Trí thông minh nhân tạo liệu có thể gây hại cho con người?

Liệu rằng trong tương lai, khi trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, máy móc có quay lại "tấn công" chính con người đã tạo ra chúng. Đó là một viễn cảnh đã được xuất hiện ở trong nhiều bộ phim bom tấn.

Liệu rằng trong tương lai, khi trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, máy móc có quay lại "tấn công" chính con người đã tạo ra chúng. Đó là một viễn cảnh đã được xuất hiện ở trong nhiều bộ phim bom tấn.

Các nhà vô địch con người khó mà thắng nổi trí thông minh nhân tạo

Không chỉ có giới chơi cờ mà cả giới công nghệ trong mấy ngày qua đã phát nóng phát sốt lên về trận thi đấu cờ vây (cờ Go) giữa hệ thống máy tính trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence, AI) AlphaGo của hãng Google thách đấu với Đại kiện tướng cờ vây Hàn Quốc Lee Sedol.
Kỳ thủ Lee Sedol (phải) đấu với người đại diện cầm cờ cho trí tuệ nhân tạo - Ảnh: AFP
Trận thách đấu Google DeepMind này diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc) từ ngày 8 tới 15.3.2016, gồm 5 ván. Và người máy AlphaGo đã thắng một lèo 3 ván đầu ẵm luôn 1 triệu USD tiền thưởng. Đêm 13.3, Lee thắng được ván thứ 4 (nghe nói hệ thống máy tính của Google bị sự cố chi đó). Vào ngày 15.3, AlphaGo thắng ván cuối cùng, giành chiến thắng toàn trận với tỷ số 4-1.

Trong 25 năm qua, các cỗ máy đã đánh bại những người chơi cờ giỏi nhất trong các môn cờ vua, cờ đam (checker), cờ Othello (tương tự cờ vây) và thậm chí cả những cuộc thi đố vui kiến thức (jeopardy). Và đây là lần đầu tiên một người máy giành chiến thắng mà là chiến thắng thuyết phục ở cờ vây, môn cờ của người Trung Hoa cổ có 2.500 năm tuổi. Giới chuyên môn đánh giá cờ vây phức tạp hơn bội lần so với cờ vua và đòi hỏi người chơi phải có một khả năng trực giác siêu đẳng. Ngoài ra, AlphaGo phải đối đầu với nhiều khó khăn khi Lee đã 18 lần vô địch cờ vây thế giới và Hàn Quốc là nước có khoảng 8 triệu người chơi cờ vây.

Lee không phải là nhà vô địch thể thao chuyên nghiệp đầu tiên cũng như cuối cùng phải chịu thua AI. Trang công nghệ The Verge đã dựng lại một lược sử các chiến thắng của AI trước các nhà vô địch con người từ năm 1997 và dự đoán luôn cho tới tận năm… 3014. Năm 1997, AI Deep Blue của IBM hạ nhà vô địch cờ vua thế giới người Nga Garry Kasparov. Năm 2011, AI Watson của IBM thắng "người trí tuệ" Ken Jennings trong cuộc thi đố vui kiến thức. Năm 2016, AI AlphaGo của Google hạ Lee Sedol. Năm 2019, AI hạ đo ván võ sĩ Dwayne "The Rock" Johnson. Năm 3041, AI Steven Spielberg khiến cho AI franchise phải reboot lại. Bạn lưu ý vào thời kỳ này, chỉ còn có các AI đấu với nhau.

Nếu như ai bất tuân lệnh con người….

Trở lại vụ AlphaGo, đây là lần đầu tiên một đại kiện tướng cờ vây 9 đẳng như Lee thi đấu với máy tính. Michael Redmond, một kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp cấp 9 đẳng và là nhà bình luận của trận đấu, đã gọi AlphaGo là một "tác phẩm nghệ thuật" có thể cách mạng hóa việc chơi cờ vây trong tương lai.

AlphaGo là một chương trình phần mềm AI được phát triển bởi DeepMind, một công ty chuyên về AI của Anh đã được Google thâu tóm cách đây 2 năm.

Chiến thắng mới nhất của AlphaGo càng khẳng định khả năng siêu việt của trí thông minh nhân tạo do con người tạo ra. Nhưng đồng thời nó càng gây thêm quan ngại cho những ai lâu nay vẫn cảnh báo về những nguy cơ AI "phản chủ", chống lại loài người.
Hiện nay đã có khá nhiều công việc được giao cho robot thực hiện - Ảnh: AFP
Thật ra, đây không phải là chuyện gì mới mẻ. Trong nhiều năm qua. Hollywood đã kiếm được vô số tiền từ những những bộ phim khoa học giả tưởng khai thác những mặt trái của AI. Hoặc là có một gã tâm thần nào đó dùng AI để thực hiện những mưu đồ của mình, hoặc là có một AI bỗng dưng muốn… nổi loạn chống lại chủ nhân.

Những viễn cảnh từ tệ tới xấu đó là hoàn toàn có thể xảy ra khi AI đã được con người phát triển tới cấp độ có thể suy nghĩ gần như người. Có tác giả nói rằng tới một cấp độ nào đó, AI có khả năng vuột khỏi tầm tay kiểm soát của chủ nhân.

