Tri ân những người làm 'nghề tri thức'

30/08/2013 20:25 GMT+7

(TNO) Tối 30.8, Báo Thanh Niên đã tổ chức buổi họp mặt thân mật nhằm tri ân khách hàng 6 tháng đầu năm 2013, đồng thời trao Học bổng Nguyễn Thái Bình năm 2013 cho con em đại lý phát hành báo.

(TNO) Tối 30.8, Báo Thanh Niên đã tổ chức buổi họp mặt thân mật nhằm tri ân khách hàng 6 tháng đầu năm 2013, đồng thời trao Học bổng Nguyễn Thái Bình năm 2013 cho học sinh là con em đại lý phát hành báo.

Bên cạnh những phần quà tri ân những đại lý phát hành, và cũng là khách hàng của Báo Thanh Niên, là 30 suất học bổng Nguyễn Thái Bình (4 triệu đồng/suất) dành cho học sinh là con em đại lý phát hành báo. Đây cũng là năm thứ 22 học bổng Nguyễn Thái Bình đến với những em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó vươn lên.


Anh Nguyễn Ngọc Toàn, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên (phải) trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho học sinh là con em đại lý phát hành - Ảnh: Diệp Đức Minh

Buổi họp mặt diễn ra thân tình với những lời góp ý, khích lệ từ những đại lý phát hành báo để Báo Thanh Niên được nhiều bạn đọc đón nhận hơn nữa.

Thông qua những chia sẻ, những câu chuyện từ các em học sinh, công việc phát hành báo được biết đến với bao nỗi vất vả nhưng cũng mang đến niềm vui trong cuộc sống.

Chuyện nghề qua cái nhìn của con trẻ

Với hơn 30 năm làm nghề giao và bán báo, gia đình em La Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh lớp 8, Trường THCS Thanh Bình, Q.8, TP.HCM, đã quá quen thuộc với cảnh “thức khuya, dậy sớm”. Từ nhỏ Quỳnh Anh đã chứng kiến cảnh ba mẹ vất vả mưu sinh.

Ngày trước khi còn trẻ khỏe, ba mẹ cô bé Quỳnh Anh còn có sức đi giao báo. Những năm gần đây, việc giao báo hạn chế lại, đồng thời bán báo trên một con đường ở quận 8 để kiếm thêm thu nhập.

Quỳnh Anh kể: “Mỗi sáng ba mẹ đều dậy sớm để xếp báo đem ra cửa hàng và đi giao cho một vài chỗ. Con thấy mẹ đứng bán báo rất cực vì phải chịu nắng khi bán báo”.


Quỳnh Anh vừa học bài, vừa phụ mẹ bán hàng trên một con đường tại quận 8 - Ảnh: Hiểu Lam

Cũng vì hiểu nỗi cực nhọc của ba mẹ nên Quỳnh Anh không chỉ cố gắng là học sinh giỏi nhiều năm mà còn tranh thủ tất cả thời gian nghỉ ngơi ra phụ mẹ bán hàng.

Khi nói đến nghề của ba, Ngô Văn Trọng, cậu học sinh lớp 9, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Q.3, TP.HCM, bùi ngùi: “Buổi tối em thấy ba mẹ thức để lên số lượng báo, sáng lại dậy sớm xếp báo và đi giao. Nhiều lúc ba mẹ bệnh nhưng vẫn gắng gượng dậy đi làm. Những lúc đó em nhìn muốn khóc vì thương ba mẹ…”.

Nhà chỉ có 2 anh em, Trọng đã quen với cách sống tự lập và cố gắng giúp đỡ ba mẹ những khi rảnh rang việc học. Để ba mẹ bớt nỗi lo lắng, Trọng còn thay mẹ lấy cơm cho em gái ăn, thỉnh thoảng lại thay ba đi đón em về nhà sau giờ tan học.

Em Vũ Ngọc Cát Tiên, học sinh lớp 10, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, có dáng người nhỏ nhắn, hồn nhiên. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ý thức được sự thiếu thốn của gia đình. Hằng ngày Cát Tiên dậy sớm, 5 giờ ra sạp báo phụ mẹ bày bán tới 6 giờ 30 phút rồi mới đến lớp học. Những hôm được nghỉ học thì em cùng mẹ bán đến trưa.

