Mưa lũ đã gây hậu quả nặng nề tại các tỉnh này. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 182 ngôi nhà bị ngập, 5.776 ha lúa bị ngập và có khả năng mất trắng, trên 1.242 ha hoa màu bị ngập và đổ, gần 58 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn. 6 hồ đập nhỏ vượt ngưỡng tràn tự do, đê điều bị sạt lở 2.830m3, đường liên xã bị sạt lở 2.830m3.
Tại Nghệ An, mưa lũ làm ngập và sập 336 ngôi nhà, 32 ngôi nhà khác bị sạt lở phải di dời. 5.729 ha lúa, hoa màu và cây lương thực bị ngập. Sạt lở làm hư hỏng 1.370m kênh, 10km đường bị ngập và nhiều điểm bị sạt lở, nước lũ cuốn trôi 84 cầu nhỏ và vừa. Một số hồ chứa lớn đã tiến hành xả lũ về hạ du. Trong đó, hồ sông Sào xả 1 cửa với lưu lượng xả 170m3/s, hồ Vực Mấu xả 2 cửa với lưu lượng xả 440m3/s.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, mực nước các sông Quảng Ngãi, Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên đang lên, các sông khác ở Trung Bộ và khu vực Nam Tây Nguyên có dao động nhỏ. Mực nước trung, hạ lưu sông Mê Kông, đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đang lên. Dự báo, đến ngày 15.9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 4,05m (trên báo động 2 khoảng 0,05m), tại Châu Đốc lên mức 3,5m (ở mức báo động 2), các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên lên mức báo động 2, có nơi trên báo động 2. |
Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập ứng ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư sáng nay đã có công điện yêu cầu các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa triển khai các phương án chống lũ theo cấp báo động, tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác theo quy định, đảm bảo an toàn tuyệt đối hệ thống đê điều, đặc biệt đối với các khu vực trọng điểm.
Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư cũng yêu cầu các địa phương này kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ đập vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm người dân vớt củi khi có lũ.
Các tỉnh khẩn trương và bằng mọi biện pháp có thể để tiêu úng cho lúa và hoa màu nhằm giảm thiệt hại do ngập úng gây ra.
Cơ quan hữu trách các địa phương phải theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thực hiện vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạ du, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý kịp thời các sự cố.
Quang Duẩn
Bình luận (0)