Triều cường "tấn công" Sài Gòn

28/10/2007 01:21 GMT+7

Đỉnh triều cao nhất trong trong lịch sử 48 năm qua tại Sài Gòn đã đặt toàn TP vào tình trạng khẩn cấp Đỉnh triều tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn (thuộc địa bàn Q.2) vào chiều tối qua 27.10, đã đạt mức 1,50m, là mức cao nhất trong đợt triều cường này và cũng là mức cao nhất trong lịch sử 48 năm qua. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TP.HCM đã phát đi thông báo khẩn. * Vỡ hàng loạt đê bao * Giao thông nhiều khu vực hỗn loạn

Thông báo khẩn


Đi trên đường mà như lội dưới sông (ảnh chụp trưa hôm qua tại khu vực khu dân cư Tam Bình, Q.Thủ Đức).  Ảnh: Đình Mười

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ Huy Phòng chống lụt bão TP.HCM chiều hôm qua đã phát đi thông báo khẩn, yêu cầu chính quyền các địa phương, đặc biệt là các quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, các huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh tổ chức rà soát lại các vị trí xung yếu ngay trong chiều và tối qua, khi mực nước triều dâng cao, nhất là thời điểm từ 17 giờ đến 21 giờ. Thông báo khẩn cũng yêu cầu UBND các quận, huyện thuộc "vùng lũ" tập trung huy động lực lượng, vật tư (như cừ tràm, phên tre, bao tải cát...), kinh phí và các nguồn lực khác tại những vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra tràn bờ, bể bờ bao để xử lý ngay giờ đầu khi phát hiện có sự cố hoặc nguy cơ có sự cố. Đặc biệt  lưu ý đặc biệt đến các tuyến bờ bao xung yếu tại các phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Tam Phú, Linh Đông (quận Thủ Đức); An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân (quận 12); xã Nhị Bình, xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn); xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) và phường 28 (quận Bình Thạnh). Công ty Thoát nước đô thị, các địa phương, đơn vị phải chuẩn bị máy bơm, nhiên liệu, kiểm tra hệ thống điện và huy động thêm máy bơm nước cơ động để thực hiện bơm chống ngập úng ngay khi có lượng nước lớn ứ đọng không có hướng thoát hoặc không thoát kịp.    Vỡ hàng loạt đê bao


Nhà dân chìm trong biển nước mênh mông (ảnh chụp sáng qua tại P.Tam Phú, Q.Thủ Đức)

Mặc dù đã quyết liệt phòng chống nhưng đến 21 giờ tối qua, thông tin từ Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP.HCM cho biết đã có hàng loạt sự cố vỡ bờ bao xảy ra. Tại khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) bờ bao rạch Đỉa trên phần đất của ông Trương Vĩnh Lộc bị bể một đoạn dài 8m, sâu 2m, gây ngập từ 0,6 - 0,8m, ảnh hưởng đến sinh hoạt của khoảng 100 hộ dân và trạm y tế của phường. Hai phường khác của quận Thủ Đức là Tam Phú và Tam Bình cũng rơi vào tình huống tương tự. 

Cùng thời điểm trên địa bàn quận 12, triều cường đã làm bể 7 đoạn bờ bao thuộc phường An Phú Đông và 6 đoạn khác nước dâng cao tràn cả lên bờ bao, gây ngập khu phố 1, khu phố 2 và khu phố 3. Ở phường Thạnh Lộc, cho đến cuối chiều qua cũng đã có 4 vụ bể bờ bao, xảy ra ở tổ 6 và tổ 10 thuộc khu phố 1. Ngoài ra, nhiều đoạn bờ bao ở tổ 4 và tổ 5 thuộc khu phố 2; tổ 21 khu phố 3B cũng bị bể và tràn bờ, có nơi tràn bờ 50m.  Phố biến thành sông


Xe và người cùng... lội nước  (ảnh chụp trên đường Tam Bình, Q.Thủ Đức chiều hôm qua)

Tại địa bàn quận 8, lúc 16 giờ 30, nước bắt đầu dâng cao trên các kênh Tàu Hủ, kênh Đôi khiến nhiều tuyến đường hai bên bờ kênh như Phạm Thế Hiển, Bình Đông... lần lượt ngập. Lúc này, trời vẫn còn nắng nhưng nhiều người buôn bán quần áo cũ phải vội vã dọn dẹp để kịp chạy về nhà vì nước đã tràn ngập đường.  Đến 16 giờ 45, toàn bộ đường Bình Đông đoạn dưới chân cầu Chữ U đã bị chìm dưới dòng nước đen ngòm, sau đó nước cũng bắt đầu đổ vào các nhà dân dọc theo tuyến đường. Nhiều xe gắn máy kẹt trong đoạn đường này bị chết máy phải dẫn bộ. Mặc dù là ngày cuối tuần, lượng người đi lại ít hơn nhưng tình trạng hỗn loạn giao thông đã xảy ra do các phương tiện từ phía quận 5, quận 6 đổ dồn về từ phía cầu Chữ U. Nước triều quá mạnh khiến tất cả chủ ghe, thuyền trên bến Bình Đông cũng phải lo buộc lại dây neo vào các trụ điện, gốc cây để không bị cuốn trôi.

