi tìm củi nhóm lửa. Khi đồng hồ đếm ngược chỉ còn chừng 15 phút là đến giao thừa, bạn Huân (quê Trà Vinh, làm trong ngành dược) cùng một số bạn nam lẫn nữ còn xuống núi tìm thêm củi. Các bạn này muốn giữ cho ngọn lửa ấm suốt đêm và cũng là cách để… tập thể dục, mong chống lại cái lạnh như cắt da khi nhiệt độ xuống 10 độ C.
Phá “kỷ lục”
Nửa đêm, tất cả các thành viên quây quần bên bếp lửa và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới cũng như góp ý, bàn kế hoạch cho những chuyến đi sắp tới.
Chuyến này mình khám phá thêm nhiều tỉnh, thành khác nên rất thích thú!
Cảm giác như làm cuộc cách mạng thay đổi chính mình |
|
Nguyên Anh - thành viên đoàn du khảo |
Bạn Lê Lan Chi - vừa tốt nghiệp trường ĐH Ngoại ngữ & Tin học TP.HCM (HUFLIT) - tự giới thiệu: “Tham gia chuyến này, em gặt hái được rất nhiều điều, nhất là được phá “kỷ lục” bản thân 20 năm chưa biết Đà Lạt”. Còn hai cô bạn Huệ Thi và Nguyên Anh cho biết họ đã có quyết định sáng suốt khi vượt gần 200 cây số từ Cần Thơ lên TP.HCM nhập đoàn du khảo. Hai người thay nhau cầm lái trong tổng cuộc hành trình dài 1.500 km của mình. Nguyên Anh bày tỏ: “Chắc không ai tin, năm nay mình đã 27 tuổi nhưng chưa hề ra khỏi đất Cần Thơ.
Theo Huệ Tâm (nhân viên chăm sóc khách hàng một hãng điện thoại di động tại TP.HCM), những chuyến du khảo giúp Tâm biết thêm nhiều kỹ năng, như cách giăng - cuốn lều trại hoặc đơn giản hơn là học cách đun nước trên đống củi…
Trong đoàn còn có hai cặp vợ chồng và một cặp dự định tiến đến hôn nhân. Một thành viên tự xưng là “lão Dũng” (60 tuổi, giám đốc một công ty bất động sản ở Phú Mỹ Hưng, TP.HCM) chia sẻ: “Mặc dù hai vợ chồng tôi lớn tuổi nhất ở đây nhưng không hề có sự phân biệt tuổi tác với các bạn trẻ. Ai cũng cởi mở, hòa đồng với nhau”.
Đặc biệt, quy tụ trong đoàn là hơn 60% “cựu tù Côn Đảo”. Đó chính là những thành viên có mặt trong những chuyến du khảo đến Côn Đảo (diễn ra 2 lần/năm) khiến không khí thêm thân tình, rộn ràng.
2 giờ sáng 1.1.2011, mọi người đành dừng những trò chơi tập thể, tản về các lều trại nghỉ ngơi để dành sức cho chuyến đi dài phía trước. Tuy vậy, chưa đến 1 tiếng đồng hồ sau, nhiều “tân binh” tham gia lần đầu chịu không nổi giá lạnh đã không hẹn mà hội ngộ bên bếp lửa. Họ rì rầm trò chuyện và cùng sáng tác những bài thơ liên hoàn. Các bạn trẻ này tỏ ra ngưỡng mộ những thành viên nhiều lần đón năm mới trên đỉnh Hòn Bà. Trong đó, nhóm trưởng Hồng Lân có đến 8 lần, mà theo lời anh thì “lần sau luôn tìm ra những cái mới so với lần trước, nên không bao giờ thấy chán”.
Trước khi nhổ trại, dù sương mù vẫn còn dày đặc, mọi người quyến luyến chụp hình bên những di tích gắn với tên tuổi bác sĩ Yersin. Nhìn một số công trình mới mọc lên cạnh đấy, một thành viên trong đoàn tiếc nuối thốt lên: “Có lẽ đây là lần cuối cùng, đoàn chúng ta được đón giao thừa trong cảnh hoang dã, nguyên sơ như thế này. Sắp tới, nơi đây sẽ biến thành điểm kinh doanh du lịch”.
Như Lịch
Bình luận (0)