“Những lúc ra phụ mẹ em thấy rất vui, lại có thể đọc báo xem thông tin nên em rất thích, thỉnh thoảng bạn bè em cũng hay ghé sạp báo của mẹ chơi. Em thấy ba mẹ làm nghề này hơi cực nhưng nó vinh dự vì đem thông tin đến cho mọi người”, Cát Tiên bộc bạch.

Vui với “nghề tri thức”

Anh Võ Thanh Phước, một trong những chủ đại lý phát hành báo, cho biết anh đã làm 24-25 năm nghề này và thấu hiểu bao nỗi vất vả. “Cái cực nhất của nghề này không phải là thức khuya hay dậy sớm mà sợ nhất lúc trời mưa bão làm ướt hết báo, không thể giao đến các đại lý nhỏ”, anh Phước chia sẻ.

Với anh Phước, dù nghề này có vất vả nhưng nếu cho anh chọn lại, anh vẫn chọn lại nghề này. Anh Phước bày tỏ: “Được biết sớm những thông tin trên báo, được mang thông tin ấy chuyển đến mọi người là niềm hạnh phúc mỗi ngày của tôi”.

Và những người làm nghề giao và bán báo thường gọi đùa là "nghề tri thức" vì được tiếp cận những thông tin trên báo chí mỗi ngày từ rất sớm và thuộc lòng thông tin trên đó để giới thiệu đến mọi người.


Một trong những đại lý phát hành báo chia sẻ và góp ý cho Báo Thanh Niên nhân buổi họp mặt - Ảnh: Diệp Đức Minh

Chị Ngô Thị Quỳnh, chủ đại lý phát hành báo Ngọc Lan, quận Tân Bình, chia sẻ: “Nghề này rất vui vì mang lại nhiều tri thức. Bán báo cũng phải hiểu biết mọi lĩnh vực từ chính trị đến đời sống để mọi người vào mua báo là mình có thể bàn luận với họ được, nhiều lúc cũng rất vui. Bây giờ nhìn người là biết giới thiệu loại báo khi có người hỏi đến”.

Chị còn cho biết thêm nghề này con cái có thể tiếp cận với báo chí ngay từ nhỏ nên biết được nhiều thứ.

“Nhà có thể thiếu nhiều thứ chứ không thiếu báo đọc”, chị Quỳnh hóm hỉnh.

San sẻ khó khăn với các đại lý phát hành báo

Trong 6 tháng đầu năm tình hình khá khó khăn nhưng nhờ có sự nổ lực của các anh chị đại lý phát hành đã giúp Báo Thanh Niên vượt qua thời kỳ khó khăn và giữ được số lượng phát hành lớn. Vì vậy, Báo Thanh Niên cũng mong muốn chia sẻ lợi ích, san sẻ khó khăn đối với các anh chị phát hành báo.

Đặc biệt, nhân dịp năm học mới, Báo Thanh Niên trân trọng gởi đến các cháu là con em đại lý phát hành những phần học bổng từ quỹ phúc lợi để động viên các cháu học tập tốt hơn. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự chia sẻ, đồng hành của các anh chị trong thời gian tới.

(Anh Nguyễn Ngọc Toàn, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên)

 Thanh Hải - Hoàng Quyên - Hữu Thành

>> Trao học bổng Nguyễn Thái Bình Báo Thanh Niên: Con em chiến sĩ Trường Sa hiếu học
>> Trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho con em chiến sĩ Trường Sa
>> Trao học bổng Nguyễn Thái Bình Báo Thanh Niên cho 200 sinh viên ĐHQG TP.HCM
>> Học bổng Nguyễn Thái Bình: Chắp cánh những ước mơ
>> Trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho sinh viên vượt khó
>> Trao học bổng Nguyễn Thái Bình
>> Báo Thanh Niên họp mặt, tri ân đại lý phát hành
>> Thầm lặng nghề phát hành báo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.