Đến 17 giờ 30 thì nhiều con đường và nhà dân thuộc các phường 14 và 15 của quận 8 đã ngập gần 0,6m, giao thông tê liệt. Nhiều em học sinh phải xắn quần lội bộ về nhà, taxi cũng không vào được. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, mặc dù Xí nghiệp thoát nước số 5 (thuộc Công ty thoát nước đô thị) đã đặt một số máy bơm dọc theo bến Bình Đông hoạt động liên tục nhưng nước vẫn tràn vào rất dữ dội. Đỉnh triều xảy ra lúc 19 giờ thì toàn bộ đường Bình Đông, Lương Văn Can, Phạm Thế Hiển, Mễ Cốc... đã giống như các dòng sông. 

 Phường An Phú Đông (quận 12) do tiếp giáp với sông Sài Gòn nên chịu ảnh hưởng hầu hết các đợt triều cường. Theo nhiều người dân ở khu phố 3 cho biết, từ ngày 22.10, nước đã tràn vào hầu hết các tổ trong khu phố. Nhà  nào ít thì cũng ngập đến 20 cm, nhà nào nhiều thì ngập đến 70 cm. Nước bắt đầu dâng từ 17 giờ chiều hôm trước cho đến 10 giờ trưa ngày hôm sau mới rút. Nhưng từ 17 giờ chiều qua, gần như 100 % các hộ dân ở tổ 45, 46, 47 (khu phố 3) đều bị nước tràn vào trong nhà. Nhà ông Trương Văn Lon ở tổ 46 suốt 5 ngày đầu bị ngập đến đầu gối, đến chiều qua thì nước đã cao gần đến thắt lưng.  Hoài Nam

Tại quận Bình Thạnh, khu vực cư xá 30.4, các tuyến đường D1, Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bùi Đình Túy, Miếu Nổi, Thanh Đa..., do Công ty Thoát nước đô thị đã chủ động cho các trạm bơm hoạt động hết công suất nên có đỡ ngập hơn so với ngày 26.10. Tuy nhiên, hàng chục căn nhà nằm gần các nhánh rạch vẫn bị nước tràn vào.  Tại quận Thủ Đức, nhiều tuyến đường vừa mới duy tu đã bị hư hỏng rất nặng do phải "ngâm mình" trong nước liên tục mấy ngày qua. Chủ tịch UBND phường  Hiệp Bình Phước, ông Huỳnh Nhật Tâm cho biết hiện công tác gia cố bờ đê vẫn chưa xong do nước triều quá mạnh, phải đợi nước xuống lực lượng trong phường mới tiến hành khắc phục. Đặc biệt, vụ vỡ đê nghiêm trọng xảy ra vào sáng hôm qua tại phường 

Tam Phú đã khiến nước tràn qua địa phận phường Hiệp Bình Chánh, gây ngập đối với 350 hộ dân trong phường này. Tại quận 7, khu vực cầu Hàn trên đường Trần Xuân Soạn; ngã tư Nguyễn Thị Thập - Lâm Văn Bền... đều rơi vào cảnh hỗn loạn giao thông trong giờ cao điểm chiều qua, khi người dân không còn phân biệt được đâu là đường, đâu là sông nữa!


Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (ảnh) cho biết: "Trong 3 ngày vừa qua mực nước vùng đầu nguồn sông Cửu Long đang giảm dần. Trong khi đó, triều cường đã làm cho mực nước các vùng hạ lưu lên mức báo động 3. Cụ thể: mực nước trên sông Tiền tại Mỹ Thuận đã lên 1,85m, cao hơn báo động 3 là 25 cm; tại Long Xuyên là 2,46m, cao hơn báo động 3 là 26 cm và tại Cần Thơ là 1,98m, cao hơn báo động 3 là 28 cm. Ngay tại TP Cần Thơ, nhiều tuyến đường đã biến thành sông, bị ngập khá sâu, từ 30-40 cm, nhiều nhà của người dân bị ngập, xe cộ chết máy". Mai Vọng (ghi)

Mai Vọng - Đình mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.