Trên “gác xép” của Lý Lan

01/06/2011 22:36 GMT+7

Tuy đang sống ở Mỹ, nhà văn - dịch giả Lý Lan (ảnh) vẫn tiếp nối các hoạt động văn học trong nước của mình. Trong dịp hè này, chị trình làng một loạt tác phẩm dành cho thiếu nhi.

Văn học thiếu nhi chiếm một chỗ thế nào trong không gian sáng tạo của chị?
 

Vì chị dùng chữ không gian nên tôi nói cho có hình tượng như vầy: Văn học thiếu nhi chiếm cái gác xép trong ngôi nhà sáng tạo của tôi. Những bài báo chiếm không gian bếp; tiểu thuyết, truyện và nghiên cứu kể như phòng làm việc; nhật ký và thơ chiếm phòng ngủ; ghi chép và tạp văn được dành cho phòng khách; còn blog như cái hàng hiên hóng gió. Gác xép là nơi tôi cất giữ buồn vui thương nhớ, là chỗ tôi lẳng lặng tìm về, quên tất cả những thứ ở “tầng dưới”, tâm hồn được thanh lọc, và mình đơn giản là mình.

Trong những tập sách thiếu nhi đã in của chị, có nhiều hồi ức về chính tuổi thơ của chị hoặc của người thân?

Quyển Bí mật giữa tôi và Thằn Lằn Đen mang nhiều dấu ấn tuổi thơ côi cút của chị em tôi và làng quê mà chúng tôi buộc phải rời xa. Ngôi nhà trong cỏ và Ba người và ba con vật đều có bóng dáng quê nhà và con hẻm nơi tôi lớn lên, những đứa trẻ từng là bạn mình, con cái của bạn mình. Những truyện khác, nhân vật thường có nguyên mẫu là học trò của tôi.

Mỗi khi cầm bút viết cho thiếu nhi, chị có giao cho mình những “trách nhiệm”?

Thường thì khi viết tôi không bắt đầu bằng việc khoanh vùng độc giả. Nhưng khi kết thúc, hoặc gần kết thúc một tác phẩm và nghĩ tới khả năng xuất bản tác phẩm, tôi sẽ tính xem tạp chí hay nhà xuất bản nào có thể giúp đưa tác phẩm đến độc giả hữu hiệu nhứt. Đúng ra, bí quyết của người viết sách “best-seller” là khi viết luôn nhắm tới những độc giả tiềm năng. Nhưng thói quen viết của tôi đã lỡ hình thành lâu trước khi tôi biết bí quyết đó. Và tôi cứ viết, truyện thiếu nhi lẫn truyện người lớn, những câu chuyện mà mình thích, rồi ai đọc thì đọc, không đọc thì thôi.

Beatrix Potter là nữ tác giả người Anh, truyện Thỏ Bít-tơ xuất bản ở Anh trước tiên,  đến nay đã có hơn 35 bản dịch ra các thứ tiếng khác và đã bán hơn 45 triệu quyển trên thế giới.

Vì sao chị lại chọn 5 tập sách (của Anh) này để giới thiệu cho bạn đọc trẻ VN chứ không phải những tác phẩm khác?

Lâu nay tôi cứ tưởng thành ngữ “chạy sút dép/chạy mất giày” là của Việt Nam mình. Một hôm tôi gặp sự cố chạy sút dép, về nhà tôi kể cho chồng nghe và giải thích thành ngữ, nhưng anh bảo: “Chạy mất giày” là câu chuyện nổi tiếng của Peter Rabbit ai mà không biết. Tôi đã kiểm chứng, hỏi bất kỳ người lớn trẻ em nào tôi gặp ở xứ Bellingham tôi đang sống, gồm cả người Mỹ, người nhập cư từ Nga, Nhật, Trung Quốc, Nam Mỹ… họ đều quen thuộc và yêu thích Thỏ Bít-tơ và những nhân vật trong bộ truyện của Beatrix Potter. 

Nhiều người nói rằng, Thỏ Bít-tơ như truyện cô bé lọ lem, hay Bạch Tuyết và bảy chú lùn…, chẳng lẽ có người không biết? Nhưng tôi không nhớ từng gặp những quyển sách với hình ảnh sống động, ngộ nghĩnh, tươi đẹp này trên kệ sách ở Việt Nam. Vì vậy tôi chọn mấy quyển đầu tiên trong bộ 23 quyển của Beatrix Potter, bắt đầu bằng Cuộc đào thoát của Bít-tơ  để giới thiệu. Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ (NXB VHVN) hứa nếu sách bán được họ sẽ in trọn bộ.

 
Các bìa truyện của Beatrix Potter

Nghe nói chị đang là đại diện của NXB VHVN ở Mỹ cho một số công việc?

Tôi đang “đại diện” cho NXB VHVN trong việc tìm bản thảo và thương lượng  tác quyền: tôi đọc sách nào hay thì mua bản quyền để dịch sang tiếng Việt cho NXB VHVN xuất bản. Hợp đồng đầu tiên đã thực hiện là 4 quyển truyện tranh màu thiếu nhi của ông Hans Wilhelm. Tôi đã “tích cực” thương thuyết, mua cho được bản quyền vì tranh đẹp, chuyện hay. Những quyển này in song ngữ, để trẻ em có thể đọc thêm tiếng Anh.

Một vài lời cho những độc giả đang chờ đợi tác phẩm mới của chị?

Hy vọng mùa hè năm nay tôi sẽ đưa NXB một tập tạp văn, và cuối năm nay thì giao bản thảo cuốn tiểu thuyết mới. Nếu được nói vài lời với độc giả, thì tôi nói là tôi ráng hết sức tôi, còn lại là sự rộng lượng của người đọc.

Ngô Thị Kim Cúc (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.