>> Triển lãm tư liệu khẳng định chủ quyền Hoàng Sa
Triển lãm đã thu hút hàng nghìn người đến tham quan.
Triển lãm trưng bày các tài liệu của Viện nghiên cứu phát triển kinh - tế xã hội Đà Nẵng; tài liệu bản đồ của ông Trần Thắng tặng cho Viện này; tư liệu do Công an TP.Đà Nẵng cung cấp; tư liệu từ kết quả đề tài nghiên cứu khoa học “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tư liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam cộng hòa (1954 - 1975)”.
Theo ông Đặng Công Ngữ - Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, đây là cuộc triển lãm về các tư liệu Hoàng Sa đầy đủ, bài bản nhất từ trước đến nay với nhiều tài liệu cổ mới được phát hiện có giá trị lịch sử cao.
|
Các tài liệu của Viện nghiên cứu phát triển kinh - tế xã hội Đà Nẵng trưng bày tại triển lãm bao gồm: kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu “Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - TP.Đà Nẵng”; tập bản đồ (gồm 95 bản) đề tài trên sưu tập được; tập tuyển chọn những phần liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này được chọn lọc từ 102 cuốn sách xuất bản ở phương Tây thế kỷ 18 - 19 qua các ngôn ngữ: Anh (19 tư liệu), Đức (15 tư liệu), Pháp (46 tư liệu), Tây Ban Nha (9 tư liệu), Ý (11 tư liệu) và Hà Lan (2 tư liệu).
Phần tư liệu bản đồ của ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện văn hóa - giáo dục Việt Nam tại Mỹ tặng cho Viện nghiên cứu phát triển kinh - tế xã hội Đà Nẵng, trong đợt triển lãm này tuyển chọn 30 trong số 150 tấm bản đồ và 3 cuốn atlas để trưng bày.
Đây là những bản đồ được xuất bản ở các nước, vùng lãnh thổ như Anh, Đức, Úc, Canada, Mỹ và Hồng Kông trong khoảng thời gian từ 1626 - 1980, trong đó gồm: nhóm bản đồ ghi nhận lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam; nhóm bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam; nhóm bản đồ thương mại, bản đồ hàng hải châu Á và Đông Nam Á có thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam.
Ba tập atlas được trưng bày là do chính quyền Trung Quốc xuất bản trong các năm 1908, 1919, 1933 rất có giá trị trong việc phản biện lại những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với 2 quần đảo này.
Bốn bản đồ là các tư liệu được Công an TP.Đà Nẵng cung cấp tại triển lãm gồm: bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (NXB Thượng Hải, năm 1094), bản đồ An Nam đại quốc họa đồ, Đại Nam nhất thống toàn đồ, bản đồ các đài khí tượng Đông Dương.
Ngoài ra, còn có các tư liệu từ kết quả đề tài nghiên cứu khoa học “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tư liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam cộng hòa (1954 - 1975)”.
Qua triển lãm, người dân và du khách Đà Nẵng có được những thông tin toàn cảnh, đầy đủ những căn cứ pháp lý vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Vũ Phương Thảo
>> Quyết liệt vì Hoàng Sa
>> Xây dựng cơ sở dữ liệu về Trường Sa và Hoàng Sa
>> Nâng tầm quy mô lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
>> Tàu cá Quảng Ngãi đã vào được Hoàng Sa tránh gió
>> Triển lãm tư liệu khẳng định chủ quyền Hoàng Sa
Bình luận (0)