Triển vọng từ rau sâm biển

15/11/2017 10:10 GMT+7

Vốn bị bỏ hoang ven những cánh rừng ngập mặn ở H.Thạnh Phú (Bến Tre), loài rau sâm biển bỗng chốc “lên đời”, được người dân săn tìm và doanh nghiệp thuê đất trồng chuyên canh.

Đặc sản mới ở xứ biển
Chị Lê Thị Kim Hên (41 tuổi, ngụ ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Phong, H.Thạnh Phú) cho biết từ bao đời nay, loài rau sâm biển mọc tự nhiên ở đất giồng cao ven rừng ngập mặn tại 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải. Rau sâm biển còn gọi là hải cúc hoặc xà lách biển, nhưng bị người dân địa phương xem là cây vô dụng nên thường bứng bỏ tận gốc trước khi xuống giống vụ màu. Tuy nhiên, rễ của chúng nằm sâu dưới lòng đất hơn 2 gang tay nên rất khó nhổ hết. Do đó, chỗ nào rau sâm biển mọc nhiều thì bà con thường bỏ luôn không canh tác.

Trước mắt, chúng tôi sẽ hỗ trợ xúc tiến thêm nhiều kênh tiêu thụ để bà con có được đầu ra tốt hơn. Về lâu dài, nếu doanh nghiệp này thành công sẽ vận động họ mua lại sản phẩm rau sâm biển từ vườn của bà con để chế biến, sản xuất

Ông Trương Thanh Hải, Trưởng phòng NN-PTNT H.Thạnh Phú


Trước đây, người dân địa phương rất ít ăn rau sâm biển, chỉ những người sống rày đây mai đó trên các ghe lưới cá mới ăn loại rau này. Thế nhưng từ giữa năm 2016, rau sâm biển bỗng nổi lên như một loại đặc sản, có mặt ở hầu hết các quán ăn lớn nhỏ tại địa phương. Theo đó, giá rau tại vườn cũng tăng cao, từ 25.000 đồng/kg trở lên. “Rau sâm biển ăn sống có vị nồng cay nhẹ, phảng phất hương thuốc nam, thường ăn kẹp với cá nướng. Ngoài ra, có thể luộc hoặc nấu canh cũng rất ngon miệng nên được nhiều người ưa chuộng”, chị Kim Hên nói. Đặc biệt, nhiều người còn lùng sục tìm mua củ (rễ) sâm biển với giá khoảng 135.000 đồng/kg về phơi khô nấu nước uống.
Theo chị Kim Hên, củ sâm biển phải qua ít nhất 1 năm mới to được bằng chân nhang, qua 2 năm mới bằng đầu đũa. Vườn sâm thường rụi tự nhiên vào mùa nắng, mọc lại vào mùa mưa và trồng nhiều năm mới đào được nhiều củ lớn. Trong quá trình trồng, nếu nôn nóng bón nhiều phân vô cơ sẽ khiến sâm biển chết nhanh chóng. Chúng chỉ thích hợp bón phân chuồng và tưới lượng nước vừa đủ.
Doanh nghiệp thuê đất trồng sâm biển
Phong trào bỏ sắn, dưa hấu trồng sâm biển hiện diễn ra khá rầm rộ tại 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải. Hầu như hộ nào có đất giồng đều trồng rau sâm biển. Rau sâm biển dễ trồng, cây lớn nhanh, mau cho thu hoạch. Không ít gia đình thu nhập lên đến cả triệu đồng mỗi ngày. Riêng gia đình chị Hên, chỉ với mảnh vườn hơn 500 m2 đã cho thu nhập đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho 4 thành viên.
Ông Lê Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải, cho biết giữa năm 2017 có một doanh nghiệp đến địa phương thuê gần 3 ha với giá 100 triệu đồng/ha/năm để trồng rau sâm biển. Bà con chấp nhận cho thuê bởi những năm gần đây, việc trồng sắn, dưa hấu dân gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng thời tiết thất thường, giá cả thị trường không ổn định.
Còn theo ông Trương Thanh Hải, Trưởng phòng NN-PTNT H.Thạnh Phú, doanh nghiệp trên đang nghiên cứu thành phần của sâm biển và đã có kết quả bước đầu. Sắp tới sẽ dùng công nghệ hiện đại chiết xuất thành phần của sâm biển để tạo ra sản phẩm bán ra thị trường; đồng thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. “Trước mắt, chúng tôi sẽ hỗ trợ xúc tiến thêm nhiều kênh tiêu thụ để bà con có được đầu ra tốt hơn. Về lâu dài, nếu doanh nghiệp này thành công sẽ vận động họ mua lại sản phẩm rau sâm biển từ vườn của bà con để chế biến, sản xuất”, ông Hải cho biết thêm.

tin liên quan

Liên kết sản xuất nông sản an toàn
Ngày 28.8, Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết đơn vị này và Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM vừa ký kết phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn năm 2017 - 2019.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.