Khả năng AI không tuân lệnh con người điều khiển là hoàn toàn có thể xảy ra. Báo Anh Daily Mail hồi cuối tháng 11.2015 cho biết các kỹ sư môn người máy đang thử nghiệm việc dùng chính AI để dạy cho những người máy biết không tuân lệnh điều khiển của con người nếu như chúng nhận ra lệnh đó có thể gây nguy hiểm cho chúng. Tiến sĩ  Matthais Scheutz và kỹ sư Gordon Briggs của Đại học Tufts ở bang Massachusetts (Mỹ) đang cố gắng tạo ra những người máy có thể tương tác theo cách giống con người hơn. Chẳng hạn một con robot hình người được đặt đứng trên mặt bàn gần mép bàn. Khi nhận được lệnh bước tới, nó không tuân lệnh mà trả lời rằng: "Không an toàn". Bởi nó phán đoán rằng nếu tiếp tục bước tới, nó sẽ rơi xuống đất. Nhưng khi được ông chủ nói rằng mình sẽ đỡ nó an toàn nếu như nó bị ngã, con robot đã lập tức bước tới (tội nghiệp, robot quá ngây thơ khi đặt trọn niềm tin vào con người).

Các nhà điện ảnh ở Hollywood đã đi trước về nguy cơ này. Trong bộ phim I, Robot (Tôi, người máy), các người máy phải chịu sự chi phối bởi một loạt điều luật để ngăn ngừa tình trạng chúng bất tuân lệnh của con người. Tuy nhiên, có một người máy tên Sonny đã làm loạn chống lại các luật lệ như vậy.

Nếu muốn có được những ý niệm về khả năng quậy phá của máy móc, bạn có thể xem thử loạt phim truyền hình Mỹ nhiều tập CSI: Cyber đang chiếu trên kênh AXN của các mạng truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh ở Việt Nam.

Như vậy, AI trở nên nguy hiểm chủ yếu khi vuột ra khỏi tầm tay điều khiển của con người tạo ra nó. Chuyện nó đạt tới cấp độ thông minh tới mức muốn làm gì thì làm có vẻ xa vời. Nhưng chuyện rất thực tế ở chỗ AI là một cỗ máy hay một phần mềm máy tính, vì thế khả năng nó bị sự cố kỹ thuật chập cheng là hoàn toàn có thể xảy ra. Không ai có thể lường trước được những việc mà một cỗ máy vốn thông minh hơn cả những người thông minh siêu đẳng sẽ làm trong tình trạng như nó bị say… "ngáo đá".   

Người máy giành mất công việc của loài người

Thôi thì chuyện về các AI thuộc về tầm vĩ mô, ta ngó lại những "vật ngoại lai thông minh" giờ đây đã có mặt trong cuộc sống con người. Đó là những người máy hay thiết bị tự động, nói cách nào đó như một dạng AI cấp thấp. Trong vài năm trở lại đây, thế giới tràn ngập cái chữ "smart" (thông minh) được kèm theo đủ loại thiết bị, mà hầu hết lại là những thứ bao thế hệ nay vẫn được con người sử dụng. Chẳng hạn như chiếc máy hút bụi thông minh, tủ lạnh thông minh, máy giặt thông minh, máy lạnh thông minh, TV thông minh, xe thông minh… thậm chí cái bóng đèn thông minh. Các thiết bị thông minh càng được chắp thêm cánh khi thế giới bước vào nền tảng internet của vạn vật (IoT) nơi mà mọi thứ trên đời đều có thể kết nối với nhau và kết nối với internet.
Viễn cảnh robot tấn công lại con người cũng đã được đưa lên các bộ phim bom tấn - Ảnh: AFP
Đài truyền hình thời sự Mỹ CBS News hôm 11.3.2016 nói rằng hầu hết người Mỹ nghĩ rằng người máy sẽ chiếm hết công ăn việc làm của họ. Trong một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 65% người Mỹ được hỏi nói rằng trong hơn 50 năm tới, các người máy và máy tính sẽ bắt đầu làm phần lớn công việc mà hiện nay do con người làm. Một cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh) chỉ ra rằng có tới 47% số công việc ở Mỹ có nguy cơ sẽ bị rơi vào tay… máy tính.

Như vậy, về mặt tích cực, các thiết bị thông minh và máy tính sẽ trợ giúp cho con người, làm cho cuộc sống thêm chất lượng và tốt đẹp hơn. Những công việc lặp đi lặp lại nhàm chán hay nguy hiểm, nặng nhọc giờ đây được giao cho đám máy tính hay bọn người máy. Nhưng về mặt tiêu cực, việc tự động hóa hoạt động sẽ khiến nhiều người bị mất việc.

Ở đây xin nói rõ là chúng tôi chỉ vẽ lên những nét khái quát, kể cả suy diễn có cơ sở, về những mặt trái của công nghệ AI mà người ta cần biết để có những giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại. Bất luận thế nào, AI vẫn là do con người tạo ra kia mà.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.